"Thượng đế" phát bực vì người bán hàng qua mạng
Sau bài viết, "Người bán hàng online phát khổ vì "thượng đế", nhiều phản hồi khẳng định mình cũng thường xuyên phát bực khi mua đồ qua mạng.
Khi khách hàng chẳng phải là thượng đế
Chị Nguyễn Thu La (Thụy Khuê) là một khách hàng đã sử dụng dịch vụ mua hàng online được khoảng 3,4 năm nay. Theo nhận định của chị thì “mua hàng online ở nước ngoài thì rất sướng còn mua hàng online bên mình thì cực chán”.
Mua hàng online ở nước ngoài khá quy củ và thuận tiện
Theo chị Thu La, cách bán hàng online của nước ngoài rất hiện đại, văn minh và biết chiều khách. Hàng hóa sau khi mua được ship (vận chuyển) đúng hạn, nếu trễ hạn thì sẽ có email thông báo, hàng hóa không ưng ý thì được gửi trả dễ dàng, thỉnh thoảng có đồ tặng kèm, luôn gửi email báo khuyến mại cho khách…
Trong khi đó, chị thường xuyên phải phát bực vì nhận hàng chậm không được báo trước, hàng hóa lỗi không được đổi dù nhiều shop online có chính sách đổi trả sản phẩm, người bán hàng có thái độ không tốt… khi mua hàng trên mạng ở Việt Nam.
“Không biết bao nhiêu lần mình cãi nhau với các chủ shop online vì cách bán hàng thiếu chuyên nghiệp của họ. Một lần mua cái váy bầu, nhân viên giao hàng mang đồ tới nhà nhưng không hề gọi điện trước, bấm chuông vài lần không ai xuống nhận họ mang hàng về và chẳng hề thông báo với mình. Không những thế, chủ shop còn lên mạng bêu riếu và đưa số điện thoại của mình lên mạng với tội danh lừa đảo, giả vờ mua hàng” – Chị Thu La bức xúc.
Mua hàng online nhanh chóng, thuận tiện nhưng tiềm ẩn lắm rủi ro (ảnh minh họa)
Câu chuyện của chị Thu La không phải là cá biệt. Rất nhiều khách mua hàng không thể hài lòng được với dịch vụ ship của một số shop online. Các shop online do kinh phí có hạn nên thường không thuê dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp mà thuê shipper (người vận chuyển) nghiệp dư. Không được đào tạo bài bản nên chuyện những shipper nghiệp dư vận chuyển hàng hóa muộn giờ hẹn, không liên lạc với khách trước khi giao hàng, làm hư hỏng, thất lạc đồ của khách… là chuyện rất bình thường.
Một trong những điều khiến càng ngày càng nhiều người ngán ngẩm chuyện đặt hàng trên mạng nằm ở chế độ đổi trả hàng mơ hồ và thiếu chuyên nghiệp. Trước khi bán, nhiều shop cam kết với khách là thoải mái đổi trả trong trường hợp hàng xấu lỗi, không đúng hình.
Tuy nhiên khi khách đem trả hàng thì nhiều shop đã thẳng thừng từ chối với những lý do rất cảm tính như “hàng đúng màu, đúng kiểu trong hình, còn shop thấy không xấu nên không nhận lại đồ”…, thậm chí còn phớt lờ, chặn số khách…
Thái độ bán hàng thiếu lịch sự cũng là một “vấn nạn” nổi cộm trong bức tranh kinh doanh hàng hóa online. Rất ít người bán online trên các chợ điện tử và mạng xã hội được đào tạo về quan hệ khách hàng. Do đó, nhiều người đã bỏ qua nguyên tắc quan trọng “khách hàng là thượng đế”.
Trần Thu Ly (sinh viên trường Thủy Lợi) kể: “Mình là sinh viên nên chi tiêu cũng không xông xênh, Mua hàng gì cũng phải hỏi cho kỹ. Thỉnh thoảng mua hàng online thấy kiểu đẹp nhưng vẫn hỏi thêm về chất hoặc tiền ship… thì bị chủ shop mắng xối xả, thậm chí cả miệt thị.
Có lần mình thắc mắc váy của shop liệu chất có bị mỏng không thì bị một chị chủ nói mát là shop này không bán cho cave mà phải lo chất mỏng. Nhiều lần khác mặc cả một chút cũng bị mắng… Có lẽ các chủ shop ấy cho rằng mạng ảo muốn nói gì thì nói nên chửi khách không tiếc lời."
Chuyện mua phải đồ không vừa với cơ thể là điều hết sức phổ biến
Chưng hửng khi nhận hàng
Buôn bán online có đặc thù là nhanh gọn và thuận tiện. Tuy nhiên điểm yếu của nó là khách không thể “sờ tận tay” do đó khó nắm được sự thật về hàng hóa. Từ đó cũng sinh ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Vô số shop online đăng ảnh hàng hóa một kiểu nhưng sản phẩm lại là là thứ đồ nhái theo, tức là hình dáng “na ná” nhưng chất lượng lại vô cùng tệ. Họ lấy ảnh quần áo hàng hiệu để “chài” khách trên mạng nhưng lại bán quần áo Trung Quốc nhái, thậm chí tệ hơn là quần áo gia công kém chất lượng.
Không ít trường hợp người mua bàng hoàng khi nhận hàng nhưng vẫn không thể trả lại được bởi lý do “đúng màu, đúng mẫu, không rách nát và shop không thấy xấu”.
Thanh Hoài (nhân viên tư vấn mỹ phẩm) kể lại: “Do ham rẻ nên mình nhiều lần mua phải các shop treo đầu dê bán thịt chó. Có lần thấy váy trong ảnh rẻ lại đẹp mình mua liền ba cái cùng cỡ. Đến khi nhận, mặc lên người thì mới tá hỏa vì 3 cái, 1 chiếc ngắn trên đùi, 1chiếc ngang đầu đối, 1 chiếc vừa chạm kheo chân, chất thì nhàu nát, đường may hở hoác, cẩu thả. Gọi điện lại đòi trả hàng thì shop tắt luôn máy.”
May mắn hơn và cũng là một kinh nghiệm khi mua hàng online, bạn Thu Hồng (sinh viên ngân hàng) chia sẻ: “Mình mắc hớ nhiều lần nên gần đây đã rút ra kinh nghiệm là không nên thanh toán tiền cho shipper vội, bảo shipper chờ, mình thử luôn đồ, không hợp thì chỉ thanh toán tiền vận chuyển thôi và yêu cầu họ mang trả lại đồ cho shop. Nhiều người lười không kiểm tra hàng là ăn ngay quả lừa của các shop ma ranh”.
Nhiều shop online treo ảnh hàng hiệu lấy từ website của hãng hoặc ảnh người nổi tiếng mặc để "câu" khách
Cảnh giác với những người bán online “láu cá”
Các kênh mua bán online ngày càng nở rộ trên mạng xã hội như chợ mua rẻ, dọn nhà đỡ chật trên facebook hay các chợ điện tử như muar, enb… giúp việc mua bán online trở nên phát triển nhanh chóng. Đồng nghĩa với điều này là người mua càng phải tăng cường cảnh giác và giữ chặt túi tiền trước những lời mời đường mật của các shop online lừa đảo.
Điều đầu tiên là người mua nên cảnh giác trước các feedback (phản hồi) trên mạng và các chỉ số yêu thích (like), follow(theo dõi) trên các trang mua bán ở mạng xã hội. Rất nhiều các shop online đã tỏ ra vô cùng thức thời khi bỏ công và cả bỏ tiền ra lập các trang facebook, id đóng giả làm người mua để tung hứng PR cho shop. Ngoài ra họ còn mua cả like và follow trên trang cá nhân facebook. Vì vậy bạn chỉ nên mua ở các shop mà bạn bè, người quen đã từng mua hoặc sử dụng dịch vụ.
Một sản phẩm nhái theo, khác xa hình mà shop đăng tải
Điều thứ hai là người mua nên để ý tới ảnh mà shop đưa ra. Nếu ảnh đó là ảnh sản phẩm của một hãng thời trang nhưng chủ shop chỉ quảng cáo là “hàng y chang như hình, không giống hoàn tiền” thì cần lưu tâm bởi rất có thể họ đang bán hàng gia công. Không phải hàng gia công nào cũng tệ nhưng nếu bạn không thể “sờ tận tay, nhìn tận mắt” thì khả năng bị thất vọng là rất cao.
Điều thứ ba là bạn luôn cần kiểm tra hàng trước khi nhận và thanh toán tiền. Một số shop online buộc khách phải chuyển khoản trước một số tiền nhất định khi lấy hàng. Do đó, bạn nên giữ lại mọi giấy tờ gửi tiền và chụp lại điều khoản trả đổi trả hàng để tiện cho việc gửi lại đồ cho shop.
Khi gặp các vấn đề lừa đảo hoặc những phiền hà khi mua online, bạn cần ngay lập tức lên các kênh mua bán mà shop đó hoạt động để đưa ra các bằng chứng tố cáo, phàn nàn. Rất nhiều trường hợp đã lấy lại được tiền sau khi mạnh dạn công khai tố cáo, đối chất.