Thời trang Việt được gì qua các kỳ thi?
Những kỳ thi tìm kiếm tài năng mới là cơ hội tốt giúp các bạn trẻ đam mê nghề thiết kế thực hiện ước mơ của mình.
Các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi và siêu mẫu đã tìm được những gương mặt mới cho làng mẫu Việt. Đối với thời trang các cuộc thi tìm kiếm nhà thiết trẻ cũng nhằm mục đích gần như tương tự. Đó là việc phát hiện ra những tài năng mới và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế thời trang tại Việt Nam.
Từ nhiều cuộc thi, những gương mặt mới đã sớm bộc lộ khả năng và tạo tiền đề vững chắc cho con đường phát triển sự nghiệp của bản thân. Từ con số không trong gia tài sự nghiệp, những giải thưởng uy tín là bước đệm cho nhiều nhà thiết kế nhanh chóng xây dựng con đường sự nghiệp. Với những con người có tài năng thực thụ thì giải thưởng lớn lại là bệ phóng giúp họ tiến nhanh đến đích của thành công và vinh quang trong sự nghiệp.
Các mẫu thiết kế từng tham dự “Vietnam Collection Grand Prix”
Vietnam Collection Gran Pix
Một trong những sân chơi uy tín của thời trang Việt là “Vietnam Collection Grand Prix” được tổ chức đầu tiên vào năm 1999 . Cuộc thi này từng được xem là cơ hội lớn giúp các bạn trẻ đam mê lĩnh vực thiết kế thời trang biến giấc mơ thành hiện thực. Cuộc thi được viện mẫu Fadin khởi xướng với sự góp công sức phần lớn ở NTK Minh Hạnh. Qua 11 kỳ tổ chức, chương trình đã tìm kiếm được nhiều hạt nhân mới. Trong số những thí sinh đạt giải cao qua các kỳ thi, NTK Công Trí hiện là người thành công nhất.
Thành quả lớn nhất mà “Vietnam Collection Grand Prix” đạt được là tạo động lực giúp các bạn thêm nhiệt huyết và đam mê với nghề thiết kế. Sự cạnh tranh công bằng giúp nhiều bạn trẻ nỗ lực hơn nữa trong việc tìm tòi và sáng tạo phát triển khả năng của bản thân. Nhiều tên tuổi như: Lê Thanh Phương, Trương Anh Vũ, Nguyễn Công Trí, Phan Văn Tân, Hầu Nguyên Hàng, Nguyễn Quốc Bình, Nguyên Sa… có được cơ hội trở thành NTK chuyên nghiệp và ghi dấu ấn trong làng thời trang Việt.
Đa phần trang phục trong các cuộc thi thiên về hướng dòng sản phẩm ấn tượng nên tính ứng dụng không cao.
Theo đánh giá khách quan của giới chuyên môn, sau 11 lần thi “Vietnam Collectinon Gran Prix” bị đi vào lối mòn trong cơ cấu giải thưởng và ngay cả chất lượng các bộ sự tập cũng không có những điểm nhấn mới. Nhiều thí sinh chỉ dựa vào bộ sưu tập đạt giải năm trước để tiến hành thực hiện mẫu mới. Do đó yếu tố xu hướng và khả năng ứng dụng không được chú tâm.
Những sân chơi thường niên
Việc “đứt gánh giữa đường” của “Vietnam Collection Gran Prix” phần nào khiến các bạn trẻ theo học ngành thiết kế thời trang nuối tiếc. Họ mất đi cơ hội được thi thố, cọ xát và buổi đầu có được danh tiếng ở các giải thưởng. Ngay sau đó các cuộc thi nhỏ của một số thương hiệu đã được tổ chức. Tuy quy mô và danh tiếng không được như “Vietnam Collection Gran Prix” nhưng những sân chơi được tổ chức đều đặn cũng thu hút giới trẻ và phát hiện ra nhiều gương mặt mới như: Lê Thanh Hòa, Hà Nhật Tiến, Huy Trần, Tuấn Trần…
Những sân chơi nhằm quảng bá thương hiệu lại giới hạn khả năng sáng tạo của các thí sinh.
Với tính chất tạo một sân chơi nhằm mục đích tìm kiếm nhà thiết kế tương lai nhưng lại khai thác mạnh yếu tố quảng bá thương hiệu. Chính vì thế các thí sinh chỉ thể hiện được ý tượng độc đáo, khả năng tạo phom dáng. Các yếu tố về xu hướng màu sắc, chất liệu và kiểu dáng mang tính ứng dụng đa phần bị triệt tiêu. Những sân chơi mới dừng lại ở việc trưng bày sản phẩm đẹp mắt, ấn tượng chứ chưa thực sự có được động thái tốt cho sự phát triển của thời trang Việt – Khi nhìn nhận ở yếu tố ứng dụng và phục vụ cho nhu cầu mặc đẹp của người Việt với thương hiệu Việt.
Dù rằng nhiều nhãn hiệu vẫn đầu tư ý tưởng để đưa ra những chủ đề cho các cuộc thi theo từng mùa. Song những quy định chung về màu sắc sản phẩm vô tình bó hẹp khả năng sáng tạo và khiến các mẫu trang phục bị lọt thỏm hoặc lệch nhịp với xu hướng thời trang thế giới.
Với những quy định nghiêm ngặt về màu sắc, chất liệu... khiến tính cập nhật về xu hướng bị nhạt nhòa ở các BST trong các cuộc thi.
Project Runway Việt Nam
Một trong những cuộc thi mới và được sự quan tâm của các NTK trẻ, NTK không chuyên là “Project Runway Việt Nam”. Đây là một chương trình được mua phiên bản từ Mỹ. Đơn vị sản xuất chương trình này cũng đồng thời là đơn vị có công đưa chương trình “Next top model” về Việt Nam.
Một chương trình truyền hình thực tế không thể thiếu kịch bản tốt để tăng tính hấp dẫn cho chương trình. Cũng vì yếu tố đó mà diễn biến toàn bộ cuộc thi thiết kế này có khá nhiều nét tương đồng với cuộc thi “Vietnam’s Next Top Model”. Thí sinh đăng quang chưa hẳn là có nổi bật, người tỏa sáng ở thời điểm hiện tại mà là một nhân tố luôn không ngừng phấn đấu và nỗ lực hết mình và khát khao chiến thắng.
Mẫu thiết kế mới trong đêm chung kết “Project Runway Việt Nam” có thực sự là ý tưởng mới mẻ? Đó là câu hỏi lớn của nhiều khán giả theo dõi chương trình này.
Các mẫu trang phục được trình diễn trong đêm chung kết phần nào khẳng định được khả năng của các thí sinh. Tuy nhiên sự tiến bộ rõ nét lên từng ngày thì phần đông khán giả chưa nhận thấy. Hơn nữa yếu tố đặc trưng về phong cách vẫn chưa được phác họa dù chỉ là một nét đơn sơ. Trong các mẫu thiết kế ở đêm chung kết, khán giả yêu thời trang vẫn bắt gặp những đường nét đâu đó ở phong cách đã được tạo dựng của một số NTK trong nước.
“Project Runway Việt Nam” mùa giải đầu tiên thành công ở việc mang đến một chương trình giải trí mới, một sân chơi sáng tạo giúp giới trẻ thể hiện khả năng. Đồng thời giúp khán giả truyền hình hiểu rõ hơn về những công đoạn cũng như sự khó khăn và đòi hỏi gắt gao của nghề thiết kế.
Qua các cuộc thi thiết kế được tổ chức tại Việt Nam dễ dàng nhận thấy tính sân khấu hóa trong ngành may mặc luôn được đề cao. Các thí sinh sa đà vào việc thể hiện ý tưởng bay bổng, tạo khối ấn tượng nên tính ứng dụng không được đề cao. Nhiều mẫu sản phẩm nằm ở lưng chừng giữa phong cách haute couture và trang phục hóa trang.
Ngoại trừ cuộc thi “Project Runway Việt Nam” mang đến tính thực tế trong việc thiết kế thời trang và nhu cầu mặc đẹp. Tuy nhiên một đội ngũ ban giám có chuyên môn cao, giúp các thí sinh tiến bộ rõ nét và khẳng định được khả năng là điều cần suy xét và cân nhắc kỹ.