Thế giới nhức nhối với đại dịch hàng nhái
Hàng nhái (fake) đem lại nguồn lợi nhỏ cho vài cá nhân nhưng gây thiệt hại lớn cho cả thế giới!
Cụm từ "hàng hiệu" đã trở nên quá quen thuộc và luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Chuyên đề Muôn mặt thế giới hàng hiệu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn về hàng hiệu trên thế giới và xu hướng sử dụng hàng hiệu ở Việt Nam. |
Hàng hiệu, từ hàng bình dân có giá trung bình thấp như H&M, Zara, River Island… cho tới các mặt hàng cao cấp dành cho giới thượng lưu như Hermes hay Dior, chỉ cần đó là một thương hiệu được ưa thích thì ngay lập tức đội quân hàng giả hàng nhái sẽ “vào cuộc” để tung ra thị trường những mẫu thiết kế giống y đúc nhưng có giá cả rẻ hơn gấp nhiều lần.
Thế giới ngập tràn hàng nhái
Có thể nói, đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng của những mẫu hàng hiệu bị làm nhái.
Hàng hiệu tuy có mẫu mã đẹp và chất lượng đỉnh cao song giá cả của chúng thì không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận được. Đánh vào tâm lý của nhiều khách hàng, hàng loạt cơ sở sản xuất đã copy các mẫu thiết kế của những hãng thời trang được ưa thích, sản xuất nó đại trà với giá cả rẻ tới giật mình.
Sự bùng nổ của hàng nhái (fake) trên khắp thế giới khiến cho các nhãn hàng phải đứng ngồi không yên khi thấy sản phẩm trí tuệ của mình bị ăn cắp trắng trợn và công khai. Trung Quốc từ lâu đã được coi là đế chế hàng fake khổng lồ nhất toàn cầu khi theo một thống kê, gần 90% số hàng giả, hàng nhái trên thế giới có nguồn gốc từ đây.Tại Quảng Châu, Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “Thiên đường của hàng fake”, những nhãn hàng thời trang từ bình dân tới cao cấp được nhái lại, bày bán công khai với giá rẻ nếu bạn mua lẻ và giá rất rẻ nếu bạn mua sỉ.
Những điểm nóng hàng fake tại đây là Trung tâm Metropolis Shoes city chuyên nhái giày hiệu, chợ Jiefang, chợ đồ da Baiyun chuyên nhái túi hiệu, chợ Bạch Mã, chợ Zhang Xi,chợ Shi Shang Hang,chợ Hong Mian chuyên quần áo fake….Ngoài ra, một số “ổ” sản xuất hàng nhái cũng đình đám không kém Quảng Châu là Thanh Đảo, Hà Bắc, Thâm Quyến…
Hàng hóa fake cũng đủ loại, đủ kiểu, đủ nhãn hãng và được phân cấp tùy thuộc vào độ giống bao nhiêu % so với sản phẩm gốc chính hãng. Các mặt hàng nhái hàng hiệu được phân theo mức fake 1, fake 2, fake 3…. Thậm chí còn được ký hiệu fake A, A+, A++, A+++….Tuy nhiên thực tế chẳng có bất cứ một quy chuẩn nào cho mặt hàng fake vì nó được làm ra từ rất nhiều nguồn sản xuất khác nhau. Có chăng thì những hàng fake 1, siêu fake hoặc fake A với nhiều dấu cộng là để ám chỉ mức độ rất giống so với bản gốc.
Tại “Thiên đường hàng fake” người ta còn tạo ra được những chiếc túi Hermes hay Chanel với mức độ tinh xảo gần sát với nguyên mẫu tới hơn 90% và chất liệu da chỉ kém hàng thật chút ít. Và tất nhiên, giá của mặt hàng fake “siêu cấp” cũng khiến mọi tín đồ thời trang phải mềm lòng khi chỉ bằng khoảng 1/10 giá thật và nếu bạn mua buôn, giá còn có thể hạ nhiều nữa.
Chỉ cần bạn yêu cầu với số lượng quy định và đưa hình ảnh thì mọi mặt hàng đều có thể được sao chép tại Quảng Châu
Chiêu thức sản xuất hàng nhái cũng hết sức tinh vi. Nhiều nhãn hàng thường cấm không cho quay phim chụp ảnh trong và bên ngoài cửa hiệu để tránh bị ăn cắp mẫu mã. Cách đây ít lâu, vào tháng 1 năm 2012, D&G từng bị phản đối dữ dội tại Hồng Kong khi bảo vệ của hãng này đuổi một đôi tình nhân người bản xứ chụp ảnh trước cửa hàng của hãng. Hành động này được giải thích là:"Các cửa hàng đặt nhiều thiết kế để trưng bày ở mặt tiền. Để tránh việc giả mạo sản phẩm nên mới đề nghị người dân không chụp ảnh".
Tuy nhiên những phương thức ngăn chặn như vậy cũng không đem lại nhiều tác dụng khi mà nhiều nhà sản xuất hàng fake tinh vi và chịu chơi hơn rất nhiều. Họ mua hẳn hàng chính hãng, tháo tung sản phẩm ra, chọn nguyên vật liệu và in hoa văn tương ứng, sau đó căn ke và cắt dựa trên các bộ phận của bản gốc rồi cuối cùng là ráp vào một cách tỉ mẩn để cho ra một bản sao hoàn chỉnh.
Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, nhiều xưởng sản xuất hàng nhái tại Trung Quốc còn có tuyệt chiêu làm giả sản phẩm chỉ dựa trên… hình ảnh của hàng hóa trên các tạp chí thời trang hoặc qua mạng internet.
Để luồn lách ra khỏi rào cản pháp luật, các nhà sản xuất hàng fake còn tìm cách đặt tên sản phẩm khác đi một chút (nhưng vẫn có thể dễ dàng gây nhầm lẫn) chẳng hạn hạn như có thể đổi tên Espte thay cho Espirit, Adadis thay cho Adidas, Ball Star thay thế cho All Star, Cnonverse hay thế cho Converse… hoặc thay đổi một chút chi tiết trên sản phẩm ví dụ như logo cá sấu của áo Lacoste rởm có thể gục xuống thay vì ngẩng lên như hàng xịn…
Những nhà sản xuất và phân phối hàng nhái loại này sẽ bao biện rằng hàng hóa của mình dựa trên “cảm hứng từ hàng hiệu” nếu như bị các cơ quan pháp luật hỏi thăm.
Chiêu nhái "khó đỡ" của các nhà sản xuất đồ fake
Do được sản xuất với số lượng rất lớn nên giá thành một sản phẩm tại phân xưởng hàng fake rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn cho một chiếc túi hoặc giày hiệu. Tuy nhiên tới tay nhà phân phối thì nó được đẩy giá lên gấp nhiều lần nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì vẫn rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Trong mối quan hệ cung cầu của hàng fake, rất nhiều bên cảm thấy mình có lợi như thể. Điều này khiến đại nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan khắp nơi và ngày càng phát triển.
Hàng hiệu fake không chỉ phổ biến tại những đất nước đang phát triển mà nó còn tràn sang cả các trung tâm hàng hiệu cao cấp của thế giới như Hồng Kong, Mỹ, Châu Âu. Tại kinh đô hàng hiệu Pháp, khách du lịch không quá khó khăn khi bắt gặp cảnh một vài người da màu bán hàng rong mời chào mua “hàng hiệu” có giá chỉ vài trăm EUR (so với giá trị thật của sản phẩm là vài ngàn EUR) trên đường phố hoặc tại các cửa hiệu đồ cũ dưới danh nghĩa là đồ “ký gửi” (một dạng cầm đồ). Kiểu bán hàng này thường lừa đối tượng là khách du lịch.
Và mới đây chính quyền Pháp đã cho tiêu hủy hơn 1 triệu sản phẩm giả được thu giữ chỉ trong khoảng vài tháng đầu năm 2013, trong đó đa phần là quần áo, nữ trang và 70% số này có xuất xứ từ Châu Á. Pháp cũng công bố, năm ngoái đã bắt được hơn 5 triệu món hàng giả, chủ yếu là sản phẩm thời trang nhái theo các nhãn hiệu cao cấp. Hàng giả khiến các doanh nghiệp chân chính của nước này thiệt hại khoảng 6 tỉ EUR. Tình trạng này cũng tương tự xảy ra tại các thánh địa thời trang thế giới như ở Milan hay London.
Mặc dù Châu Âu, đặc biệt là Pháp kiểm soát rất gắt gao và phạt rất nặng những hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, thế nhưng nạn giao dịch hàng fake vẫn diễn ra tấp nập thông qua việc bán rong, qua các cửa hàng bán đồ cũ và qua hình thức bán trên mạng internet. Nguồn hàng fake vẫn có thể tuồn vào Châu Âu thông qua các dịch vụ chuyển hàng UPS và nhiều mánh khóe “cải trang” hàng hóa để qua mặt hải quan.
"Hàng hiệu" Pháp bán trên đường phố Paris
Hàng fake còn sử dụng mạng internet như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình để bành trướng ra khắp thể giới. Không hề khó thậm chí vào đại đa số trang web bán hàng onine, chúng ta bắt gặp những lời rao đầy hấp dẫn như Túi LV mới 98% ít sử dụng giá 4 triệu VND hoặc trắng trợn hơn là công khai bán váy Herve Leger fake 1 giá 1.5 triệu VND… Tất nhiên với hàng hiệu, kể cả hàng cũ, hàng outlet lỗi mùa "vét kho" cũng không thể có giá thấp được như thế.
Những trang web bán hàng online với quy định lỏng lẻo không đủ sức kiểm soát được việc người bán hàng tung lên các loại hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Thậm chí nhiều người bán hàng online còn nghiễm nhiên tự nhận mình bán hàng fake mà không hề mảy may lo sợ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Những trang web bán hàng lớn nhất hành tinh như eBay hay Amazon thường có chỉ số độ tin cậy của người bán, tuy nhiên tiếc thay, số lượng hàng hóa và người bán quá nhiều khiến quản lý của các trang web này khó có thể ngăn chặn được việc người bán sử dụng các tên truy cập fake (id giả mạo) để tự tăng độ uy tín cho mình.
Nạn bán hàng fake công khai trên internet
Tác hại khôn lường của hàng nhái
Ảnh hưởng của hàng fake đối với các nhãn hàng thời trang là vô cùng to lớn, khiến họ phải đau đầu giải quyết một bài toán khó mang tên bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Thứ nhất, hàng nhái làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nhãn hàng. Tất nhiên chẳng có gì đau lòng hơn khi nhà thiết kế được tận mắt thấy bản sao một chiếc túi hàng chục triệu đồng của mình được rao bán đại trà trên mạng với mức giá chỉ vài trăm nghìn hoặc bị treo một cách cẩu thả trên giá tại các chợ cóc tồi tàn!
Thêm vào đó, hàng fake được làm theo quy trình và nguyên liệu không thực sự đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Chẳng hạn như để sản xuất được một chiếc túi da không gây hại cho người sử dụng, Louis Vuitton phải sử dụng nhiều công nghệ xử lý da phức tạp trong khi các nhà sản xuất hàng fake thì không làm được điều này hoặc son Dior giả có chứa hàm lượng cao chì và nikel có thể gây bệnh ung thư.
Không chỉ gây tiếng xấu cho nhãn hàng, hàng giả hàng nhái còn gây ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung khi nó góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm sức tiêu thụ của hàng thật.
Theo ước tính, hàng fake làm thế giới thiệt hải khoảng 600 tỉ USD. Bản thân hàng giả cũng không có giá trị tích cực đối với nền kinh tế nói chung khi nó không cần phải đóng thuế, sử dụng nhân công lao động giá rẻ mạt trong đó có cả nhân công trẻ em.
Chủ sản xuất các mặt hàng nhái thu lời nhờ không phải bỏ tiền cho các loại thuế, nguyên vật liệu kém chất lượng, sử dụng nhân công giá bèo và không phải đầu tư trí tuệ
Lối thoát nào cho các nhãn hàng?
Hàng fake đang được coi là “Tội phạm nguy hiểm nhất thế kỷ”. Trước đại nạn này, chính phủ các nước đã không thể đứng yên khi nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc đã có các hình thức mạnh tay hơn với những cơ sở xản xuất và những đối tượng buôn bán hàng fake.
Tại Châu Âu, những người tiêu thụ hoặc buôn bán các mặt hàng fake của những nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ với Eu có thể bị phạt lên tới 30.000 đô (hơn 600 triệu đồng) và bị ngồi tù 3 năm. Đặc biệt ở Pháp, năm 2013, hải quan nước này đã có những động thái kiểm duyệt hết sức gắt gao hàng hóa ngoại lai vào đất nước khiến lượng hàng giả tuồn vào nước này có xu hướng giảm một nửa so với năm trước.
Theo số liệu từ Cục An ninh Mỹ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, cảnh sát nước này đã thực hiện 22.000 vụ bắt giữ hàng rởm với tổng giá trị lên đến 47 triệu USD.
Vừa qua, Mỹ và Châu Âu đã thu giữ và xử phạt 355 trang web có bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn.
Tại Việt Nam, vào ngày 1/3/2013, Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hành vi sản xuất hàng giả có thể bị phạt tới 100 triệu VND, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới 70 triệu VND, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Song song với đó, các nhãn hàng cũng có những hành động thiết thực để bước đầu chiến đấu với đại nạn hàng fake.
Louis Vuitton là một trong những nạn nhân lớn nhất của nạn làm giả mặt hàng thời trang. Khi theo ước tính có khoảng 99% sản phẩm đóng mác Louis Vuitton trên thị trường thế giới là hàng fake.
Năm 2011, hãng này đã kiện trang web bán lẻ lớn nhất hành tinh eBay ra tòa khi 90% túi xách Louis Vuitton trên trang là hàng fake và được xử thắng với mức bồi thường là 63 triệu USD. Trong cùng năm, hãng tiếp tục kiện hai công ty khác và thu được 1,4 triệu đô, kiện một tiểu thương tại Việt Nam phải bồi thường 68 triệu VND vì đã bán túi giả.
Louis Vuitton là một trong những nhãn hàng thời trang bị nhái nhiều nhất
Chanel cũng đứng lên kiện 2 đối tượng bán túi và đồng hồ giả tại Florida với mức bồi thường lên tới 800.000 USD, kiện 399 trang web bán hàng nhái vào năm 2011. Gucci được xử thắng kiện 144 triệu USD trong cuộc đấu tranh với 150 trang web chuyên bán hàng rởm
Bên cạnh đó, các hình thức phát hiện đồ thời trang fake cũng ngày cảng nhiều để khách hàng có thể tránh khỏi việc bị lừa mua phải sản phẩm nhái, giả. Các nhãn hiệu thời trang mở chi nhánh tại khắp nơi trên thế giới và đây là nơi bạn có thể nhờ chuyên gia uy tín của hãng thẩm định sản phẩm. Ngoài ra các trang web hàng hiệu như Purseforum, CarolDiva… là nơi mà người yêu hàng hiệu chân chính tề tựu. Tại đây các thành viên sẽ quan sát sản phẩm qua hình ảnh và có thể đưa ra mức độ tin cậy của sản phẩm dựa vào kinh nghiệm sử dụng hàng hiệu của mình.
Và một tin vui mới cho những người yêu thích hàng hiệu, đó là công nghệ mới đang được phát triển tại Anh giúp phát hiện hàng giả. Theo The Telegraph, công nghệ trên sử dụng một chùm bức xạ điện tử chiếu vào sản phẩm để phân tích thành phần của chất liệu, kết quả sẽ được đối chiếu với mẫu hàng mà các hãng cung cấp. Theo dự kiến, công nghệ thông minh này sẽ được hải quan Anh sớm áp dụng thử.
Trên cả luật pháp và công nghệ, nạn sử dụng và buôn bán hàng giả sẽ chỉ có thể bị đẩy lùi nếu như ý thức của người sử dụng được lên cao. Người tiêu dùng nên biết trân trọng tài sản trí tuệ của các nhà thiết kế và thẳng thắn nói không với những mặt hàng nhái, hàng giả kém chất lượng và kém đạo đức.
Núi hàng nhái đủ mọi thương hiệu tại một chợ ở Trung Quốc
Kỳ 3: Nạn "xào nấu" của thời trang mì ăn liền