Showbiz Việt: Cứ đẹp là có giải?
Cuối năm, showbiz Việt rộn ràng với mùa giải thưởng. Nhưng các giải thưởng đó vinh danh có đúng? Đâu rồi sự “phản biện” của một hệ thống giải thưởng biết nói “không” với những gì “bình bình” của 365 ngày qua?
Loạn những vinh danh
Hãy bắt đầu bằng giải thưởng People Award mà tạp chí Thời Trang – F – vừa trao cách đây không lâu, một hoạt động diễn ra cùng với đêm thời trang. Một loạt các giải thưởng như Nhà thiết kế xuất sắc nhất (Đỗ Mạnh Cường), Người mẫu xuất sắc nhất (Lê Thúy – Hoàng Thùy), Nghệ sĩ phong cách nhất (Thanh Hằng) và MC xuất sắc nhất (Trấn Thành) là sự bình chọn kín của e-kíp những người tổ chức nội dung của tờ tạp chí.
Nó tương đối đúng với tình hình hoạt động nghệ thuật giải trí trong nước cũng như đó được xem là một động thái cố gắng hướng tới các hoạt động giải trí để mở rộng cơ cấu bạn đọc cũng như ảnh hưởng tới giới truyền thông của tờ tạp chí. Nhưng, có một giải thưởng được trao trong sự nghi ngại của những người theo dõi sự kiện (ít nhất là người viết). Đó là giải Vũ công xuất sắc nhất trao cho Vinh Hải – quán quân của cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance (SYTYCD) – mùa đầu tiên.
Đầu tiên, Vinh Hải dành chiến thắng trong cuộc thi tìm kiếm tài năng truyền hình là hoàn toàn xứng đáng, không ai bàn cãi. Vậy nhưng, cũng xin nhớ, Vinh Hải chỉ là một thí sinh trong một sân chơi. Những gì mà Vinh Hải thể hiện trong cuộc thi đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tồn tại qua các vòng thi và hướng tới dành chiến thắng lớn nhất. SYTYCD hiểu một cách nôm na là một “trại huấn luyện” đối với những vũ công chưa/ đã là chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho 20 thí sinh lọt vào chung kết được sống, được học dưới áp lực phải hoàn thiện mình với nhiều thể loại nhảy múa. Về bản chất vấn đề, đó là một quá trình nâng cao khả năng (vốn có của thí sinh) để tạo cho họ một thế chạy đà để tham gia showbiz cũng như cơ hội được làm việc tại Dance Center trong vòng 1 năm (với top 4). Chấm hết.
Sự cống hiến của các thí sinh gần như bằng không bởi họ không đứng trên sân khấu với tư cách một người nghệ sĩ độc lập đang tham gia vào một tác phẩm kinh điển nào của nghệ thuật múa.
Jenifer Phạm từng đoạt giải Bà Mẹ Của Năm năm 2012
Điều đáng bàn cãi là năm qua, sân khấu múa tại Việt Nam sôi động nhất trong vài năm trở lại đây với hàng loạt các vở mới, kinh điển như Kẹp Hạt Dẻ cho tới những vở đậm chất đương đại dân tộc như Sương Sớm. Hoặc là những vở cũ được tái diễn nhiều lần như Chuyện kể những chiếc giày, Mộc cũng gây ra những cơn sốt phòng vé và những tràng pháo tay không ngớt.
1 năm, sân khấu múa Việt có tới 5 chương trình múa (với gần 10 đêm) và đêm nào vé cũng bán chạy như các chương trình kể trên thì không có lí do gì lại đi vinh danh một giải thưởng Vũ công xuất sắc nhất cho một thí sinh vừa “chân ướt chân ráo” bước ra từ một cuộc thi truyền hình, là người mà trước đó vốn chỉ biết đến với vai trò nhảy minh họa trong một MV của Mỹ Tâm.
Sự bất công còn nằm ở chỗ, tổng đạo diễn của chương trình còn do một vũ công, biên đạo múa chuyện nghiệp – một người từng đoạt giải Best dancer of UK – Vũ công xuất sắc nhất nước Anh – thực hiện. Nếu như không muốn bị nói, “Vừa đá bóng vừa thổi còi” thì cũng còn rất nhiều cái tên khác như Tấn Lộc, Tố Như, Ngọc Khải, Thùy Chi, Khánh Chinh (thí sinh đoạt huy chương đồng trong cuộc thi múa đương đại Hàn Quốc 2011), … là những người có hoạt động nghề sôi nổi nhất năm qua.
Một chiếc áo quá rộng trao cho một người còn quá trẻ như Vinh Hải cũng rất có thể giết chết một tài năng vì những hào quang chưa xứng đáng cũng như bất công với những nghệ sĩ đã dành cả đời để múa như Tố Như nay đã ngoài 40 tuổi vẫn múa như một vũ công mới vào nghề.
Cứ đẹp là có giải
Năm nay, 2013, là năm thứ hai giải thưởng Ngôi sao của năm một trang báo điện tử tổ chức với những cái tên đầy “sức hút” như Hà Hồ, Thanh Hằng (hạng mục Mỹ nhân của năm), và hằng hà sa số các ngôi sao khác đã lập gia đình hoặc đang yêu nhau (hạng mục Cặp đôi của năm), các “sao nhí” là con của các cặp ngôi sao trên (hạng mục Nhóc tì của năm) và hạng mục cuối cùng Bà mẹ của năm. Tất nhiên đây chỉ là một giải thưởng nhằm vinh danh những hoạt động thiên về gia đình của các ngôi sao đang hoạt động khắp các lĩnh vực tại thị trường giải trí Việt.
Thế nhưng cũng chính tại giải thưởng này năm trước, 2012 là năm trao giải lần đầu, một cuộc tranh cãi kịch liệt đã nổ ra khi giải thưởng đã… khép lại.
Vấn đề gây tranh cãi nằm ở hạng mục Jenifer Phạm đoạt giải Bà Mẹ của năm khi mà cô không hề chăm sóc con trai Bảo Nam mà Jenifer Phạm có cùng ca sĩ Quang Dũng trong thời gian hôn nhân. Thậm chí, Bảo Nam còn không ở Việt Nam mà đang sống cùng ông bà ngoại tại Mỹ để mẹ thuận tiện trong việc chạy show làm MC lẫn tham dự event tại Việt Nam. Thế nhưng, cựu Hoa hậu châu Á tại Mỹ vẫn đoạt giải và còn đoạt giải đầy tự hào nữa.
Tất nhiên, phiếu bầu nằm trong tay độc giả nhưng trước khi danh sách đến với độc giả thì danh sách ứng cử viên được đưa ra bởi trang báo đó và là những người am hiểu hoạt động văn hóa giải trí không có lí gì họ lại không biết tình trạng “chăm con” của “Bà mẹ của năm” như thế nào để đưa tên cô vào danh sách đề cử.
Năm nay cũng vậy, vẫn ở hạng mục này có những cái tên gây tranh cãi khi mà công chúng hoàn toàn không biết gương mặt của những thiên thần của họ và cũng chẳng biết những đứa bé đó ốm gầy ra sao, mặt mũi kháu khỉnh như thế nào, vậy mà những bà mẹ đó nghiễm nhiên nằm tên trong danh sách đề cử. Thậm chí, thông tin biết được về cách họ chăm con hoàn toàn một chiều từ chính những người trong cuộc cung cấp cho báo chí, điều đó chẳng khó để có thể “copy” ở đâu đó.
Điều công chúng cần là họ cần được biết thành quả của việc làm mẹ như thế nào, con họ trông khỏe mạnh ra làm sao, một thước đo chính xác nhất về việc “chăm con khỏe – dạy con ngoan” theo truyền thống thì tuyệt nhiên bị… giấu nhẹm đi.
Tiêu chí đã có, vậy cứ làm theo tiêu chí và khi mà những bà mẹ không thích khoe con – thành tích lớn nhất đời họ - trên mặt báo thì cũng chẳng có lí do gì để họ dám tự hào lên nhận giải thưởng cao quý mà họ dành được dựa trên những lời chia sẻ sáo rỗng.
(Còn nữa)