Quyền lực của tiền - tình ở lò luyện hoa hậu Venezuela
Chân dài Mỹ La Tinh Alessandra Sironi tiết lộ những góc đen tối của công nghiệp đào tạo hoa hậu ở Venezuela.
Ngày 5.11 vừa qua, Edymar Martinez, người đẹp đến từ Venezuela đã đăng quang Hoa hậu Quốc tế (Miss International 2015), góp phần vào “bảng vàng” thành tích ấn tượng của cường quốc sắc đẹp Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, những bức ảnh chụp tân hoa hậu trong với lớp băng mũi, cho thấy dấu hiệu phẫu thuật thẩm mỹ đã lập tức phát tán nhanh chóng mặt, hé lộ phần nào mặt trái của ngành công nghiệp “tạo ra” hoa hậu ở Venezuela.
Ảnh phẫu thuật thẩm mỹ của tân hoa hậu Quốc tế Edymar Martinez bị rò rỉ
Trong suốt chiều dài lịch sử dự thi đấu trường nhan sắc quốc tế, Venezuela đã giành được 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 6 vương miện Miss World, 6 vương miện Miss International và 2 vương miện Miss Earth. Những người từng làm việc trong ngành công nghiệp đào tạo nhan sắc ví cuộc thi Hoa hậu Venezuela như một cuộc đấu thể thao, nơi bạn chỉ có thể chiến thắng và đứng thứ nhất, bởi dù chỉ đứng thứ hai, bạn sẽ lu mờ và dần biến mất.
Với người dân Venezuela, các nữ hoàng nhan sắc phải là một người hoàn hảo. Ở đất nước Nam Mỹ nơi những cô gái đẹp có tương lai rực rỡ hơn cả những người có học vấn cao, mọi thiếu nữ đều bị “nhồi nhét” tư tưởng: “Không có bất cứ điều gì quan trọng hơn nhan sắc”.
Mới đây, trên chuyên trang sắc đẹp nổi tiếng Pagaentnews, Alessandra Sironi, một chân dài đến từ chính đất nước Nam Mỹ này đã trả lời khá thẳng thắn về cái giá mà các cô gái phải trả cho giấc mộng trở thành nữ hoàng sắc đẹp tại đây.
Người mẫu Venezuela Alessandra Sironi
Alessandra Sironi năm nay 22 tuổi. Cô sinh ra tại Barquisimeto, Venezuela nhưng tới Florida, Miami, Mỹ cách đây 5 năm để tìm kiếm cơ hội. Khi tới xứ cờ hoa, cô đi bằng visa du học sinh và đã nhận được bằng về ngành Truyền thông tại một trường đại học.
Dù có ngoại hình nóng bỏng và một gương mặt đẹp, Alessandra khẳng định cô chưa bao giờ có ý định tham gia bất cứ một cuộc thi sắc đẹp nào vì hiểu quá rõ những góc đen tối của các đấu trường này. “Những cuộc thi hoa hậu ở đất nước tôi đã bị lũng đoạn bởi tiền và các mối quan hệ” – Alessandra chia sẻ.
“Hầu hết các thành viên trong gia đình đều không hài lòng khi tôi làm người mẫu. Họ có niềm tin hão huyền vào các cuộc thi hoa hậu ở Venezuela”. Tuy nhiên, bản thân Alessandra lại cho rằng đất nước cô không xứng đáng trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo.
Theo Alessandra Sironi, các cuộc thi hoa hậu ở Venezuela đang bị lũng đoạn vì tiền và tình dục
“Những cô gái đẹp nhất, thông minh nhất không bao giờ được trao giải. Những cô mà ít người kỳ vọng nhất lại chiến thắng. Đó là những cô gái chi nhiều tiền nhất, dám làm mọi thứ vì chiếc vương miện. Ở đây, mọi thứ đều được vận hành dựa trên việc trao đổi tiền và tình dục” – chân dài Venezuela khẳng định.
Cô cũng cho rằng hầu hết các cô gái từng đoạt vương miện hoa hậu Venezuela đều theo một mô tuýp chung: Những cô gái ngốc nghếch, không bao giờ đọc sách và chỉ chăm chăm làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ.
Trả lời phỏng vấn một báo điện tử nổi tiếng ở Anh, Alessandra thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không tin Venezuela có những cô gái đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết cách ‘sản xuất’ ra những người phụ nữ đẹp, hoàn hảo. Đó là lý do vì sao đất nước tôi luôn chiến thắng tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.”
Thiếu nữ ở Venezuela đua nhau phẫu thuật thẩm mỹ để lọt "mắt xanh" của các chuyên gia sắc đẹp
Giải thích về những tiêu cực trong các cuộc thi nhan sắc ở Venezuela, Alessandra cho rằng chính những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng cũng như tình trạng bạo lực tăng cao tại đất nước cô đã dẫn tới những hậu quả xấu tới nơi mà đáng ra cái đẹp phải ngự trị.
Cũng theo chân dài này, chỉ có những cựu hoa hậu như Monica Spear (Hoa hậu Hoàn vũ 2004) mới thực sự là nữ hoàng sắc đẹp. Bởi ở thời của họ, xã hội vẫn ổn định và tiền chưa làm chủ mọi yếu tố trong đời sống.
Người mẫu này cũng phản đối việc dựng nên những cuộc thi nhan sắc dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bởi theo cô việc gây dựng những đấu trường tương tự để kiếm lợi ảnh hưởng lớn tới giới trẻ, tạo nên một thế hệ hời hợt, sống hình thức và chỉ coi trọng bề nổi. “Trẻ em và trẻ vị thành niên cần quan tâm tới việc học. Đất nước Venezuela nên tạo điều kiện cho trẻ em trau dồi kiến thức, để tạo ra một lớp công dân xinh đẹp và thông minh nữa!”
Hoa hậu Quốc tế 2015 Edymar Martinez đang là hình mẫu mà hàng triệu cô gái Venezuela hướng tới
Đây không phải lần đầu ngành công nghiệp đào tạo nhan sắc ở Venezuela trở thành tâm điểm công kích của dư luận. Trước Alessandra Sironi, rất nhiều người cũng từng lên tiếng về nỗi ám ảnh mang tên sắc đẹp tại cường quốc này.
Không chỉ bị chỉ trích vì những tiêu cực liên quan đến tiền, các đấu trường tại quốc gia này cũng bị cho là phải chịu trách nhiệm với rất nhiều trường hợp tử vong khi đang “dao kéo” của các thiếu nữ dưới 18 tuổi.
Cụ thể, nhiều bé gái mới 12 tuổi đã bị tiêm hormone, nâng mông, sửa mũi, bơm silicon, thậm chí được chính bố mẹ chúng đưa tới thẩm mỹ viện.
Bất chấp những nguy hiểm mà bản thân phải đối mặt, các cô gái này vẫn tiếp tục trở thành “con thiêu thân” cho lẽ sống mà họ tin tưởng. Yorgelys Mero, học viên tại Belankazar, một “lò luyện hoa hậu” nổi tiếng ở Venezuela mới 15 tuổi nhưng đã khẳng định “chắc nịch” về những gì mà cô muốn trong tương lai: “Ước mơ của tôi là trở nên giàu có và nổi tiếng, được sống ở Hoa Kỳ, nơi mà tôi và gia đình mình không gặp nguy hiểm!”