Phản cảm slogan trên áo

Bên cạnh phục trang “thừa da, thiếu vải”, các hình ảnh quái dị in trên khẩu trang, giờ đây giới trẻ Sài thành lại chọn mẫu áo thun in những slogan (khẩu hiệu) gây sốc. Đi đôi với sự ngẫu hứng gây cười là những ngôn từ thô tục và hình ảnh phản cảm.

Nhố nhăng

Xuất hiện ở châu Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà hoạt động xã hội in lên áo những thông điệp mang tính thời sự như: “Heal the World” (phản đối chiến tranh), “Life is beautiful” (cuộc sống mến yêu)... Khi du nhập vào nước ta, áo slogan nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của giới trẻ. Thoạt đầu những câu tiếng Việt rất có ý nghĩa như: “Hãy giữ gìn thành phố sạch đẹp”, “Hãy đội mũ bảo hiểm”, “Phản đối đào đường”, “Tôi ghét kẹt xe”... nhưng chỉ thời gian ngắn, các khẩu hiệu đã biến tướng trước trào lưu lạ đời, nhiều bạn trẻ đua nhau chọn cho mình một hoặc nhiều chiếc áo thun với những dòng slogan khác người để chứng tỏ mình không bị lỗi thời. Cùng với sự phát triển ồ ạt của dịch vụ in ấn và “gu” thẩm mỹ lạ lùng, ngày càng có nhiều câu slogan loạn ngôn ra đời.

Dạo quanh các khu công nghiệp Đồng An, Sóng Thần (huyện Dĩ An, Bình Dương), khu chế xuất Linh Trung I, II (quận Thủ Đức), chúng tôi thực sự sốc về cách ăn mặc của giới trẻ. Áo quần thì lòe loẹt với đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng, nhưng đáng chú ý nhất là những dòng slogan với ngôn từ nhố nhăng được in một cách cẩu thả: “Chán như con gián”, “Không bao giờ bán đứng bạn bè nếu... chưa được giá”, “Chả lo gì, chỉ lo già”, “Chúng ta rồi cũng sẽ già, sẽ lên nóc tủ ngắm “gà” khỏa thân”. Thật buồn khi một câu ca dao mang đầy ý nghĩa nhân văn bị “chế” thành một câu nhảm nhí: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc... nấu chung một nồi”. Toàn là ngôn ngữ “vỉa hè” được phóng tác tùm lum rồi in lên áo. Vào một cửa hàng áo quần gần trước khu công nghiệp Đồng An, chúng tôi thấy đủ loại áo thun in nhan nhản slogan nhảm nhí. Người bán hàng còn lôi trong túi ra một lô hàng với các hình ảnh sexy, chị ta bảo: “Mấy cái áo mẫu này bữa nay hút lắm, không có hàng lấy về bán luôn”. Từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng là có ngay một áo thun với dòng slogan tùy thích.

Phản cảm slogan trên áo - 1 Phản cảm slogan trên áo - 2

Phản cảm slogan trên áo - 3

Ngày càng nhiều bạn trẻ dùng slogan sốc

Nhiều cô cậu đi xe đời mới, dùng điện thoại xịn nhưng lại khoác chiếc áo với dòng chữ to tướng: “Tui nghèo kệ tui”, cũng có ý kiến cho rằng “nghèo không phải là cái tội mà là phong cách sống”. Có cả slogan dùng cho giới học sinh, sinh viên gây sốc không kém: “Học đi đôi với hành, hành đi đôi với... tỏi”, “Yêu là việc nhỏ, học là việc lớn. Không làm được việc nhỏ, sao làm được việc lớn” hay “Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi vì sao học giỏi mà vẫn nghèo”, “Học. Học nữa. Học mãi. Đuổi... nghỉ”...

Nỗi đau chữ nghĩa

Trong một lần ra mắt nhà người yêu, Thanh Hương (SN 1989, quê Nghệ An - một “tín đồ” của áo thun slogan) chẳng ngại mặc chiếc áo với dòng chữ: “Đu theo xe rác, lượm xác người yêu”. Lần đầu, ba mẹ người yêu tưởng cô bé chỉ mặc một lần cho vui, nhưng lần khác đến chơi, cô bận ngay chiếc áo với dòng slogan còn sốc hơn: “Bỗng dưng muốn ấy...”. Cứ mỗi lần đến, cô lại “gắn” một câu dữ dội khiến ba mẹ người yêu không khỏi bị... choáng. Họ thắc mắc: “Không hiểu sao con mình lại chọn một cô gái vô duyên đến vậy?”. Bản thân Hương cũng bị “mất điểm” trong mắt người yêu.

Do mặc áo có slogan không đúng chỗ mà Hương Thủy (sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Thể dục thể thao TPHCM) bị một trận say nhớ tới già. Hôm đi sinh nhật đứa bạn, Thủy bận ngay chiếc áo với dòng chữ to tướng: “Không say, không về” khiến cả lớp ngạc nhiên. Từ trước tới nay, Thủy không bao giờ uống rượu. Tưởng cô ta giả “nai” nên vừa “nhập cuộc” được mười phút, đám bạn trai trong lớp xúm lại chuốc cho Thủy một trận quắc cần câu. “Cứ nghĩ đơn giản là mặc cho vui, ai ngờ câu khẩu hiệu đó trở thành lời “tuyên chiến” hại mình” - Thủy nói. Kết quả là cô phải nghỉ học tới ba ngày mới tỉnh rượu và hết đau đầu.

Dường như các bạn trẻ ngày nay đang cố chứng minh một điều: càng quái dị, càng khác thường thì càng cá tính mà không hề biết cá tính của họ hoàn toàn lệch lạc và phi thẩm mỹ. Theo thời gian nó trở thành phản xạ có điều kiện, một số người phát âm khác bình thường, giọng õng ẹo không giống ngôn ngữ mẹ đẻ, lúc nhận ra “bữa nay giọng mình sao lạ quá” thì đã quá muộn. Thiết nghĩ các bạn trẻ không nên “chế biến” và sử dụng ngôn ngữ lạ đời ấy, sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Văn (Công An Tp.HCM)
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN