Nở rộ mốt mua hàng hiệu cũ giá rẻ
Không có nhiều tiền nhưng vẫn thích dùng hàng hiệu chính hãng, các shop ký gửi sẽ đem tới lời giải cho bạn.
Số phận của những món hàng hiệu cũ
Không phải ngẫu nhiên mà giới tín đồ gọi hàng hiệu xa xỉ là những món đồ mang tính chất “đầu tư”. Một chiếc túi da cá sấu trị giá 22 ngàn đô la (khoảng gần 440 triệu đồng) hay một chiếc váy lụa tuyệt đẹp của Ralph Laurent giá 9 ngàn đô (khoảng gần 200 triệu đồng) có thể tồn tại theo bạn cả đời và nó vẫn giữ nguyên giá trị.
Thậm chí những chiếc túi cũ của Hermes có giá bán lại còn cao hơn lúc mua 10%. Đó là lý do tại sao thị trường hàng ký gửi lại ra đời và phát triển.
Theo trang bán hàng ký gửi lớn nhất nước Mỹ The RealReal thì không phải thương hiệu nào cũng được giá sau khi đã qua sử dụng.
Những sản phẩm của các thương hiệu như Louis Vuitton, Chanel, Christian Louboutin, Hermès, Cartier, David Yurman, Alaïa, Van Cleef & Arpels và Goyard… được xem là những món đầu tư hợp lý nhất bởi sản phẩm của những nhãn này vẫn có thể bán được giá tốt sau khi đã sử dụng.
Túi Hermes sau khi sử dụng thậm chí còn có giá cao hơn túi mới
Những sản phẩm của Givenchy, Victoria Beckham, Charlotte Olympia và Alexander McQueen thường có giá cao bất ngờ sau khi bán lại.
Trong khi đó, các món đồ thời trang của Tod’s, Versace, Marni, Valextra và Etro lại rất nhanh mất giá, tỉ lệ thuận theo thời gian.
Alexander Wang, 3.1 Philip Lim và Marc Jacobs là ba thương hiệu có sản phẩm tụt giá đến mức đáng ngạc nhiên. Kể cả mới thì chúng vẫn thường bị thanh lý lại với giá rẻ hơn nhiều so với lúc mua.
Đồ của Alexander Wang rất hợp mốt nhưng nhanh xuống giá
Tại sao lại có sự phân hóa rõ rệt như vậy? Một trong những lý do quan trọng nhất tới từ chính các thương hiệu. Nếu một thương hiệu thường giảm giá và bán đại trà thì sản phẩm cũ của họ sẽ nhanh chóng bị mất giá trị.
Chẳng hạn như Marc Jacobs, đồ của hãng này xuất hiện nhiều ở các shop và thường xuyên hạ giá, do vậy thường bị tụt 60% giá trị sau khi bán lại. Trong khi đó, Hermes không bao giờ giảm giá sản phẩm, không bán online, số lượng có hạn, thậm chí còn yêu cầu khách phải “xếp hàng” trước khi mua. Điều này khiến giá trị của Hermes được duy trì, một số món đồ cũ còn đắt hơn giá lúc mua mới.
Ngoài ra, giới sành đồ hiệu còn quan tâm đến việc sản phẩm đó được làm ra vào thời điểm nào, do ai thiết kế.
“Khi Phoebe Philo làm giám đốc sáng tạo của nhà Celine. Những món đồ cũ của thương hiệu này có giá cao hơn một chút” - Rati Levesque, giám đốc kinh doanh của The RealReal cho biết.
Hãng nào không bán đại trà và không thường "sale off" thì đồ cũ của họ sẽ giữ giá
Nhộn nhịp thị trường ký gửi nước ngoài
Việc mua hàng hiệu online đôi khi gây ra nhiều phiền toái. Chẳng hạn như bạn đặt mua một đôi giày YSL có giá cả ngàn đô và phát hiện ra nó quá rộng khi nhận hàng. Không dùng đến hoặc đem cho thì thật lãng phí. Vì thế, việc mang món đồ đó tới những địa chỉ nhận đồ ký gửi để nhờ họ bán giúp lại là phương án hợp lý hơn nhiều.
Ký gửi là hình thức nhờ một bên trung gian bán hộ. Tiền hoa hồng sẽ được chia cho bên trung gian theo quy định hoặc thỏa thuận.
Tuy nhiên, các cửa hàng ký gửi lại thường định giá sản phẩm rất thấp và nếu bán được, họ có thể sẽ “ăn” khoảng 50% tiền bán. Lý do là bởi nguồn khách của họ không phong phú vì vậy việc tiêu thụ đồ cũ chậm, lkhó khăn.
Sự ra đời của các website ký gửi được xem là cách giúp người mua đỡ “hớ” hơn bởi khi quy trình bán hàng khá thuận tiện và tiền hoa hồng trích cho bên trung gian chỉ 8 -20%.
Shop-Hers.com là một trong những shop ký gửi online như vậy. Chỉ lấy18% tiền hoa hồng cho công bán đồ và lại có hình thức giao thương linh hoạt, shop ký gửi online này mới chỉ mở được 7 tháng nhưng lợi nhuận tháng nào cũng tăng 50%.
Shop-Hers.com không hề đơn độc mà thị trường hàng ký gửi còn đầy ắp những cái tên khác như The RealReal, Fashionphile, Convertique, Luxury Exchange… để bạn tha hồ “chọn mặt” khi muốn thanh lý “vàng”.
Người nước ngoài giờ ngại đi shop ký gửi. Thay vì đó họ mua hàng ký gửi qua mạng
Những hệ thống shop ký gửi online của nước ngoài đều có đội ngũ thẩm định là những chuyên gia về đồ hiệu. Họ là những người từng cộng tác với các thương hiệu thời trang lớn nhất. Ngoài ra hệ thống kiểm định nơi bán, xuất xứ, giấy tờ chứng nhận… cũng vô cùng chặt chẽ và khoa học. Họ có mối quan hệ mật thiết với các nhãn hàng, bởi vậy sẽ ngay lập tức kiểm tra được mọi thông số về sản phẩm trước khi nhập kho và treo lên giá.
Ở các trang ký gửi uy tín, yếu tố thành thật luôn được đặt lên hàng đầu. Tình trạng hàng hóa như hư hỏng bao nhiêu phần trăm, còn mới hay đã cũ, những vết bẩn, xước, độ hao mòn... đều được trình bày cẩn thận và trung thực. Ngoài ra ở những trang này còn có chế độ trả hàng (return) rất linh hoạt. Nếu bạn không ưng ý một món đồ nào đó, bạn có thể trả lại mà không bị trừ phí.
The RealReal là một trong những "ông trùm" của thị trường ký gửi hàng hiệu. Năm ngoái, doanh thu của The RealReal đã đạt tới 100 triệu đô la. Số lượng hàng hiệu tại shop online này duy trì ở con số 500.000 mặt hàng tới từ 500 thương hiệu lớn nhất như Hermes, Chanel, Celine…
Tín đồ Việt làm quen với hàng hiệu ký gửi
Việc mua bán đồ thời trang cao cấp đã qua sử dụng tại nước ta tuy không sôi động như thị trường này ở nước ngoài song mấy năm gần đây cũng khá phát triển, tỉ lệ thuận theo xu hướng sính hàng hiệu của người Việt.
Chỉ cần gõ cụm từ "Ký gửi hàng hiệu" lên thanh công cụ google, bạn có thể tìm thấy nhiều địa chỉ nhận cầm, trao đổi, ký gửi đồ hiệu đã qua sử dụng.
Các tín đồ Việt có thể tới gần hơn với đồ cao cấp nhờ các shop ký gửi
Theo Huyền Linh khách quen của một shop ký gửi đồ hiệu nổi tiếng tại Lò Sũ (HN), thì chị tìm đến địa chỉ này nhằm tìm các món độc: "Để mua lại một chiếc túi Chanel vintage được sản xuất từ năm 80 là điều bất khả thi nếu như không có những shop cầm đồ hoặc shop ký gửi.
Tuy đồ có thể đã hao mòn nhiều nhưng quan trọng là nó hiếm. Tôi rất thích cảm giác tìm lại được một món đồ ngừng sản xuất đã lâu. Mừng hơn nữa khi nó lại rẻ ngoài sức tưởng tượng."
Nằm trên tầng hai của một căn nhà đường Đê La Thành (HN), không treo biển song shop ký gửi của anh Dũng lại là nơi các quý bà, quý cô thường xuyên lui tới để săn lùng đồ hiệu đã qua sử dụng. Đồ cũ tại shop anh chủ yếu là các mặt hàng cao cấp được người Việt biết nhiều như Salvatore Ferragamo, Lv, Dior. Sản phẩm chiếm nhiều nhất là túi. Quần áo do tiêu thụ chậm hơn nên anh ít nhận. Mỗi món bán được, shop sẽ lấy tiền hoa hồng khoảng 10 - 15%.
Anh Dũng cho biết, kinh doanh hàng hiệu ký gửi thì quan trọng nhất là khâu kiểm tra xuất xứ sản phẩm, kế tới là định giá. Ngoài ra, shop của anh còn kiêm luôn việc nhận "mông má" lại hàng hiệu cũ, nát để dễ bán hơn.
Đồ chưa qua sửa chữa được định giá cao hơn nhiều so với đồ nguyên bản. Chắc chắn khách sẽ thuận mua một chiếc túi LV có quai đã ngả màu mật ong hơn một chiếc đã thay quai. Do đó, với những sản phẩm cũ một chút nhưng không nhất thiết phải "đi spa" thì chủ shop vẫn giữ nguyên.
"Hàng rởm hiện nay được nhái rất tinh vi nên tôi phải rất quan tâm tới vấn đề kiểm tra nguồn gốc. Thường shop ưu tiên những khách trình ra được hóa đơn mua bán, authentic card (thẻ chứng nhận hàng chính hãng), hóa đơn thanh toán điện tử nếu mua online.... Ngoài ra, với những mẫu mới được sản xuất, chúng tôi có thể đem ra hãng để nhờ kiểm tra..." - Anh Dũng, chủ của một shop ký gửi chia sẻ.
Tuy nhiên, chính anh cũng thừa nhận không thể đảm bảo được mọi món đồ ký gửi là hàng thật. Vì vậy, shop không có ý định mở rộng hoặc nhận đồ đại trà để đảm bảo uy tín. Nguồn hàng anh lấy thường là của khách quen.
Chủ shop ký gửi ở Đê La Thành cho biết, hiện nay authentic card cũng có thể bị làm giả. Bởi vậy, anh thường chỉ nhận đồ của khách quen
Anh Dũng cũng chia sẻ nhu cầu khách với hàng hiệu cũ ngày càng tăng cao bởi không phải ai cũng đủ điều kiện để sắm một món nguyên giá. Shop của anh tuy nhỏ, kín tiếng nhưng mỗi tháng nó cũng đem lại khoảng 15 - 20 triệu cho chủ nhân. Với những shop nổi tiếng hơn, việc nhận đồ hiệu ký gửi có thể sinh lời đến cả trăm triệu mỗi tháng.
Tuy nhiên, nhược điểm của các shop ký gửi đồ hiệu ở Việt Nam đó là mặt hàng nghèo nàn, lỗi mốt, không có hệ thống kiểm tra xuất xứ uy tín, ảnh trên web chưa trung thực và nhiều món được định giá quá cao.
Chị Thu Nga, một khách hàng sống ở Vũng Tàu bức xức: "Tôi từng hí hửng đặt mua một chiếc túi LV Alma Venis tại một địa chỉ ký gửi hàng hiệu lớn ở Hà Nội với giá 16 triệu đồng. Hình ảnh trên web đẹp long lanh. Họ cũng cam đoan túi mới 97%. Tuy nhiên đến khi nhận túi thì quai rách, bề mặt da bị xước tùm lum, bên trong còn bị nhiều dấu bút bi. Đến khi khiếu nại thì cửa hàng bảo báo đó là do lỗi của tôi do không kiểm tra kỹ trước khi mua. Họ từ chối nhận đồ trả lại."