Hoàng Minh Hà: "Có vay mượn nhưng không sao chép"

Sự kiện: Project Runway Vietnam

Quán quân Project Runway Việt Nam Hoàng Minh Hà chia sẻ về những khó khăn nhà thiết kế trẻ gặp phải trong quá trình khẳng định phong cách và thương hiệu cá nhân.

Được đánh già là một trong những cái tên hứa hẹn tạo sóng trong làng thiết kế trẻ Việt Nam, Hoàng Minh Hà khẳng định phong cách với khán giả bằng sản phẩm thanh lịch, sang trọng. Anh được lựa chọn ngồi vào ghế giám khảo cho cuộc thi năm nay và gây ấn tượng ở sự nghiêm khắc, tận tâm.

Hoàng Minh Hà đã đưa ra những quan điểm riêng của mình về khó khăn mà người đam mê thời trang muốn ghi dấu ấn dưới danh xưng nhà thiết kế trong cuộc trò chuyện này.

Hoàng Minh Hà: "Có vay mượn nhưng không sao chép" - 1

Quán quân Project Runway Việt Nam Hoàng Minh Hà được lựa chọn ngồi vào ghế giám khảo cho cuộc thi năm nay và gây ấn tượng ở sự nghiêm khắc, tận tâm

Đánh giá bằng cái nhìn của người trong cuộc

Từ chiến thắng trong cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway) mùa đầu tiên đến nay đã một năm, đối với anh tham gia một chương trình truyền hình thực tế để bắt đầu gây dựng tên tuổi có phải là quyết định đúng đắn?

Sau môt năm bước ra từ cuộc thi tôi đã gây dựng lại thương hiệu thời trang của mình và đang từng bước phát triển nó. Tôi đã được giới thiệu bộ sưu tập của mình tại tuần lễ thời trang Tiffany’s fashion week tại Paris và chung kết Vietnam’s Next Top Model 2013 vừa qua cũng như nhiều chương trình thời trang khác trong nước. 

Tôi có nhiều khách hàng ở đủ độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Nếu không có Project Runway thật sự tôi sẽ không biết sự nghiệp của mình sẽ đi về đâu. Lúc nào tôi cũng trân trọng những gì mình đang có và không ngừng nỗ lực để có thể phát triển sự nghiệp cao hơn nữa.

Anh có thấy mình mạo hiểm khi nhận lời ngồi trên ghế giám khảo cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam khi vị trí này chịu rất nhiều áp lực?

Tôi cảm thấy vinh dự khi được ngồi cùng với những giám khảo khác của Project Runway. Họ đều là những người rất có tâm và có uy tín ở nhiều lĩnh vực. Được làm việc cùng họ những ngày casting tôi cũng học được rất nhiều điều thú vị.

Tôi thuận lợi là vì từng là thí sinh của mùa trước và tôi có kỹ năng chuyên môn của môt nhà thiết kế. Hơn hết tôi rất hiểu các bạn thí sinh mong muốn điều gì khi đến với cuộc thi. Vậy tôi sẽ đánh giá thí sinh ở một cái nhìn của người trong cuộc, cũng như có những đánh giá nhất định về khả năng chuyên môn và tâm lý của họ.

Liệu hiện nay có hơi ít sân chơi, cơ hội để những người theo học thiết kế hoặc đam mê thiết kế như anh khẳng định bản thân?

Tôi nghĩ hiện nay có rất nhiều sân chơi cho những nhà thiết kế (NTK) khẳng định bản thân của mình. Tuy nhiên các NTK muốn có cơ hội thử sức ở một sân chơi chất lượng và uy tín mang tầm quốc tế thì đòi hỏi họ phải có hội đủ kiến thức và bản lĩnh để thể hiện mình qua thử thách.

Do vậy vấn đề không nằm ở sân chơi nhiều hay ít, mà quan trọng trọng là chất lượng của sân chơi và bản lĩnh của NTK trẻ.

Khi tham gia game show truyền hình đâu là trở ngại lớn nhất của thí sinh?

Điều này, tùy theo tính chất cuộc thi mà thì thí sinh được sự trợ giúp từ bên ngoài và tự do thoải mái hơn trong việc sáng tạo. Riêng với, Project Runway  thí sinh bị cách ly khá nghiêm ngặt cùng thử thách là những đề bài đưa ra ở mỗi tập không đoán trước được. Nên họ sẽ không có cơ hội để dựa dẫm vào bất cứ điều gì, nếu đó không phải là thực lực của chính họ.

Trong cương vị ban giám khảo anh khá kĩ tính và nghiêm khắc. Khi đứng trước bạn gái, anh có phải gồng mình để giữ sự công tâm?

Với tôi, Hồng Lam (thí sinh tham gia Project Runway, bạn gái Hoàng Minh Hà)  vừa là người thân cũng vừa là một thí sinh. Tuy nhiên, đây là một cuộc thi đòi hỏi sự công bằng. Nên dù đó là học trò, người thân, “người quen” thì với tôi họ đều giống những thí sinh khác, thậm chí có phần khắt khe hơn.

Hoàng Minh Hà: "Có vay mượn nhưng không sao chép" - 2

Theo Hoàng Minh Hà hiện có rất nhiều sân chơi cho nhà thiết kế khẳng định bản lĩnh và nhiệt huyết

Đừng chờ “sung rụng” sau truyền hình thực tế

Một cuộc thi ngắn ngủi cũng khó để xác định phong cách từ những thiết kế của thí sinh. Vây theo anh, những NTK phải khắng định phong cách của mình ra sao để nhìn vào một sản phẩm nào đó khán giả có thể nhận diện rằng đây là đồ của họ?

Phong cách của một nhà thiết kế là cái cảm nhận của họ về cái đẹp và cách họ thể hiện ngay trên sản phẩm của mình . Có thể qua một vài sản phẩm hoặc nhiều hơn để khán giả sẽ dễ dàng nhận ra phong cách của họ. Còn ngược lại nếu mọi người vẫn không nhận ra được phong cách của NTK qua sản phẩm thì đơn giản rằng NTK đó chưa định hình được phong cách thiết kế cho chính mình.

Có một số nhà thiết kế trẻ cho biết bước ra khỏi cuộc chơi truyền hình vẫn không có nhãn hàng hay thương hiệu nào giúp đỡ họ. Vậy NTK thời trang trẻ phải làm gì để sống được với nghề?

Điều này là điêu hiển nhiên, vì trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn như thế này rất nhiều những người trẻ có tài nhưng vẫn chưa có đất dụng võ . Vấn đề chính ở chỗ: mỗi người đều phải cố gắng tìm ra đam mê và định hướng sự nghiệp một cách nghiêm túc, có đầu tư, kiên trì.

Như vậy mới có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này và thành công sẽ đến. Còn nếu ngồi chờ "sung rụng" từ chính cuộc thi thì sẽ dễ dàng bị đào thải. Họ mang đến cho bạn đôi cánh và việc tập bay và bay như thế nào là chuyện của chính bạn.

 Anh có ngại truyền nghề một cách thực sự cho đàn em không? Bởi hiện nay có nhiều nhà thiết kế thành danh họ ngại truyền nghề?

Tôi không ngại truyền nghề, nhưng tôi rất ngại truyền nghề cho những người không có tâm . Đến thời điểm này tôi có thể tự hào vì đàn em của tôi đang trưởng thành từng ngày.

Hoàng Minh Hà: "Có vay mượn nhưng không sao chép" - 3

Nhà thiết kế nhiệt huyết không thể ngồi chờ "sung rụng" sau khi có chút tên tuổi từ truyền hình thực tế

Có thể vay mượn nhưng không sao chép

Trong Tuần lễ Thời trang Việt Nam Thu Đông 2014 vừa qua, Hà Duy một nhà thiết trưởng thành từ sân chơi truyền hình khiến nhiều khán giả yêu thời trang bức xúc vì đạo thiết kế. Anh nghĩ sao về chuyện sao chép và ăn cắp ý tưởng vẫn còn tồn tại trong làng thời trang Việt?

Hiện tượng này không hiếm ở thời trang Việt Nam, bản thân tôi cũng từng bị nghi án đạo và tôi khá bị sốc khi hay tin này. Tôi đã tìm đủ mọi cách để phân tích và biết rằng vấn đề "đạo" mà mọi người gán cho tôi nó nằm ở bố cục, cách xử lý phom dáng của một số mẫu mà khi chup hình nhìn tổng thể sẽ hao hao giống nhau.

Tôi hiểu rằng khi một nhà thiết kế đi theo xu hướng sẽ khó tránh khỏi tình trạng trùng lặp nhau. 

Tôi hy vọng những NTK sẽ siêng vận dụng chất xám, thậm chí có thể vay mượn và biến của người khác thành của mình một cách sáng tạo, điều mà rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới đã làm hơn là nghĩ đến việc sao chép.

Hoàng Minh Hà: "Có vay mượn nhưng không sao chép" - 4

Với Hoàng Minh Hà, nhà thiết kế có thể vay mượn nhưng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện sao chép

Theo anh, chương trình Project Runway​ Việt Nam nói riêng và các sân chơi thời trang nói chung ngoài việc đào tạo những kĩ năng cơ bản, kiến thức về thiết kế còn phải giáo dục NTK trẻ về đạo đức làm nghề và bản lĩnh để luôn là chính mình?

Theo tôi, hiện tại Project Runway Việt Nam nỗ lực thực hiện công việc này. Bằng cách đưa các thí sinh gặp gỡ và làm việc cùng nhiều chuyên gia thời trang hàng đầu. Cho các thí sinh cơ hội tiếp xúc, trò chuyện cùng những chuyên gia ấy giúp họ trân trọng thời trang và phát triển nó đúng hướng.

Tuy nhiên, rất khó có thể kiểm soát được vấn đề này vì nó còn nằm ở nhận thức của từng người. Tôi nghĩ điều cần làm chính là các cá nhân nhà thiết kế nên tự nhận thức chính bản thân mình hơn là trông đợi vào người nắm luật.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Project Runway Vietnam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN