Hàng bình dân lên ngôi mùa sale off
Tại nhiều trung tâm thương mại trong nước, vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 cũng là mùa “sale off” sôi động nhất, mức giá giảm sâu từ 50 đến 70%. Đây là thời điểm bội thu của các nhãn hàng thời trang bình dân.
Không phải ra nước ngoài “canh sale”
Khi nhiều trung tâm thương mại lớn mở cửa ở hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Hồ Chí Minh, việc mua hàng hiệu cũng trở nên dễ dàng hơn. Nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đã có đại lý độc quyền tại đây.
Bên cạnh đó, một số công ty xuất nhập khẩu nắm bắt được nhu cầu dùng hàng cao cấp của khách hàng cũng mở chi nhánh thương hiệu cho một số nhãn hàng quần áo cao cấp cũng như bình dân.
Chính vì lí do này mà mùa sale off nổi tiếng ở Singapore, Thái Lan, Malaysia giờ cũng có ở Việt Nam. “Trước đây, tôi thường xuyên đặt vé máy bay giá rẻ trước hè vài tháng để sang Singapore mua đồ giảm giá. Nhưng giờ đi một vòng mấy trung tâm thương mại cũng mua đủ hãng, đủ kiểu với giá cả phải chăng”, chị Hoàng Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Vào mùa giảm giá lớn trong năm (từ tháng 6 đến tháng 8) nhiều nhãn hàng thời trang đồng loạt giảm giá từ 30 đến 50% thu hút khách hàng tới mua sắm.
Đi dọc các trung tâm thương mại thường xuyên gặp những tấm biển giảm giá lớn như thế này.
Những ngày này, tại một số trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Vincom, Mega Mall hay Tràng Tiền Plaza rất thưa thớt gian hàng không treo biển “sale off”. Mức giá giảm thấp nhất là 30%, đa phần các nhãn hàng áp dụng chính sách giảm giá một nữa hoặc mua 1 tặng 1. Một vài sản phẩm trái mùa có thể được giảm giá tới 70%. Cũng chính vì lẽ đó mà khách hàng đến đây đông hơn hẳn.
Anh Nguyễn Hoàn một nhân viên bán hàng thời trang tại Vincom Hà Nội nhận định: “Thông thường chúng tôi chỉ đông khách vào ngày cuối tuần nhưng vào dịp giảm giá hàng loạt này ngày nào cũng có khách mua hàng. Đông nhất là vào buổi tối, hai ngày cuối tuần có khi phải làm thêm giờ”.
Mùa giảm giá hàng loạt ở những trung tâm thương mại lớn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu dùng hàng hiệu giá không quá đắt của đối tượng khách hàng có thu nhập khá, đồng thời đưa thời trang cao cấp đến gần hơn với khách hàng Việt. Song so với cảnh xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hiệu giảm giá ở nước ngoài thì mùa sale ở trung tâm thương mại Việt vẫn khá "yên bình".
Hàng cao cấp ế ẩm, hàng bình dân bội thu
Dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại, dễ dàng nhận thấy một sự chênh lệch khá lớn, những nhãn hàng thời trang cao cấp với mức giá từ 5 đến 10 triệu đồng đều treo biển giảm giá tới một nửa nhưng vẫn thưa bóng khách.
Một nhân viên bán hàng của thương hiệu R. phân trần: "Khi có chương trình khuyến mại, lượng khách tới xem đông hơn ngày thường nhưng số người mua không đáng kể. Có lẽ bởi đã giá giảm một nửa nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn khá đắt so với mức thu nhập của đối tượng khách hàng bình dân".
Không chỉ riêng R., nhiều nhãn hàng cao cấp khác với mức giá từ 3 đến 5 triệu đồng/ sản phẩm (giá sau khi giảm) vẫn không thu hút được khách hàng.
Chị Nguyễn Huyền (Hàng Phèn, Hà Nội) lý giải: "Nhãn hàng thời trang cao cấp ở mình khi giảm giá rồi vẫn không bán được do tình hình kinh tế khó khăn mấy năm nay. Nhiều nhãn hàng cao cấp chỉ giảm giá những mẫu đã lỗi mốt hoặc kích cỡ quá lớn không phù hợp với người Việt Nam".
Nhiều gian hàng thời trang đồng loạt giảm giá với sản phẩm mẫu mã phong phú, giá hấp dẫn.
Những nhãn hàng thời trang cao cấp dù giảm giá lớn nhưng khách hàng chỉ ngắm chứ không mua.
Những nhãn hàng bình dân thường "bội thu" khách hàng vào dịp giảm giá vì giá cả phải chăng, mẫu mã không quá cũ.
Theo như phân tích của khách hàng, ngoài lí do giá đắt, kích cỡ và mẫu mã không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến một số nhãn hàng thời trang cao cấp vẫn ế khách dù giảm giá mạnh.
Ngược lại, một số nhãn hàng thời trang bình dân nhộn nhịp hơn hẳn. Tại một gian hàng thời trang nữ thương hiệu M. ở VinCom, khách hàng ra vào tấp nập và số người mua hàng cũng không hề ít vì sản phẩm ở đây có mức giá khá dễ thở.
Áo phông giá từ 200 đến 600 ngàn đồng/chiếc, sơ mi từ 500 đến 700 ngàn đồng/chiếc, quần jeans 700 đến 1 triệu đồng/chiếc phù hợp với túi tiền của đại bộ phận khách hàng là dân văn phòng, sinh viên.
"Sản phẩm của nhãn hàng bình dân không chỉ có giá cả hợp lí mà mẫu mã cũng dễ lựa chọn, có nhiều kích cỡ và hợp mùa hơn hàng cao cấp", Chị Thu Thảo (Trường Chinh, Hà Nội) vừa chọn đồ vừa nói.
Sở dĩ sản phẩm thời trang bình dân được ưu ái hơn hẳn vì mẫu mã mới, nhiều kích cỡ phù hợp. Anh Nguyễn Hoàn, nhân viên bán hàng phân tích: "Ngày không giảm giá chúng tôi vẫn có lượng khách hàng ổn định. Mùa giảm giá chỉ để khách hàng biết đến thương hiệu nhiều hơn. Sản phẩm bán ra cũng vì thế mà ít hàng lỗi mốt, lệch cỡ hay trái mùa".
Bên cạnh hàng nhập ngoại, một số nhãn hàng thời trang Việt Nam cũng quan tâm hơn đến mùa giảm giá khi đồng loại giảm từ 30 đến 50% toàn bộ sản phẩm. Mẫu mã không quá suất sắc song giá cả phải chăng từ 200 đến 600 ngàn/sản phẩm cùng chất liệu khá ổn, nhóm sản phẩm này cũng được sự quan tâm của những đối tượng khách hàng thu nhập trung bình như học sinh, sinh viên.