Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản

Một phụ nữ người Nhật đam mê chế tạo những chiếc túi có nguồn gốc từ bao bì đựng thức ăn chăn nuôi.

Những chiếc túi được làm từ bao bì đựng thức ăn chăn nuôi gia súc đang được sử dụng khá nhiều ở Nhật Bản. Những chiếc túi làm vải bạt, in những hình thù và dòng chữ rất quen thuộc với người Việt như “Heo ham ăn, lớn nhanh, chóng tăng ký”, “Vịt siêu trứng”, “Thức ăn cho cá basa, cá tra”….được bán với giá trung bình khoảng 400 ngàn – 800 ngàn đồng. Thậm chí trên trang amazon còn bán một số mẫu túi tái chế này với giá tới 2 triệu đồng. Tất nhiên, những mẫu túi càng đắt giá thì thiết kế càng cầu kỳ.

Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản - 1

Túi vải bạt làm từ nguyên vật liệu tái chế

Tuy những hình ảnh về chiếc túi quen mà lạ này được cộng đồng mạng Việt truyền tay nhau trong thời gian gần đây, nhưng kỳ thực nó đã xuất hiện ở Nhật đã được khoảng 1 năm nay. Kiểu túi thân thiện với môi trường, nhẹ, dễ sử dụng và có họa tiết độc đáo được người dân ở xứ sở hoa anh đào khá ưa chuộng.

Anh Lê Ngọc, một du học sinh tại Tokyo chia sẻ: “Khí hậu ở Tokyo đang rất lạnh và cũng bởi phong cách thời trang nên người dân thường mặc nhiều quần áo. Trang phục tầng tầng lớp không thuận tiện cho việc đeo ba lô nên người dân nơi đây thường ít sử dụng ba lô mà hay dùng túi xách tay. Túi xách tay ngoài kiểu dáng thì họ còn ưa chuộng mẫu túi có đặc điểm nhẹ, bền và đựng được nhiều đồ. Đó có thể là lý do tại sao kiểu túi tái chế từ bao bì thức ăn chăn nuôi lại được yêu thích”.

Kiểu túi độc đáo này là một sáng tạo của một nhà thiết kế người Nhật là cô Yuki. Hiện tại cô cộng tác cùng một người Nhật khác là anh Kazutoshi Ishihara để phát triển thêm nhiều mẫu sản phẩm. Hiện tại cô Yuki không chỉ thực hiện những sản phẩm túi xách mà còn mở rộng ra nhiều sản phẩm khác như túi đựng ipad, ví, vỏ đựng điện thoại… Tất cả đều được làm từ bao bì tái chế nhập khẩu từ Việt Nam.

Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản - 2

Cô Yuki (phải) là người nghĩ ra cách biến vỏ đựng cám heo, cám gia súc thành túi sành điệu

Ý tưởng về kiểu túi “cám Con cò” này sinh khi cô Yuki tới dự lễ hội Việt Nam tại công viên Yoyogi. Khi tới đây, cô Yuki thấy những vỏ túi đựng thức ăn gia súc và cảm thấy nó thực sự thú vị và cuốn hút. Cô đã kiểm tra chất liệu và đánh giá rằng nó hoàn toàn có thể tạo nên được những mẫu túi độc đáo và tiện dụng.

“Mẹ đẻ” của sản phẩm này cho biết cô mình chưa muốn sản xuất sản phẩm này đại trà, hàng loạt bởi muốn ổn định chất lượng của túi. Tuy nhiên, do kiểu túi này đang nhận được sự đón nhận nồng nhiệt nên trong tương lai, cô sẽ đẩy mạnh việc sản xuất.

Cô Yuki chia sẻ đang có một lượng khách hàng tiềm năng rất yêu thích những mẫu túi này.

Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản - 3

Những mẫu túi, vỏ ipad này đang được nhiều người ưa chuộng vì thú vị, bền, và chắc chắn

Cô Yuki nhập bao bì để làm túi từ Việt Nam, đó chính là những vỏ đựng thức ăn chăn nuôi gia súc đã được làm sạch. Tạp chí Docomo đánh giá những thiết kế này tuy được làm từ bao bì thải loại nhưng chúng trông rất đẹp do hình họa, màu sắc và phom dáng khá ổn.

Sản phẩm rất “thuần Việt” của người phụ nữ Nhật Bản được cô giới thiệu trên trang web Tuantuan.jp. Tuantuan cũng là tên của các sản phẩm làm từ bao bì đựng thức ăn chăn nuôi.

Cô Yuki chia sẻ với báo chí rằng bởi sản phẩm có nguyên liệu hoàn toàn thuần Việt nên cô cũng muốn đặt cho chúng một cái tên thật Việt Nam. Chữ “tuan” chính là lấy từ chữ Tuấn – một cái tên hay và phổ biến ở Việt Nam. Ghép hai chữ tuấn với nhau, khi đọc sẽ tạo âm điệu vui tai và nghe gần giống với phát âm từ taro taro của Nhật, nghĩa là mặt trời.

Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản - 4

Ngoài sản phẩm túi xách, cô còn làm thêm cả vỏ đựng ipad, ví cầm tay, vỏ đựng điện thoại

Sau khi hình ảnh sản phẩm túi tái chế từ bao bì đựng thức ăn chăn nuôi lan tràn trên cộng đồng mạng Việt, rất nhiều người đã tỏ ra thích thú và khen ngợi sự tiết kiệm và khả năng biến những thứ không thể sử dụng được trở nên hữu dụng của người Nhật.  

Bạn Lý Vân Anh (sinh viên đại học Mở) viết trên trang cá nhân: “Kiểu túi cám con cò này mẹ mình từng sử dụng để đi chợ hồi xưa. Rất nhiều người cũng từng dùng túi này đựng đồ cho tiết kiệm. Tuy nhiên chúng ta chỉ dừng lại ở việc tự chế để tự sử dụng chứ không thể biến nó thành một sản phẩm mang tính thương mại. Cách mà người Nhật biến những vỏ đựng thức ăn gia súc thải loại thành sản phẩm thời trang ấn tượng, nghiêm túc và “ra tiền” thực sự đáng học tập.”

Giải mã mốt túi "cám Con Cò" sành điệu ở Nhật Bản - 5

Cái tên tuantuan cũng có nguồn gốc rất Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Những thiết kế thời trang ĐỘC nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN