Đặng Khánh Project Runway: "Thời trang không dữ"
"Thời trang có dữ hay không là tùy vào cách mình đối xử với nó" - chàng hot boy của Project Runway 2014 Phạm Đặng Khánh quả quyết nói về niềm đam mê.
Rời khỏi cuộc thi khá sớm, nhưng bất cứ ai theo dõi chương trình Project Runway từ những tập đầu đều rất ấn tượng với một chàng trai có phong cách thời trang như samurai Nhật Bản. Đó là Phạm Đặng Khánh.
Khánh sinh năm 1992 tại Quảng Ninh và theo học tại trường đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương. Ngay khi xuất hiện tại Project Runway, anh đã khiến không ít cô gái trẻ mê mẩn vì gương mặt dễ thương và cách nói chuyện có duyên.
Video clip phỏng vấn của Đặng Khánh trong chương trình được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Khi được giám khảo Công Trí hỏi liệu nhặt chỉ có phải công việc nhàm chán mà các nhà thiết kế trẻ phải làm sau khi ra trường không, Khánh đã trả lời rất hóm hỉnh: “Nhặt chỉ là việc em thích!”
Phạm Đặng Khánh với vẻ ngoài cuốn hút và phong cách không thể trộn lẫn.
Chàng thiết kế có duyên chia sẻ với độc giả về phong cách thiết kế và định hướng của mình.
Hôm nay phát cuồng vì một thứ, mai lại có thể chán luôn
- Trong một lần phỏng vấn tại Ngôi nhà chung, Khánh tự nhận mình là một “con tắc kè nhiều màu”. Điều này thể hiện ở con người và thiết kế của anh như thế nào?
Sau khi xuất hiện trên truyền hình, mọi người đều nghĩ là tôi chỉ theo phong cách Nhật Bản. Trên thực tế, phong cách của tôi là sự pha trộn của nhiều “màu” khác nhau. Trong thiết kế, tôi thích kết hợp những thứ hoàn toàn không liên quan, điển hình hai phong cách tôi ưng nhất là Gothic và Hippie.
Con người tôi cũng “tắc kè hoa” như vậy, hôm nay có thể phát cuồng lên vì một thứ nhưng hôm sau có thể cảm thấy chán luôn.
- Dễ nhận thấy văn hóa Á Đông, đặc biệt là Nhật Bản có ảnh hưởng nhiều tới thiết kế của anh. Điều gì ở nền văn hóa này khiến anh bị cuốn hút đến vậy?
Trước Project Runway, tôi đã có nhiều cảm hứng với vốn cổ, nhưng thực sự chưa hề có định hướng theo phong cách thời trang Nhật Bản. Sau cuộc thi, mọi người đều nghĩ rằng tôi thích nước Nhật và các thiết kế mang hơi hướng của Nhật. Đây lại là một gợi ý rất tốt trong con đường sáng tác sắp tới.
Tất nhiên, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm “tắc kè hoa” và sẽ trộn lẫn với nhiều phong cách khác nữa. Còn nhớ khi ở Ngôi nhà chung, chúng tôi được gặp gỡ ông Jean Paul Cauvin, giám đốc điều hành của Học viện thời trang Atelier Chardon Savard. Ông có chia sẻ với các nhà thiết kế về bí quyết tạo ra vẻ đẹp của người Pháp, đó là “kết hợp những thứ không liên quan với nhau”. Tôi rất tâm đắc với câu nói này.
Phạm Đặng Khánh cùng một thiết kế lấy cảm hứng từ vốn cổ dân tộc.
Học hỏi nhiều nhất từ Lý Giám Tiền
- Ai đã truyền cảm hứng thời trang cho anh?
Tôi đam mê thời trang từ khi còn bé, nhưng chỉ thực sự cảm thấy muốn gắn bó với nghề này sau sự xuất hiện của ca sĩ Lady Gaga. Năm học lớp 11, tôi gặp phải một chuyện buồn lắm. Đúng năm đó, thêm sự xuất hiện của Rihanna với mốt đầu cạo ấn tượng. Đó là lúc tôi quyết định đi học vẽ và theo hẳn nghiệp thời trang.
- Bước ra khỏi Project Runway khá sớm, Khánh cảm thấy mình đã học được những gì?
Tôi học hỏi được nhiều nhất từ Lý Giám Tiền. Ở nhà thiết kế trẻ này, tôi thấy lại được bản thân năm 18 tuổi. Khi đó, tôi cũng thích tìm kiếm, góp nhặt các chất liệu khác nhau để làm nên tác phẩm như Tiền.
Bẵng đi một thời gian, tôi quên đi cách làm này. Chỉ đến bây giờ, khi bắt đầu công việc của một thiết kế kiêm stylist cho các ca sĩ, tôi mới cảm thấy việc tìm kiếm, kết hợp các chất liệu độc đáo khác nhau này là đặc biệt cần thiết.
Sau Project Runway, Phạm Đặng Khánh thấy anh học hỏi được nhiều nhất từ quán quân Lý Giám Tiền.
Một trang phục ấn tượng trong bài tốt nghiệp của Đặng Khánh theo phong cách Gothic.
Tôi không hiền và thời trang không dữ
- Trong một bài viết cảm nhận về Đặng Khánh trên mạng xã hội, người viết gọi anh là “người hiền trên đất dữ” vì hầu như không bon chen, tranh giành khi ở Ngôi nhà chung. Hiền như thế liệu có sống nổi trên “miền đất dữ” là thời trang?
Theo tôi, thời trang có dữ hay không là tùy vào cách mình đối xử với nó. Nếu mình không ganh ghét, không bon chen, so bì, hãm hại người khác thì chẳng có lý gì thời trang lại “ác” với mình. Còn nếu vẫn có người cố tình đụng chạm tới, tôi cũng sẽ không quan tâm. Quan trọng nhất vẫn là khách hàng nghĩ gì về mình. Tóm lại, tôi không hiền và thời trang cũng không phải miền đất dữ!
- Tôi thấy Khánh làm phụ kiện rất đẹp. Gần đây lại thấy anh tung ra các thiết kế với người mẫu ảnh là Văn Kiên (Vietnam Next’s Top Model). Anh còn làm người mẫu cho Nguyễn Thảo. Vậy hướng đi trong tương lai của Khánh là gì?
Tôi thích một người có khả năng làm được nhiều việc: thiết kế trang phục, phụ kiện, làm người mẫu… Trước mắt, định hướng của tôi là cho ra mắt bộ sưu tập thời trang cho thương hiệu mới mở. Trong tương lai, tôi cũng muốn tung ra cả dòng phụ kiện.Tôi cũng sẽ thiết kế và làm stylist cho các ca sĩ.
- Công việc thiết kế và làm stylist cho ca sĩ có vất vả không?
Công việc này vô cùng khó khăn. Các “sao” đều muốn mình phải đẹp, không “đụng hàng”. Vì vậy trang phục mà tôi thiết kế hay tư vấn không thể đại trà. Một số người còn muốn thay đổi hẳn hình tượng, như V.A, một ca sĩ mà tôi đang làm stylist. Trong tương lai, các bạn sẽ biết anh ấy là ai!
Một khách hàng mặc trang phục từ bộ sưu tập mới của Đặng Khánh.
- Tiêu chuẩn của Khánh về người đẹp là gì?
Với tôi, dù là con trai hay con gái, người đẹp là người có đặc điểm riêng. Một cô gái có thể cao, thấp, béo, gầy… nhưng nếu có đặc điểm riêng, tôi vẫn thấy là đẹp.
- Cám ơn anh!
Tự nhận mình là "tắc kè hoa" vì Khánh rất thích kết hợp những thứ không liên quan với nhau.
Với Đặng Khánh, thời trang không dữ và Khánh cũng chẳng hiền.
Đặng Khánh trong cuộc thi Project Runway