Cấm mặc quần jeans tới trường: Vừa thừa, vừa thiếu!
"Văn bản quy định cấm quần jeans có vẻ khiên cưỡng, vì chất liệu jeans không phải là chất liệu mỏng" - Thạc sĩ tâm lý học Tô Nhi A nhận định.
Vụ việc trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) ban hành văn bản cấm học sinh, giảng viên mặc quần jeans tới trường đang gây xôn xao dư luận. Dưới đây là một số ý kiến nhận định xung quanh vụ việc của các giảng viên, nhà tâm lý học, cán bộ quản lý sinh viên, nhà thiết kế. Bên cạnh đó, họ cũng có những quan điểm riêng về lối ăn mặc của sinh viên trong môi trường sư phạm.
Câu chuyện quần jeans tại giảng đường đại học đang là chủ đề nóng (ảnh minh họa)
Theo Thạc sĩ tâm lý học Tô Nhi A (Giảng viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương TP.HCM), nếu nhìn nhận ở mục đích thì văn bản quy định về trang phục của trường ĐH Cửu Long là một văn bản tích cực.
Văn bản được ban hành nhằm xây dựng hình ảnh chuẩn mực, tích cực theo đúng yêu cầu của môi trường sư phạm. Tinh thần của văn bản đáng ủng hộ bởi chúng ta đang cố tạo dựng hình ảnh của sinh viên trong thời kỳ mới, năng động nhưng cũng phải rất chín chắn, chừng mực, cụ thể ở đây là qua việc ăn mặc.
Tuy nhiên khi ban hành văn bản quy định, phải chú ý về mặt ngữ nghĩa và đảm bảo tính khoa học, tường minh. Điều này sẽ thuyết phục và tạo được sự đồng thuận từ những người chấp hành, là giảng viên và sinh viên. Chính các thiếu sót này đã dẫn tới phản ứng đáng tiếc từ phía dư luận thay vì được sự ủng hộ.
Cụ thể, văn bản quy định cấm quần jeans, điều này có vẻ khiên cưỡng, vì chất liệu jeans không phải là chất liệu mỏng. Trong khi đó, những quy định về quy cách trang phục, phom dáng là những điều quan trọng lại chưa được đề cập rõ ràng. Do đó, văn bản ban hành vừa thiếu (về quy cách trang phục), lại vừa thừa (quy định chất liệu – jeans).
Nhiều sinh viên ăn mặc khá thoải mái khi lên giảng đường
Thạc sĩ Tô Nhi A cũng nói thêm các quy định chặt chẽ về lối ăn mặc của sinh viên là điều tích cực, cần làm để môi trường học đường đẹp, nghiêm túc, định hướng được hình ảnh sinh viên, tránh được việc các bạn mặc những bộ đồ trẻ trung, thời trang nhưng không đủ kín đáo trong môi trường học đường. Tuy nhiên cần có sự hướng dẫn rõ ràng, tính phù hợp phải cao.
Đứng ở góc độ nhà tâm lý học và cũng là một giảng viên, cô Tô Nhi A cho biết, trang phục đến trường là một trong những sự quan tâm rất lớn của sinh viên. Do đó, những quy định về điều này cần dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu của sinh viên để việc chấp hành ở các em được diễn ra tự nguyện và tự giác.
Chia sẻ kỹ hơn về các quy định chặt chẽ trong cách ăn mặc của sinh viên, cô Tô Nhi A có nhắc tới vai trò của đồng phục sinh viên.
“Đồng phục có giá trị rất riêng biệt, có tác dụng xây dựng thương hiệu cho nhà trường, cho chính bản thân họ. Vì vậy, quy định đồng phục sinh viên là tích cực nhưng nên tùy đặc thù của từng trường, ngành nghề mà có sự điều chỉnh linh hoạt.” – Cô cho biết.
Bên cạnh đó, cô khẳng định bộ đồng phục phải thật sự đẹp cả bên ngoài lẫn nội dung bên trong, phù hợp khả năng kinh tế chung, thể hiện được sự trẻ trung năng động,… thì sinh viên sẽ vui vẻ, thoải mái mặc chúng. Ngoài ra, các quy định về thời điểm mặc đồng phục sinh viên cũng rất quan trọng.
Sinh viên trường Ngoại giao (HN) tự thiết kế đồng phục
Cuối cùng, thạc sĩ tâm lý học nhận xét dù có quy định chặt chẽ hay không thì bản thân sinh viên trong môi trường sư phạm cũng phải có ý thức ăn mặc xoay quanh tính chừng mực. Điều này thể hiện sự tôn trọng với giảng viên, người xung quanh. Trang phục của sinh viên không nhất thiết phải già nua, họ vẫn có thể thể hiện cá tính, sức trẻ qua màu sắc tươi sáng, phom sáng trang phục chỉnh chu, hợp thời. Tuy nhiên phải rất chú ý về độ hở và tính dày – mỏng của trang phục.
Thầy Phan Thành (Phòng chính trị và công tác sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông) lại có quan điểm khá thoải mái về phong cách ăn mặc của sinh viên trong môi trường học đường: “Sinh viên chỉ cần ăn mặc gọn gàng, không lố bịch là được. Còn chuyện sinh viên mặc quần jeans tới trường thì không hoàn toàn không có vấn đề gì.”
Theo thầy, các quy định về cách ăn mặc của sinh viên phải tùy thuộc vào quy định của từng môi trường, đặc thù của từng trường. Chẳng hạn như trường cảnh sát quy định mặc đồng phục, quy tắc ăn mặc trong trường ngoại giao thì phải đẹp, trang nhã, lịch sự còn các trường thuộc nhóm văn hóa nghệ thuật thì sinh viên có thể bay bổng, phóng khoáng.
Thầy Phan Thành nghĩ rằng quan trọng hơn quy định là ý thức của cá nhân từng sinh viên. Có những trường quy định về ăn mặc thoáng nhưng sinh viên vẫn ăn mặc lịch sự, nghiêm túc. Và ngược lại có thể có những trường quy định khắt khe nhưng sinh viên vẫn thích “vượt rào” mặc sai quy định.
Một nữ sinh ăn mặc hở hang khi tới trường
Nhà thiết kế Tiến Lợi, một người từng giảng dạy trong các trường đại học về mỹ thuật cũng chia sẻ nhiều quan điểm xung quanh vấn đề phục trang của sinh viên.
Nhà thiết kế nhận định sinh viên là những người trưởng thành, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cách sống và hành xử của bản thân khi bước qua tuổi 18. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh sinh viên là những người trẻ. Trong khi đó, quần jeans là thế mạnh của tuổi trẻ. Trong xã hội văn minh, hầu như không ai là không có một chiếc quần jeans. Vì vậy, nếu có quy định thì chỉ nên cấm một kiểu cách nhất định nào đó chứ không thể dùng từ chung chung như trong văn bản của trường ĐH Cửu Long.
“Jeans hoàn toàn mang tính tích cực cho đời sống tinh thần của giới trẻ, nó không chỉ làm cho họ năng động nhanh nhẹn mà còn luôn thoải mái, trẻ trung, giúp họ càng phát huy sự phấn đấu chứ sao lại cấm?. Tuy nhiên, jeans rách, jeans loang..., những thứ mang tính chất thời trang đường phố hoặc trình diễn hay một số kiểu dáng quá lộ liễu, hở hang (quần xé rách quá nhiều, thiếu tế nhị) thì có thể cấm” - Nhà thiết kế nhận xét.
Nhà thiết kế cho rằng quần jeans không nên cấm, có chăng chỉ nên cấm quần jeans rách quá nhiều, quá ngắn (ảnh minh họa)
Nhà thiết kế Tiến Lợi cho rằng nhà trường cần có những buổi phân tích, nói chuyện với sinh viên để cùng nhau nhìn nhận vấn đề về văn hoá mặc nơi giảng đường. Việc này hợp lý hơn so với việc nhà trường nhanh chóng đưa ra các quyết định mang tính nội quy chung chung và chưa thỏa đáng.
Ngoài ra, nhà thiết kế cũng gợi ý ngay từ năm thứ nhất, nhà trường nên tổ chức những buổi chia sẻ với sinh viên về văn hóa mặc. Qua đó. các bạn sinh viên sẽ có những nhận thức được thời trang là cách thể hiện con người mình. Điều này sẽ hạn chế tình trạng sinh viên ăn mặc không lịch sự khi tới trường.