7 scandal làm rúng động làng thời trang
Điểm mặt những scandal tai tiếng và đình đám trong lịch sử thời trang hiện đại.
Từ đạo thiết kế cho tới vấn nạn sử dụng nhân công giá rẻ, ngành công nghiệp thời trang luôn tràn ngập trong những scandal.
Dưới đây là 7 scandal được đánh giá là đáng chú ý nhất và có ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ngành công nghiệp thời trang trong mắt dư luận nhất.
John Galliano say khướt và phân biệt chủng tộc
Mặc dù rất trân trọng tài năng của John Galliano nhưng trước sự vụ đình đám gây mất lòng dư luận, nhà Dior đã buộc phải truất ngôi vương của ông.
“Cú phốt” đình đám xảy ra vào năm 2011, nhà thiết kế uống rượu, say khướt rồi gây gổ, phỉ báng một cặp đôi. Hành động của John Galliano được xem là vi phạm pháp luật tại Pháp. Ngay sau đó ít hôm, một người phụ nữ Do Thái đã đệ đơn kiện John Galliano từng lăng nhục, tấn công và sỉ vả người Do Thái.
Vận đen chưa thôi bám riết lấy John, “dậu đổ bìm leo”, tờ The Sun của Anh tiếp tục cho đăng tải một đoạn video clip, trong đó John Galliano có lời lẽ phân biệt chủng tộc và tuyên bố “Tôi yêu Hitle”.
Hành động của John Galliano gây nhiều phẫn nộ đối với công chúng. Nữ diễn viên Natalie Portman từng định mặc trang phục do John Galliano thiết kế tới lễ trao giải Oscar nhưng cô đã quyết định thay đổi sang trang phục của hãng khác để lên án hành động phân biệt chủng tộc của “hoàng tử làng thời trang”.
Tuy nhiên số tiền phạt 6000 Euro tương đương với khoảng 128 triệu VND mà John phải nộp cho cảnh sát không thấm vào đâu so với con số 1.17 triệu Euro tương đương với khoảng 30 tỉ VND là tiền bồi thường cho Dior vì đã làm mất danh dự của hãng.
John Galliano bị Natalie Portman "tẩy chay" vì có hành động phân biệt chủng tộc
Lông thật “mạo danh” lông giả
Scandal này được giới mộ điệu mô tả lại như “màn PR kinh hoàng và giả dối nhất”. Để qua mắt được các chiến dịch bài trừ lông thú thật đang lan mạnh, một số hãng như Marc Jacobs, Tommy Hilfiger, Baby Phat đã gắn mác lông thú giả cao cấp lên các sản phẩm lông thú thật. Trò này từng bị lật tẩy lần đầu vào năm 2007.
Nối tiếp trào lưu kể trên, những hãng bán lẻ lớn của Mỹ như Neiman Macus, Eminent và DrJays cũng không nói thật về chất liệu làm nên trang phục để khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.
Ralph Lauren đạo ý tưởng của Yves Saint Laurent
Ra đời vào năm 1966 bởi Yves Saint Laurent, bộ tuxedo dành cho nữ giới đã trở thành một biểu tượng bất diệt của tính bình đẳng giới.
Tuy nhiên sau đó, nó đã bị sao chép y nguyên bản chính dưới bàn tay của nhà thiết kế Mỹ Ralph Laurent. Mặc dù thời điểm ấy, việc bản quyền thời trang chưa được thắt chặt như hiện tại nhưng hãng YSl vẫn chiến thắng Ralph Laurent với khoản bồi hoàn lên tới 400.000 USD tương đương với hơn hơn 8 tỉ VND.
Màn đạo nhái lại bộ tuxedo huyền thoại bị phạt nặng, gần nửa triệu đô!
Calvin Klein bị chỉ trích vì lạm dụng mẫu teen
Trở thành người mẫu đại diện cho thương hiệu quần jeans của Calvin Klein vào năm 15 tuổi, Brooke Shield khiến cho thương hiệu này rơi vào vòng chất vấn từ phía các phụ huynh.
Không chỉ thế câu slogan “Bạn biết điều gì nằm giữa tôi và Calvin Klein? Đó là không gì cả” trong shot hình quảng cáo với nhân vật chính là cô người mẫu tuổi teen Brooke Shield khiến làng thời trang dậy sóng vì nạn sử dụng người mẫu chưa tới tuổi vị thành niên cho những show thời trang hay chiến dịch quảng cáo quá nhạy cảm.
Calvin Klein cũng từng gặp scandal khi sử dụng người mẫu tuổi teen ăn mặc cực kỳ hớ hênh và khêu gợi cho chiến dịch quảng cáo năm 1995. Scandal quảng cáo năm 1995 của Calvin Klein không chỉ bị lên án mà nó còn trở thành bài học marketing cho nhiều thương hiệu thời trang khác.
Brooke Shield tuổi 15 khiến Calvin Klein bị "ném đá"
Victoria’s Secret lạm dụng nhân công trẻ em
Một trong những scandal ồn ào nhất của Victoria’s Secret lại vướng vào tình trạng lạm dụng nhân công giá rẻ để tận thu lợi nhuận.
Victoria’ Secret bị cáo buộc trả lương rẻ mặt hoặc thậm chí không trả lương cho lao động trẻ em làm công việc thu hoạch bông sợi bằng tay tại Burkina Faso.
Áo ngực của VS được làm từ đồng lương rẻ mạt trả cho dân nghèo
Dolce & Gabbana đau đầu vì thuế
Vào năm 2009, hai nhà thiết kế thiên tài người Ý Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã bị chính phủ nhắc nhở về vấn đề thuế. Hai nhà thiết kế bị cáo buộc việc trốn thuế bằng cách bán thương hiệu Dolce &Gabbana và D&G cho Công ty TNHH Gado ở Luxembourg năm 2004 và 2006. Bởi, nếu ở Ý, mức thuế phải chịu lên tới 45% thì tại Luxembourg chỉ có 4%. Stefano Gabbana và Domenico Dolce mỗi người bị sở thuế ra trái đòi số tiền lên tới 569 triệu USD tương đương với khoảng 12 nghìn tỉ VND.
Tới năm 2010, viện công tố Milan quyết định khởi tố vụ việc này. Báo giới Ý đánh giá rằng đây là vụ kiện cáo lớn nhất thế kỷ. Hai nhà thiết kế đứng trước nguy cơ bị tù ba năm và số tiền phạt lên tới 1 tỷ Euro tương đương với khoảng 28 nghìn tỉ VND. Tới năm 2011, Stefano Gabbana và Domenico Dolce được xét trắng án vì lí do chưa đủ bằng chứng buộc tội.
Tuy nhiên sau khi chính phủ mới lên cầm quyền, vụ việc lại bị xới lại và bắt đầu xét xử lại từ đầu. Trước tình hình đó, hai nhà thiết kế đã vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, đồng thời có hình thức chống đối là đóng cửa một số cửa hàng trong 3 ngày, chấp nhận để thất thu hàng triệu USD. Thậm chí họ còn dọa sẽ đóng cửa thương hiệu.
Bộ đôi quyền lực phải ra hầu tòa vì cáo buộc trốn thuế
Vogue bị phản đối vì người mẫu trẻ em
Người mẫu nhí Thylane Lena Rose Blondeau từng khiến tờ tạp chí thời trang đình đám nhất thế giới Vogue phải đứng trước luồng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Vào năm 2011, Thylane xuất hiện trên một ấn phẩm của Vogue với cách ăn mặc và tạo hình như những cô gái gấp đôi số tuổi của mình.
Đồng thời vụ việc cũng dấy lên làn sóng lên án về tình trạng sử dụng người mẫu nhỏ tuổi cùng việc gia tăng yếu tố tình dục trong các bức ảnh thời trang.
Người mẫu nhí Thylane Lena Rose Blondeau