2 "đại gia" thời trang quay cuồng vì giày sneaker
Phân khúc giày sneaker (giày thể thao) là chiến tuyến mà Adidas và Nike trực tiếp đối đầu.
Cuộc chiến thương hiệu giữa Nike và Adidas chưa bao giờ đi đến hồi kết. Bất kể chỗ nào có Nike thì có Adidas. Hai "ông lớn" thời trang thể thao luôn "chạy đua" cả về chất và lượng để có được thị phần nhiều hơn, tranh giành nhân tài để có những mẫu thiết kế ăn khách hơn. Họ cũng đang bị quay cuồng vì cuộc chiến giày sneaker. Serie Đại chiến giữa 2 "ông lớn" thời trang thể thao sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về thị phần, những động thái chứng tỏ Adidas quyết tâm "lật đổ" ngôi vương của Nike và tình hình cuộc chiến thương hiệu hàng thập kỷ giữa 2 hãng này. |
Kỳ 3: 2 "đại gia" thời trang quay cuồng vì giày sneaker
Giày thể thao là phân khúc đối đầu cam go nhất giữa Adidas và Nike
Nike và Adidas được đánh giá là một trong những cặp đối thủ hàng đầu thế giới. Cả hai cùng tranh giành nhau những thị trường béo bở tiêu thụ trang phục, phụ kiện thể thao. Và đương nhiên, trận chiến giày sneaker là cam go và khốc liệt nhất.
Nike thống trị thị trường giày thể thao Mỹ và toàn Bắc Mỹ
Không nơi nào tiêu thụ giày sneaker mạnh như ở Mỹ
Nike đang chiếm lĩnh thị trường Bắc Mỹ và đặc biệt là Mỹ với hơn 80% thị phần trong đó giày bóng rổ chiếm tới 90%, giày chạy bộ chiếm 60% và giày skate chiếm 20%.
Adidas gặp nhiều khó khăn khi xâm lấn thị trường Mỹ - sân nhà của Nike. Nên Adidas khai thác mạnh thị trường Nga và Châu Á, đưa Adidas trở thành thương hiệu nổi tiếng hơn Nike ở những nơi này, với hy vọng sẽ bắt kịp “chúa tể” Nike.
Nhưng cả thế giới đang phát cuồng vì Adidas Yeezy
Bộ sưu tập giày Yeezy của Kanye West
Theo tạp chí GQ, trong một đêm tháng 2 lạnh lẽo năm 2015 tại Tuần lễ thời trang New York, Kanye West ra mắt bộ sưu tập giày Yeezy Boost - loại giày da lộn cực thời thượng. Chàng rapper ngạo mạn nhất nước Mỹ đứng giữa sân khấu hoành tráng tại Broadway và gào lên trước đám đông 10.000 người rằng: "Từ bây giờ, chúng ta sẽ không dùng đồ của hãng nào khác nữa, đúng không?"
Tất nhiên ai cũng hiểu West đang ám chỉ "hãng nào khác" là Nike - kẻ thù truyền kiếp của Adidas. Nike đang thống trị thị trường sneaker với vốn đầu tư 86 tỷ USD và 57.000 nhân viên.
Trong quá khứ, Kanye West đã từng hợp tác cùng Nike trong 4 năm, cho ra đời thương hiệu Air Yeezy đình đám. Đến năm 2014, mọi "giao tình" giữa họ chấm dứt vì Adidas sẵn sàng chi trả nhiều hơn. Kanye chia sẻ, Nike đã không coi anh là một nhà thiết kế, cùm chân sự sáng tạo và không trả đủ tiền.
Dù tốc độ tiêu thụ cực nhanh nhưng hiện tại dòng Adidas Yeezy Boost đang phải cùng lúc chống chọi với Nike Lebron và Air Jordan của Nike. Các nhà phân phối Adidas hy vọng giày của Kanye West sẽ làm nên chuyện trong thời gian tới.
Trên thực tế, nhiều hãng khác cũng "tham chiến"
Tỷ lệ cầu thủ bóng rổ đi giày của các hãng thời trang thể thao giai đoạn 2014 - 2015. Nike giữ vững ngôi đầu bảng, Adidas xếp thứ 2.
Tuy nhiên, tháng 5.2015, thị phần của Adidas ở Hoa Kỳ bị tụt xuống vị trí thứ 3. Skechers vượt mặt Adidas vươn lên vị trí thứ 2 trong lĩnh vực kinh doanh giày thể thao ở Mỹ. Nike tiếp tục thống trị bảng xếp hạng.
Tính riêng trong lĩnh vực bóng chày, Adidas còn thua cả hãng mới nổi Under Armour - một hãng giày thể thao của Mỹ. Cuộc chiến giày thể thao còn có nhiều thương hiệu khác đang lớn mạnh và có thể trở thành cặp đối thủ với Nike hoặc Adidas.
Mẹo nhận dạng giày hiệu do Kanye West thiết kế
Không có đôi sneaker nào"nóng" hơn Adidas Yeezy 350 trên thị trường giày nam hiện nay. Thiết kế mới nhất của rapper Kanye West nhanh chóng cháy hàng sau khi lên kệ. Thậm chí nhiều đơn vị bán lẻ đã hét giá gấp 5 lần so với giá mà Adidas niêm yết.
Cũng theo Adidas, đôi giày này đang bị làm giả, sao chép mẫu rất nhiều. Điều này rất khó kiểm soát, nhưng có 9 đặc điểm cơ bản để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng "fake" như bên dưới:
1. Thiết kế heel-tab (phần đính kèm sau gót giày)
Đôi giày hiệu có phần heel-tab gần với gót chân hơn, đường may cẩn thận và vuông vức.
2. Đường chỉ may trên giày
Một đôi giày Adidas thật sẽ may với loại chỉ dày dặn, theo hình chữ "X" sau đó là một hình vuông và lặp lại. Còn ở đôi giày nhái, đường may khá kém, chỉ mảnh và hình thù không rõ ràng.
3. Tên sản phẩm trên lót giày (mặt trước)
Phần in tên sản phẩm trên lót giày rõ ràng khác biệt nhau, thứ tự in bị đảo ngược. Mặt khác, giày thật có dòng chữ in màu đen, còn giày nhái lại in màu trắng khá nổi bật. Chiếc lót giày "fake" cũng không được gia công cẩn thận, khá sần sùi.
4. Phần đế sau của lót giày
Đế sau của lót giày thật có phần vân chống trơn rõ ràng và có màu đen. Phần logo biểu tượng Adidas cũng in hướng ra ngoài, ngược chiều với chiếc lót giả.
5. Logo YZY trên giày
Cũng rất dễ dàng phân biệt được đặc điểm này. Logo YZY trên giày giả được dập nổi với cỡ chữ lớn hơn hẳn giày hiệu.
6. Logo biểu tượng của Adidas
Logo biểu tượng của Adidas cũng được in với kích cỡ lớn hơn trên đôi giày "fake".
7. Thông tin tem mác
Nếu có thêm chữ "SAMPLE" trên nhãn mác thì đôi giày đó chắc chắn là đồ nhái.
8. Bên trong giày khi không có lót giày
Khi nhấc lót giày ra, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt trong lòng giày. Nếu chỉ là đường chỉ khâu qua loa thì sẽ là giày Adidas giả mạo. Một đôi giày hiệu đắt tiền được may thêm một lớp vải và không lộ chỉ.
9. Hộp đóng gói
Hai hộp đựng giày khác nhau hoàn toàn về màu sắc, kiểu dáng. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn mác có đúng với nhãn mác bên trong giày.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đón đọc Kỳ cuối: "Cân" gia tài của 2 gã khổng lồ thời trang thể thao vào 15h00 ngày 28.7.2016