10 bộ phim khiến tín đồ thời trang "đã mắt"
Nhiều bộ phim trở nên đẳng cấp, đáng nhớ hơn với người hâm mộ nhờ yếu tố phục trang cực kỳ ấn tượng và "đã mắt".
Có những bộ phim gây chú ngay khi còn trên kịch bản nhờ yếu tố diễn viên nổi tiếng, đạo diễn giỏi hay lời quảng cáo xây dựng dựa trên câu chuyện có thật... Và còn một "ngôi sao" sáng khác cũng làm nên thành công của nhiều bộ phim, đó chính là thời trang.
Trên thực tế, nhiều bộ phim trở nên đẳng cấp và đáng nhớ hơn nhờ sự đầu tư mạnh tay và chỉn chu của ekip sản xuất. Qua đây, người xem phim không chỉ bị hút vào các diễn biến mà họ còn bị gây mê bởi những thiết kế trang phục tuyệt đẹp.
Có người dù chẳng hiểu rõ về thời trang cũng phải thốt ra lời khen ngợi cho những phục trang được sử dụng trong phim, Không chỉ dừng lại ở dàn diễn viên ăn mặc đẹp, một số bộ phim sở hữu những trang phục mang tính biểu tượng và khó quên.
Cùng điểm lại 10 bộ phim có yếu tố thời trang đáng nhớ nhất:
1. The Great Gatsby (2013) với kinh phí 100 triệu đô la
Với kinh phí đầu tư lên tới 100 triệu đô la, phiên bản điện ảnh của cuốn tiểu thuyết kinh điển The Great Gatsby đã tạo được tiếng vang ngay khi ra mắt. Bên cạnh những yếu tố như diễn viên, nhạc phim... người xem còn cảm thấy "mãn nhãn" thời trang xa xỉ tràn ngập trong The Great Gatsby.
Ai từng xem phim hẳn còn nhớ cảm giác ngưỡng mộ và thần tượng trước một Jay Gatsby lịch lãm. Bản thân nam tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai diễn này cũng cảm thấy hài lòng và thích thú khi được khoác lên mình thiết kế vest đuôi tôm, măng-séc với đường kim mũi chỉ chuẩn đến từng chi tiết đến từ thương hiệu Brook Brothers.
Những con số như: 39 trên tổng số 44 đời tổng thống Mỹ gồm Abraham Lincoln, Roosevelt, George Bush, Obama... đều là khách hàng quen thuộc của Brook Brothers đã thể hiện phần nào tầm vóc của thương hiệu này.
Ngoài nhân vật Gatsby, chắc chắn cô nàng Daisy - tình yêu của Gatsby cũng để lại ấn tượng khó phai trong lòng giới mộ điệu. Toàn bộ trang phục của Daisy đều đẹp đẽ, xa hoa được thương hiệu Miu Miu "đo ni đóng giày" cho nữ diễn viên Carey Mulligan - người thủ vai diễn. Bản thân cô cũng phải thốt lên rằng: "Tôi chưa được đóng vai diễn nào đẹp đến vậy".
Bên cạnh thiết kế trang phục đẹp và đẳng cấp, giới mộ điệu còn đắm say với những bộ trang sức xa hoa được sử dụng trong phim. Nếu nói, yếu tố thời trang đã trở thành biểu tượng cho The Great Gatsby hẳn sẽ chẳng ai phủ nhận.
Bộ trang phục được sử dụng trong phim làm say lòng giới mộ điệu
Leonardo DiCaprio lịch lãm với những bộ vest của thương hiệu Brook Brothers
2. Anna Karenina (2012) với kinh phí 31 triệu đô la
Anna Karenina của nhà văn Nga Lev Tolstoy là cuốn tiểu thuyết lãng mạn, kể về một người đàn bà ngoại tình đáng thương đã được chuyển thể thành ngôn ngữ điện ảnh với Keira Knightley thủ vai chính.
Một điều đáng chú ý là bộ phim phát hành từ năm 2012 không được đánh giá cao lắm về nội dung, song nó lại nhận được đề cử các giải Oscar cho các hạng mục như: Nhạc phim hay nhất, Quay phim xuất sắc, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc, Thiết kế phục trang xuất sắc do nhà thiết kế người Anh - Jaqueline Durran đảm nhận.
Trang phục được sử dụng trong phim khiến tín đồ mãn nhãn
3. Coco Before Chanel (2009) với kinh phí 26 triệu đô la
Bộ phim Coco before Chanel đã tái hiện được phần nào về tuổi thơ nghèo khó, mối quan hệ tình cảm của nhà thiết kế mang tính biểu tượng trong làng thời trang Gabrielle "Coco" Chanel trước khi bà cho ra mắt thương hiệu mang tên mình.
Hẳn ai từng xem Coco before Chanel vẫn còn ấn tượng bởi những trang phục đơn giản nhưng đầy tinh tế được nữ diễn viên Audrey Tautou mặc xuyên suốt mọi diễn biến trong phim.
4. Marie Antoinette (2006) với kinh phí 40 triệu đô la
Nhà thiết kế Milena Canonero đã chuyển tải thành công cuộc sống của tầng lớp quý tộc Pháp thế kỷ 18 qua ngôn ngữ thời trang vào bộ phim Marie Antoinette.
Nữ diễn viên Kristen Dunst thủ vai nữ hoàng Pháp Marie Antoinette đã thay khoảng 60 chiếc đầm dạ hội khác nhau, chưa kể đến những bộ tóc giả, mũ, giày dép và đồ trang sức được thay đổi liên tục theo trang phục.
Kristen Dunst thay khoảng 60 đầm dạ hội khi vào vai nữ hoàng Pháp Marie Antoinette
5. Moulin Rouge (2001) với kinh phí 53 triệu đô la
Bộ phim kể về câu chuyện của một nhà văn, nhà thơ trẻ tuổi người Anh tên Christian (Ewan McGregor), người đã phải lòng Satine (Nicole Kidman), ngôi sao của Moulin Rouge, diễn viên nhà hát, đồng thời là gái điếm.
Với giải thưởng Oscar cho hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc hẳn chẳng phải nói nhiều về các thiết kế của Moulin Rouge. Hai thiết kế Catherine Martin và Angus Strathie đã hoàn toàn thành công và đưa yếu tố thời trang là một phần quan trọng không thể tách rời với bộ phim.
Ngoài diễn xuất tài tình, trang phục cũng là yếu tố giúp Nicole Kidman thể hiện thành công vai gái điểm
6. Titanic (1997) với kinh phí 200 triệu đô la
Chuyển thể từ câu chuyện có thật, diễn viên thể hiện tâm lý nhân vật quá tuyệt vời, kinh phí đầu tư khủng cộng thêm yếu tố thời trang đã giúp Titanic thành công ngoài mong đợi.
Với 14 đề cử giải Oscar và giành được 11 tượng vàng, Titanic đã đạt doanh thu 1,8 nghìn tỷ đô la và được coi là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Nữ diễn viên Kate Winslet trong phim
7. Evita (1996)
Có thể khẳng định chắc chắn, thời trang đóng một vai trò nổi bật và rất quan trọng trong bộ phim. Ngoài ra, Evita còn gây chú ý khi có sự diễn xuất của "nữ hoàng nhạc pop" Madonna cũng được coi là một biểu tượng phong cách nổi tiếng thế giới.
Trong phim, nhân vật Eva Duarte do Madonna đóng đã thay đổi 85 bộ trang phục - một kỷ lục phim ảnh đã được công nhận. Trong số các trang phục được sử dụng, ấn tượng và đáng nhớ nhất phải nhắc đến chiếc áo khoác lông chồn được sao chép từ một chiếc áo thực tế mà Evita đã từng mặc.
Ngay khi xuất hiện, chiếc áo khoác này đã thực sự khiến người xem phải choáng ngợp bởi sự sang trọng, đẳng cấp và cả tinh tế. Năm 2011, chiếc áo choàng được Madonna mặc trong phim được bán đấu giá với số tiền hơn 22.000 đô la.
Madonna trong bộ phim Evita
8. My Fair Lady (1964)
My Fair Lady có lời tựa tiếng Việt "Yểu điệu thục nữ" do đạo diễn George Cukor sản xuất năm 1964 là một bộ phim ca nhạc đã hội tụ những yếu tố: hay về nội dung, hấp dẫn ở âm nhạc và đẹp mắt trong phần trang phục.
Chỉ đạo thời trang trong bộ phim là nhà thiết kế người Anh - Cecil Beaton đã thành công trong việc tạo ra trang phục và phong cách đặc trưng của tầng lớp thượng lưu ở Anh đầu những năm 1900.
Bên cạnh diễn xuất thuyết phục của nữ diễn viên Audrey Hepburn vào vai Eliza Doolittle, ngôn ngữ thời trang cũng biến đổi nhân vật chính qua từng giai đoạn một cách tài tình và khéo léo, từ một cô gái nghèo quê mùa thành tiểu thư sang trọng.
Bản thân Cecil Beaton cũng giành giải Oscar "Thiết kế trang phục xuất sắc nhất" cho bộ phim này. Năm 2011, một chiếc váy sử dụng trong phim còn được đấu giá với số tiền đáng kinh ngạc - 4,5 triệu đô la.
Ngôn ngữ thời trang đã thể hiện rõ thân phận từ cô gái nghèo...
... đến tiểu thư sang trọng của nhân vật chính
9. Cleopatra (1963)
Cleopatra là một trong những bộ phim tốn kém nhất từng thực hiện với kinh phí ước tính lên tới 300 triệu đô la, với ngân sách trang phục nhân vật Cleopatra do nữ diễn viên Liz Taylor thủ vai rơi vào khoảng 1,4 triệu đô la.
Nữ diễn viên Liz thay khoảng 65 bộ trang phục khác nhau được thiết kế cực kỳ công phu và tỉ mẩn. Thậm chí, có thiết kế còn được tạo ra bằng vàng 24kt. Renie Conley, Vittorio Nino Novarese và Irene Sharaff đã giành được giải Oscar cho công việc thiết kế trang phục trong Cleopatra.
Bộ trang phục cầu kỳ và công phu
Hình ảnh một nữ hoàng Cleopatra quyền uy và gợi cảm
10. Cuốn theo chiều gió (1939)
Bộ phim "Cuốn theo chiều gió" được cho là một trong những bộ phim kinh điển nhất mọi thời đại và nữ diễn viên Vivien Leigh đã giành được giải Oscar cho vai diễn Scarlett O'Hara trong phim.
Được biết, vào năm 2013, một chiếc váy xanh nhạt được sử dụng trong phim Cuốn theo chiều gió đã được bán đấu giá hơn 56.000 đô là (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Chiếc váy xanh sử dụng trong bộ phim Cuốn theo chiều gió được đấu giá lên đến 1,2 tỷ đồng