Xe máy điện có Cabin như ô tô: Người mua xe cần biết điều này
Luật sư cho rằng, Công an nên có văn bản hướng dẫn với những loại xe mới du nhập vào Việt Nam để thuận tiện cho những người đang muốn sỡ hữu, sử dụng nó.
Dù mới dự định ra mắt tại Việt Nam vào khoảng tháng 2-2022, nhưng mẫu xe máy điện có Cabin như ô tô được nhiều người quan tâm.
Anh Nguyễn Văn Dũng cho rằng thời buổi dịch này, người ngồi trong xe Motorbox này vừa có không gian riêng không sợ nhiễm bệnh, vừa che nắng, che mưa, khói bụi ô nhiễm môi trường. Còn an toàn là do ý thức con người có tuân thủ thủ chấp hành luật lệ giao thông hay không và xe điện này rất thân thiện với môi trường không gây ô nhiễm.
Nhiều người dùng tại Việt Nam quan tâm về mẫu xe máy điện có Cabin như ô tô này. Ảnh: Motorbox
Xung quanh mẫu xe này, nhiều người dùng cũng đặt vấn đề để sở hữu chiếc xe máy điện có cabin như ô tô đòi hỏi người dùng phải tuân thủ những quy định gì.
Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Thông tư 58/2020, chủ các phương tiện xe đạp điện, xe máy điện phải thực hiện đăng ký bắt buộc. Cụ thể, các trường hợp đến đăng ký xe phải có các giấy tờ theo thủ tục thông thường như: hóa đơn bán hàng, chứng từ lệ phí trước bạ, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập khẩu) hoặc phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Cũng theo luật sư, các phương tiện nếu không tiến hành đăng ký mà tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100. Căn cứ Khoản 2 Điều 17 Nghị định này quy định như sau: Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có giấ đăng ký xe sẽ bị phạt tiền từ 300-400 ngàn đồng. Tại điểm d, khoản 1 Điều 3 Nghị định 100 cũng quy định, xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 31/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe máy điện giống như các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40 km/h.
“Như vậy, có thể hiểu xe máy điện là một loại xe cơ giới được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc lớn nhất không quá 50 km/h”- luật sư Tuấn cho hay.
Luật sư cũng cho biết thêm, khi điều khiển xe máy điện cũng như các phương tiện giao thông khác, người điều khiển phương tiện phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, nhất là trong khu vực đô thị, đông dân cư hay trong điều kiện thời tiết xấu. Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện giao thông phụ thuộc vào mật độ phương tiện và tình hình giao thông thực tế khi tham gia lưu thông trên đường.
“Hiện nay có các loại xe điện mà hình dáng như xe hơi, nguyên tắc phải đủ các thủ tục trên mới cho đăng ký, nếu có những mẫu xe đặc biệt hơn thì cũng cần có văn bản hướng dẫn của Công an những loại xe mới du nhập vào Việt Nam thì cần có những quy định riêng hay không, để thuận tiện cho những người đang muốn sỡ hữu, sử dụng nó”- luật sư nói thêm.
Như PLO đã đưa tin, mẫu Motorbox là chiếc xe máy điện được trang bị một cabin như xe ô tô và hệ thống chân chống thông minh. Chiếc xe có kích thước tuy chỉ bằng một nửa chiếc ô tô nhưng vẫn được trang bị đầy đủ tiện nghi bên trong cabin. Xe di chuyển 100 km chỉ với một lần sạc, tốc độ tối đa lên đến 100 km/h và thời gian sạc đầy pin chỉ trong 2 giờ. Tuy nhiên, mức giá chưa được nhà sản xuất công bố.
Mẫu xe với thiết kế thông minh nhưng với các trang bị trên xe dự kiến mức giá bán sẽ không hề rẻ.
Nguồn: [Link nguồn]