Xe mô kích đóng nhiều nhất tại Đức
Simson S51 là dòng xe mô kích (Mokick) được sản xuất bởi nhà máy sản xuất vũ khí và phương tiện VEB và lấy danh hiệu là Simson vào những năm 1980 và 1991. Simson S51 là phiên bản kế nhiệm trực tiếp của S50. Tính cả S50 và S51 thì có tới hơn 1,6 triệu chiếc được sản xuất và là phiên bản xe moped được đóng nhiều nhất ở Đức.
Giống như một ngoại lệ, S50/S51 được xem là dòng xe máy cỡ nhỏ nhưng đòi hỏi người lái phải có giấy phép lái xe mặc dù tốc độ tối đa của chiếc mô kích này chỉ 60 km/h. Đổi mới chính của S51 so với S50 chính là động cơ 2 thì mới (M531/541 và M542 trong các mẫu S51). Động cơ này dễ dàng bảo trì hơn nhờ có chỉ số hành trình pít-tông được chỉnh sửa và trục khuỷu ngoài có vòng bít trục mạnh hơn.
Đa dạng với nhiều phiên bản khác nhau
Simson S51 có nhiều phiên bản đã được sản xuất. Phiên bản thường chính là S51 N (N viết tắt của Normal – có nghĩa là thông thường). Phiên bản này có thiết bị điện tối giản, không có pin, không có hệ thống đánh điện, thậm chí là không có cả đèn xi-nhan. Mẫu xe này được thiết kế cho những vùng có ít phương tiện giao thông đi lại và được đóng cho tới năm 1987.
Phiên bản S51 B (B viết tắt của Blinker – có nghĩa là tốt hơn), có đèn xi-nhan, giảm xóc sau loại thủy lực, khóa, ắc quy chì và được đóng theo 3 phiên bản khác nhau.
- S51 B1-3 có đặc trưng là hộp số 3 cấp, đèn pha 25 W, chỉ được sản xuất đến năm 1988.
- S51 B2-4 có đặc trung là hộp số 4 cấp, đèn pha 35 W, đánh lửa điện tử. Phiên bản này có màu xanh lá cây Billiard. Bản này còn có đèn flash và được nâng tốc độ tối đa lên đến 100 km/h. Do đó S51 B2-4 được đánh giá như một sự tiến bộ cho dòng xe moped.
- S51 E (E có nghĩa là Enduro) được ra mắt vào năm 1982. Điểm đặc biệt của xe là bộ ống xả vểnh lên với tấm chống nóng làm bằng kim loại. Thanh tay lái cao, cụm đồng hồ rộng hơn và chắn bùn ngắn hơn, trong khi dầm xe phía sau tùy chỉnh, vành bằng thép và cần đạp có thể gập lại được. Xi-nhan xe được thêm vào phía trên đèn chiếu hậu.
Riêng S51 E có S51 E II được đặt hàng vào năm 1987 với chắn bùn bằng nhựa và chỉ có một gương chiếu hậu. Về sau mẫu xe này được gọi là S51/1E. Còn S51 E/4 được sản xuất vào năm 1984 với đèn pha 25 W và không có phuộc treo sau tùy chỉnh như bản Enduro khác.
Phiên bản S51 C (C có nghĩa là Comfort-Thoải mái) được đóng từ tháng 1/1983. Xe có đèn cao áp, sơn tấm chắn bùn, tấm ốp bên, dưới phuộc nhún và động cơ sơn màu đen. Trong khi hệ thống treo sau loại tùy chỉnh như các mẫu xe Enduro, cần đạp gấp lại được, gương chiếu hậu thứ hai cỡ 120 mm, cấu hình lốp mới và có giá cao hơn. Từ năm 1989 trở đi mẫu xe này được gọi là S51/1C.
Từ năm 1989, các mẫu xe Simson S51 được chuyển sang loại ổ 12 V và được trang bị hệ thông flash và sạc điện tử ELBA. Thêm vào đó, tất cả các mẫu xe trừ S51/1B đều có đèn pha loại halogen và ngày càng nhiều mẫu xe trở nên hiện đại hơn với sự xuất hiện của lốp K36. Đèn phanh cũng xuất hiện khi phanh trước được áp dụng.
Dân chơi Việt ngất ngây một thời
Do sự phổ biến của S51 – hơn một triệu chiếc được đóng – nên vẫn còn một lượng lớn Simson S51 trên thị trường ngày nay, bao gồm cả việc sản xuất phụ tùng và các đồ độ. Với người tiêu dùng xe máy ở Việt Nam, Simson S51 cuốn hút các khách hàng nam giới, gia đình có điều kiện bởi chất dòng xe Simson nam tính và còn được ví như dòng xe của cánh “Tây học”.
Trong thực tế, dòng xe mô kích Simson S51 theo chân những người đi lao động, học tập ở các vùng như Liên Xô, Đông Đức và Tiệp Khắc vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước tới dải đất hình chữ S. Mặc dù so với “kim vàng giọt lệ” Honda Super Cub, xe Simson không đắt đỏ bằng nhưng lại khá khan hiếm và mức giá bán ra cũng lên đến cả 1 cây vàng, một khoản tài chính mà rõ ràng chỉ có nhà giàu Việt thời bao cấp mới sở hữu được.
Xe Simson thường được đóng trong những chiếc thùng có mùi thơm như gỗ thông khiến bao người Việt mê mẩn một thời. Hơn nữa một lần đạp cần số và khởi động, Simson có tiếng pô nổ giòn rã, tỏa ra làn khói trắng nghi ngút – làn khói của phương tiện cơ khí và có mùi thơm tạo ra sự tò mò của người đi đường và trở thành niềm tự hào của các dân chơi xe. Thế cho nên, Simson S51 lúc bấy giờ còn được cho là chiếm vị trí trong “tim” của các chàng trai lãng tử, con nhà giàu hơn cả huyền thoại Honda Super Cub.
Kể từ sau năm 1991, sự sụp đổ của khối Liên Xô và Đông Âu cũ, trào lưu đi xuất khẩu lao động và du học tại đây của người Việt Nam cũng không còn mạnh như trước. Simson đã dần dần không còn được ưa chuộng.
Mặc dù “đoản mệnh” hơn Honda Super Cub nhưng Simson S51 đã tạo ra một hương vị mới giữa lúc mà người ta thường chỉ biết tới xe máy từ Nhật Bản. Simson S51 xứng đáng là một kỷ niệm đẹp trong làng xe hai bánh ở Việt Nam, sẽ còn tồn tại trong ký ức của nhiều người.