Những bước tiến mới của bảo hiểm bắt buộc xe máy

Bảo hiểm bắt buộc xe máy được xem là loại hình bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ hàng ngày di chuyển bằng xe máy, xe máy điện…

Để đáp ứng kỳ vọng của người dân, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Hầu hết các quy định cốt lõi đều được sửa đổi theo hướng mang lại sự thuận tiện cao nhất cho người mua bảo hiểm và người thụ hưởng.

Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử được chấp nhận

Lâu nay người mua phải đến văn phòng các doanh nghiệp BH để mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận trực tiếp; hoặc có thể đặt mua bảo hiểm qua kênh trực tuyến nhưng phải đợi các doanh nghiệp gửi giấy chứng nhận về địa chỉ đã đăng ký.

Tham gia Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới nhằm đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ đồng thời giúp họ tránh các khoản phạt theo quy định của Chính phủ.

Tham gia Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới nhằm đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ đồng thời giúp họ tránh các khoản phạt theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, lần đầu tiên, các doanh nghiệp bảo hiểm được phép phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho loại hình bảo hiểm này. Theo đó, doanh nghiệp phải tích hợp tính năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, cho phép cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và bên mua bảo hiểm, người mua bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Đặc biệt, lần đầu tiên xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của như những phương tiện cơ giới khác với mức phí là 55.000 đồng; xe mô tô từ 50 cc trở xuống và xe mô tô 2 bánh trên 50 cc vẫn giữ nguyên mức phí lần lượt là 55.000 đồng và 60.000 đồng (chưa bao gồm VAT).

Đơn giản hóa hồ sơ bồi thường

Còn tại Nghị định 03/2021, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. Tuy nhiên, nghị định cũng cắt giảm 1/5 số tài liệu liên quan đến cơ quan công an để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm. Với các vụ tai nạn không gây tử vong, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

Nâng mức bồi thường và tạm ứng cho dù hồ sơ chưa hoàn thành

Một thay đổi lớn khác mà Nghị định 03/2021 mang lại chính là mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra sẽ tăng lên 150 triệu đồng cho một người/1 vụ so với 100 triệu đồng như trước kia.

Đặc biệt, nghị định cũng đưa ra các quy định về tạm ứng, cho phép khách hàng được nhận một phần tiền trước khi hoàn thành bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Theo đó, để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, Nghị định quy định trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội.

Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng). Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).

Tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo

Trên cơ sở các quy định cũ, Nghị định mới cũng quy định các doanh nghiệp sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Một trong những mục đích của quỹ này là chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông.

Theo đó, Nghị định mở rộng phạm vi và tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Nghị định, mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng); 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/ 1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng) đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Theo Bộ Tài chính, việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm vì cả hai chủ thể này đều đồng trách nhiệm thu thập tài liệu liên quan của hồ sơ bồi thường.

Về mặt xã hội, việc cắt giảm hồ sơ cũng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường cũng như việc tạm ứng chi phí bồi thường nhanh chóng sẽ phát huy hơn nữa tính an sinh xã hội của loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới. Tất cả các bên đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Khuyên ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN