Nhức nhối xe máy điện hàng giả, hàng nhái bán tràn lan
"Xe máy điện Honda", "Xe máy điện Vespa" với giá bán chỉ chục triệu đồng hiện là sản phẩm ăn khách tại nhiều cửa hàng xe điện lớn.
Tại Hội thảo "Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp" được tổ chức vào ngày 12/10, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết hiện tại các thành viên của Hiệp hội (gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM) đều chưa sản xuất/nhập khẩu xe điện để bán tại thị trường Việt Nam nhưng các mẫu xe điện gắn mác "xe máy điện Honda", "xe máy điện Vespa" lại được bán công khai tại nhiều cửa hàng, sàn thương mại điện tử.
Xe điện hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên thị trường. (Nguồn ảnh: Bài tham luận Hội nghị của VAMM).
Không chỉ xe điện mà các dòng xe nổi tiếng của các hãng như Honda Super Cub, Honda Wave, Yamaha Exciter, Piagigo Vespa... cũng bị làm nhái rất phổ biến và bán ra với mức giá cực rẻ để thu hút người dùng. Tình trạng hàng giả hàng nhái cũng xuất hiện đặc biệt nhiều ở các sản phẩm phụ tùng, phụ kiện dành cho xe máy, xe điện. Theo báo cáo, tính đến tháng 10 năm 2022, VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái…
Số vụ việc phát hiện hàng giả, hàng nhái còn rất ít so với thực tế. (Nguồn ảnh: Bài tham luận Hội nghị của VAMM).
Tuy nhiên, cũng theo VAMM thì các vụ việc được cơ quan chức năng xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đơn cử trong năm 2021, đã phát hiện và xử lý 394 trường hợp phụ tùng xe máy, xe điện hàng giả hàng nhái, nhưng theo VAMM ước tính có tới 5681 cửa hàng vi phạm trên toàn quốc.Thực trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực xe máy, xe điện không chỉ diễn ra phổ biến ở việc nhái thương hiệu, mà còn là vi phạm kiểu dáng công nghiệp, đặc biệt là ở các dòng xe máy 50cc, xe máy điện. Và người dùng rất dễ dàng bị "qua mặt" vì các sản phẩm hàng giả, hàng nhái lại được bán công khai tại các cửa hàng lớn, thậm chí là có tiếng tăm lâu đời.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn phổ biến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nền tảng video trực tuyến... gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể, hàng giả hàng, hàng nhái kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người sử dụng. Ngoài ra, nó còn có những tác động tiêu cực tới uy tín doanh nghiệp, quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như rộng hơn là làm giảm xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam.
Phụ tùng xe máy, xe điện hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. (Nguồn ảnh: Bài tham luận Hội nghị của VAMM).
Chính vì thế, để xử lý thực trạng này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp và đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nặng hơn, cũng như có thêm những công cụ chính sách mạnh mẽ để châm dứt hàng giả, hàng nhái.
Một công ty khởi nghiệp ở Đức đã phát triển giải pháp để điện hóa dòng xe mô tô lắp động cơ 2 thì hiệu Simson, từng là huyền thoại một thời.
Nguồn: [Link nguồn]