Làm gì để được nhận bồi thường bảo hiểm xe máy khi gặp tai nạn?

Để việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy khi xảy ra tai nạn không còn “gian nan”, người mua bảo hiểm có thể thực hiện 5 bước hướng dẫn dưới đây.

Nhiều chủ xe máy cho rằng việc mua bảo hiểm xe máy chỉ nhằm mục đích không bị CSGT xử phạt khi tham gia giao thông, còn việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn rất khó khăn.

Để việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy không “gian nan” như người dân nghĩ, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM tư vấn các bước thực hiện yêu cầu bồi thường bảo hiểm theo luật định.

Người dân chỉ cần thực hiện 5 bước dưới đây để yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy khi tai nạn xảy ra. Ảnh: THY NHUNG

Người dân chỉ cần thực hiện 5 bước dưới đây để yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy khi tai nạn xảy ra. Ảnh: THY NHUNG

Theo luật sư Võ Đan Mạch, thời hạn yêu cầu bồi thường đối với trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường bộ (khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 03/2021) là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

“Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm”- luật sư cho hay.

Riêng đối với thủ tục hưởng tiền bồi thường bảo hiểm xe máy khi bị tai nạn giao thông đường bộ, luật sư hướng dẫn gồm 5 bước dưới đây:

Bước 1: Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm (khoản 2 Điều 16 Nghị định 03/2021)

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Bước 2: Giám định (khoản 1 Điều 12 Nghị định 03/2021)

- Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, người lái xe và bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.

- Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.

- Chi phí giám định thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

Bước 3: Nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm (khoản 2 Điều 14 Nghị định 03/2021).

Đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể:

- Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.

+ 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

- Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.

+ 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Bước 4: Nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường

Hồ sơ hưởng bảo hiểm xe máy sau khi bị tai nạn giao thông đường bộ (Điều 15 Nghị định 03/2021) bao gồm:

- Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe (Bản sao công chứng hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm cung cấp:

+ Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).

+ Giấy phép lái xe.

+ Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm.

- Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính) do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp:

+ Giấy chứng nhận thương tích.

+ Hồ sơ bệnh án.

+ Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

- Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp:

+ Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

+ Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, bao gồm:

+ Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

+ Hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.

- Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Bước 5: Chờ xử lý và nhận tiền bồi thường (khoản 3, khoản 4 Điều 16 Nghị định 03/2021)

- Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

- Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ.

5 mẹo giúp bạn thoải mái hơn khi chạy xe dưới trời nắng gắt

Nắng nóng luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người khi phải chạy xe ngoài đường, tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây để cảm thấy thoải mái hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Kinh nghiệm lái xe máy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN