Dự thảo luật: 4 trường hợp CSGT có thể yêu cầu dừng xe để kiểm soát
Các quy định trong dự thảo luật này đang được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân. Điều 54, Chương VI của dự thảo luật này có quy định chi tiết việc Tuần tra, kiểm soát.
CSGT Q.10 (TP.HCM) trong một đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường Cao Thắng.
Trong đó, khoản 5, Điều 54 quy định rõ Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát:
a) Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 55 Luật này để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa, hành lý, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử;
Điều 55. Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát
Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.
3. Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.
4. Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
b) Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
c) Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông theo quy định tại Điều 57 Luật này;
Điều 57. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông
1. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách
a) Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.
Trong trường hợp cấp bách theo quy định tại điểm này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc Cảnh sát giao thông được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập.
Người chỉ huy trực tiếp của Cảnh sát giao thông tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức;
c) Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông
a) Khi phát hiện phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ được thực hiện biện pháp điều khiển, cẩu, kéo, vận chuyển để di chuyển phương tiện vi phạm ra khỏi vị trí dừng, đỗ trên.
Trường hợp vượt quá khả năng, không thể di chuyển được phương tiện theo quy định ở trên, đơn vị của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông được thuê tổ chức, cá nhân thực hiện việc di chuyển phương tiện; người điều khiển phương tiện phải trả chi phí cho việc thuê di chuyểnphương tiện;
b) Trong quá trình thực hiện việc di chuyển phương tiện theo quy định tại điểm a khoản này mà gây hư hỏng phương tiện, đơn vị của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông, tổ chức, cá nhân được thuê thực hiện việc di chuyển phương tiện phải đền bù theo quy định của pháp luật.
d) Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
đ) Các quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.
Đây chỉ mới là dự thảo, do đó ở thời điểm hiện tại, người lái xe vẫn phải mang theo đầy đủ các giấy tờ.
Nguồn: [Link nguồn]