Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy giúp giảm 30% tai nạn giao thông
Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy là loại chiếu gần và nhiều nước trên thế giới vẫn đang có quy định bắt buộc phải lắp.
Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy đã được nhiều nước áp dụng giúp giảm tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này
Đưa đèn nhận diện ban ngày trên xe máy vào Luật có cơ sở pháp lý
Ngày 17/6, tại buổi tọa đàm “Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ việc dư luận, có những người thậm chí gọi là chuyên gia giao thông nhưng cũng đang không hiểu đúng về loại đèn này. Ông Hùng mong muốn sau buổi tọa đàm, đèn nhận diện ban ngày trên xe máy sẽ được tuyên truyền đúng hơn để mọi người hiểu rõ.
Việt Nam đã ký công ước Viên, trừ điều 52, chúng ta phải thực hiện đúng theo công ước. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc này. Dư luận có nhiều người người hiểu đây là bật đèn pha ban ngày, điều này không hề đúng. Về vấn đề năng lượng, ô nhiễm nhiệt/ ánh sáng, chúng ta không lo về việc đó. Chỉ có điều đưa vào quy định như thế nào và truyền thông như thế nào cho nhân dân hiểu. Bởi an toàn, bởi sinh mạng của nhân dân.
Ông Hùng mong muốn sau buổi tọa đàm, đèn nhận diện ban ngày trên xe máy sẽ được tuyên truyền đúng hơn để mọi người hiểu rõ.
Theo quy định, chúng ta không hồi tố các xe cũ, nhưng cũng phải có trách nhiệm với người đi xe cũ. Rất mong các nhà sản xuất vào cuộc để hỗ trợ, chuyển đổi và khuyến khích ra sao, đấu nối an toàn loại đèn này.
Tôi rất muốn áp dụng theo quy định 53 là phải có đèn nhận diện, làm 2 lựa chọn cho nhà sản xuất, như thế vừa văn minh, vừa mang tính không quá áp đặt, khiên cưỡng. Còn nếu áp đặt một phương án thì sẽ ra chi phí tốn kém, khó khăn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), hiện nay trong các văn bản luật của Việt Nam chưa có quy định nào về đèn nhận diện ban ngày tuy nhiên Liên hợp quốc đã có quy định. Mục đích của đèn này giúp xe dễ dàng được nhận diện hơn trong điều kiện ban ngày.
“Việc trang bị đèn nhận diện ban ngày trên xe máy có thể thực hiện ngay sau khi Luật được ban hành. Nhưng để triển khai thì phải đưa vào kế hoạch, rồi việc sản xuất”
Ông Lê Hữu Phúc, Phó Tổng giám đốc thứ nhất, Honda Việt Nam
Theo quy định số 53 của liên hợp quốc: "Đèn nhận diện ban ngày là đèn được lắp phía trước của phương tiện để giúp phương tiện được dễ dàng nhận ra khi lái xe vào ban ngày. Đèn nhận diện ban ngày có thể bao gồm đèn chiếu sáng phía trước tự động bật khi động cơ hoạt động (AHO) hoặc đèn chạy ban ngày (DRL)". Đèn AHO là đèn chiếu sáng phía trước, luôn sáng khi động cơ hoạt động. Đặc tính kỹ thuật của đèn AHO hoàn toàn tương đồng với đèn chiếu sáng phía trước thông thường. Còn theo quy định số 53 và 87 của liên hợp quốc, đèn DRL là một loại đèn được lắp phía trước của xe, giúp xe dễ dàng được nhận ra trong điều kiện ban ngày. Cũng theo quy định số 87 của Liên hợp quốc, cường độ sáng của đèn này phải nhỏ hơn đèn chiếu sáng phía trước và nằm trong giới hạn 400 - 1200 cd. Đèn DRL được bật sáng khi động cơ hoạt động và tự động tắt khi đèn chiếu sáng phía trước mở.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT)
Trước những ý kiến, dư luận cho rằng việc lắp đèn nhận diện ban ngày trên xe máy tại Việt Nam là không cần thiết. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho hay, việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi là có cơ sở. Cở sở pháp lý ở đây là tháng 8/2014, Việt Nam gia nhập Công ước GTĐB 1968 (Công ước Viên). Điều 32 Công ước này nêu rõ xe máy tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng gần phía trước hoặc 1 đèn đỏ phía sau. Luật pháp các quốc gia cũng cho phép sử dụng đèn nhận diện ban ngày. “Ví dụ như Mỹ và châu Âu đã sử dụng cách đây 30 năm. Hay Malaysia cũng đã áp dụng từ năm 1992, Thái Lan năm 2005. Ấn Độ là thị trường xe máy lớn nhất cũng đã quy định sử dụng đèn nhận diện ban ngày vào năm 2017. Nhiều tài liệu tham khảo cũng chỉ ra việc áp dụng đèn nhận diện ban ngày giúp giảm 5% tai nạn giao thông, có nước giảm tới 30%”, ông Thạch chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, theo khảo sát những người lái ô tô, việc ô tô, xe gắn máy được trang bị đèn nhận diện ban ngày giúp người lái xe nhận diện dễ dàng hơn. Từ đó, thấy đủ cơ sở để đưa quy định về đèn nhận diện ban ngày vào Luật GTĐB.
Cùng ý kiến, chuyên gia Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức (TP.HCM) cho hay, Việt Nam Công ước Quốc tế có giá trị cao hơn Luật quốc gia và có đầy đủ giá trị thực thi tại Việt Nam. Tại Điều 32 Khoản 6 Công ước Viên có ghi rõ "Trong suốt cả ngày xe mô tô chạy trên đường phải sử dụng ít nhất một đèn chiếu sáng phía trước và một đèn đỏ phía sau. Luật quốc gia có thể cho phép sử dụng đèn chạy ban ngày thay cho đèn chiếu sáng gần." Bởi vậy về mặt căn cứ pháp lý đã đầy đủ.
“Tuy nhiên, do người dân phần lớn đọc và tham khảo Luật quốc gia nên để người dân có thông tin và nâng cao nhận thức thì cần cập nhật quy tắc sử dụng đèn nhận diện với các phương tiện cơ giới hai bánh (bao gồm xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện) trong Luật GTĐB đang được nghiên cứu sửa đổi”, chuyên gia chia sẻ thêm.
Đèn nhận diện ban ngày giúp giảm tai nạn giao thông
Chuyên gia Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức (TP.HCM)
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, chính phủ Trung Quốc cũng đã nghiên cứu đầy đủ về đề án này để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới. Ở Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan và Indonesia là các quốc gia có điều kiện giao thông khá tương đồng với Việt Nam đã quy định phương tiện xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông trên đường.
“Bàn ở thời điểm này không phải quá sớm cũng không quá muộn. TNGT đối với xe máy thảm khốc quá, còn người đi ô tô ngay bản thân cái xe người ngồi trong cũng đã được bảo vệ. Việc đầu tiên là phải ngăn chặn các vụ va chạm và để tránh va chạm thì tính nhận diện phải được nâng cao, đặc biệt trên xe máy. Thêm một lý do nữa là từ tối ra sáng mắt chưa kịp nhận diện ngay nên nếu có đèn ban ngày sẽ giúp cho việc chuyển trạng thái của mắt dễ dàng hơn”, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn dẫn chứng về tác dụng của đèn nhận diện ban ngày giúp giảm tai nạn xe máy: “Luật bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 ở bang California, Mỹ đã cắt giảm được 20% đến 25% các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy. Ở Malaysia, luật bắt buộc sử dụng đèn chạy xe ban ngày đối với xe máy được ban hành vào năm 1992, sau hai tháng luật ban hành đã cắt giảm được 29% các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày. Từ năm 2012, Malaysia đã đưa ra quy định mới cho phép nhà sản xuất có thể lựa chọn đèn nhận diện ban ngày cho xe máy (DRL hoặc AHO). Còn tại Thái Lan, năm 2003 chính phủ đã đưa ra quy định xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông đã góp phần cắt giảm tới 20% số vụ TNGT liên quan tới xe máy”.
Ở Việt Nam, xe máy liên đới tới 70% tổng số các vụ TNGT. Do đó, việc trang bị đèn nhận diện ban ngày cho xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện ở nước ta là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cắt giảm số vụ TNGT và tỷ lệ thương vong.
Chuyên gia Lý Hùng Anh (ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM)
Chuyên gia Lý Hùng Anh (ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, so với ô tô và xe tải, xe máy là loại phương tiện khó nhận diện trong giao thông và khó để xác định được tốc độ di chuyển. Điều này đống góp vào tỉ lệ tai nạn cao và nghiêm trọng ở xe máy. Đèn nhận diện ban ngày sẽ giúp nâng cao sự hiện diện của mô tô, xe máy.
Chuyên gia Lý Hùng Anh cũng dẫn chứng nhiều nghiên cứu chỉ rõ sự hiện diện của xe máy sẽ được tăng lên khi xe được trang bị đèn nhận diện ban ngày. Ví dụ nghiên cứu của Trường ĐH Southern California từ năm 1976 đến 1977 chỉ ra 50% tỉ lệ tai nạn được giảm khi đèn chiếu sáng ban ngày hoạt động. Hay theo phân tích thông tin giao thông được cung cấp bởi New South Wales (NSW), Sở cảnh sát Australia được thực hiện bởi Vaughan và cộng sự, khảo sát ngẫu nhiên những người điều khiển xe máy (đây là nhóm những người đã từng một lần liên quan đến các vụ tai nạn xe máy), nguy cơ tai nạn xe máy cao hơn 3 lần khi đèn nhận diện ban ngày không được hoạt động. Đèn nhận diện ban ngày dường như là cách tiếp cận hiệu quả để giảm tỉ lệ tai nạn bằng việc nâng cao khả năng bị nhận diện ở xe máy trong khi tham gia giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải mới đề xuất xe máy phải bật đèn chiếu sáng suốt ngày khi tham gia giao thông tạo ra những tranh luận...
Nguồn: [Link nguồn]