Đề xuất độ tuổi từ 14-16 có thể thi và được cấp bằng điều khiển xe máy dưới 50cc
Một số ý kiến đề xuất sửa đổi quy định về độ tuổi được lái xe và vấn đề khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều nội dung mới. Trong đó, Chính phủ đề xuất tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 51, nay là Điều 59)
Một số ý kiến đề nghị quy định người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý tại điểm a khoản 1 Điều 59 Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Độ tuổi lái xe
Theo UBTVQH, có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi tối đa không được điều khiển phương tiện giao thông. Đề nghị quy định người đủ 16 tuổi được điều khiển xe gắn máy nhưng phải có chứng chỉ hoặc được đào tạo, hướng dẫn để bảo đảm an toàn. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối thiểu là 13 tuổi được điều khiển xe đạp điện để hạn chế tai nạn khi học sinh sử dụng xe đạp điện đi học; đề nghị nghiên cứu độ tuổi 14-16 có thể thi và được cấp bằng điều khiển xe máy dưới 50cc.
Theo UBTVQH, việc thi và cấp bằng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để điều khiển xe gắn máy cần cân nhắc và đánh giá tác động. Ảnh: TN
“Hiện nay dự thảo Luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu để điều khiển xe gắn máy, xe ô tô, mô tô…Việc quy định độ tuổi tối đa đối với người lần đầu đăng ký đào tạo lái xe cần thận trọng do liên quan đến quyền con người trong quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Do đó, chỉ cần người lái xe đáp ứng điều kiện về thể chất, tinh thần, sức khoẻ…theo quy định đều có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam”- theo UBTVQH.
Đối với việc quy định về người điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy, UBTVQH thấy rằng xe đạp điện là phương tiện có sử dụng động cơ điện, tốc độ cao hơn xe đạp thông thường, xe gắn máy có động cơ, tốc độ tối đa lên tới 50km/h nên cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn nếu người điều khiển có thể trạng chưa phù hợp và kỹ năng chưa tốt.
Dự thảo Luật được quy định trên cơ sở kế thừa Luật giao thông đường bộ năm 2008, tham khảo luật pháp quốc tế, quy định của Công ước Viên và các nước có liên quan đối với người điều khiển xe dưới 50cm3. Do đó độ tuổi điều khiển xe gắn máy là phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Việc thi và cấp bằng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để điều khiển xe gắn máy cần cân nhắc và đánh giá tác động về việc phát sinh thủ tục hành chính, gây lãng phí thời gian, tốn kém kinh phí cho xã hội. Do đó, tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý có quy định “Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo quy định cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó”.
Khám sức khỏe định kỳ
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, UBTVQH cho biết một số ý kiến cho rằng việc khám sức khỏe định kỳ với lái xe là không khả thi, nên tập trung vào một số đối tượng cụ thể như lái xe vận tải, xe chở khách; đề nghị làm rõ định kỳ là bao lâu để bảo đảm tính khả thi; đề nghị chỉ khám sức khỏe định kỳ với người trên 65 tuổi.
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý vào khoản 2 Điều 59 Dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô. Thời gian khám sức khoẻ định kỳ sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về tuổi và sức khỏe các hạng bằng lái xe như sau: Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ 1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau: a) Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy; b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE; d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE; đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE; e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. 2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. 3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. |
Nguồn: [Link nguồn]
Có nhiều lỗi vi phạm giao thông mà lái xe máy vi phạm sẽ được nộp phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản.