Chủ xe sẽ bị phạt nếu không thực hiện những quy định này trước 31/12
Sang tên đổi chủ cho xe không giấy tờ, xe kinh doanh vận tải phải gắn biển số màu vàng, xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát... là những quy định mà chủ phương tiện cần nhanh chóng hoàn thành trong bốn ngày tới nếu không muốn bị phạt.
Sang tên đổi chủ cho xe không giấy tờ
Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định hạn cuối thời điểm cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ để đăng ký sang tên với những xe thiếu hoặc không còn giấy tờ chuyển nhượng là ngày 31/12/2021.
Theo đó, nếu mất giấy tờ gốc, chủ phương tiện cần đi làm thủ tục đăng ký, sang tên sẽ không cần phải xin giấy xác nhận của địa phương. Thay vào đó, cảnh sát sẽ truy cập vào dữ liệu mất trộm trên cả nước và dữ liệu quản lý biển số xe để tra cứu, đưa ra căn cứ làm đăng ký mới cho người dân. Với trường hợp đăng ký sang tên khi không có giấy tờ, người đăng ký, chuyển nhượng phải kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe…
Nghị định 100 quy định phạt tiền cá nhân từ 400.000 - 600.000 đồng nếu chủ xe máy không làm thủ tục đăng ký sang tên; tổ chức bị phạt tiền 800.000-1 triệu đồng. Không làm thủ tục đăng ký sang tên ô tô, cá nhân bị phạt từ 2-4 triệu đồng, tổ chức bị phạt 4-8 triệu đồng.
Xe giường nằm phải trang bị dây an toàn
Đến ngày 31/12/2021, ô tô kinh doanh vận tải đều phải đáp ứng đầy đủ dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách, bao gồm cả ghế nằm, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh). Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ nếu xe nào tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách không bố trí dây an toàn thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng.
Ô tô kinh doanh vận tải phải sử dụng camera giám sát
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình từ trước ngày 1/7/2021. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, đến hết ngày 31/12, Chính phủ mới bắt đầu xử phạt hành vi không lắp đặt thiết bị này.
Từ đầu năm 2022, xe dịch vụ chưa lắp hệ thống giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức chưa đáp ứng quy định theo nghị định 100/2019. Phương tiện có thể bị thu hồi phù hiệu từ 1-3 tháng. Ngoài ra, xe kinh doanh vận tải chưa trang bị camera giám sát sẽ bị các đơn vị đăng kiểm từ chối tiếp nhận kiểm định.
Biển số xe ô tô kinh doanh vận tải cần chuyển sang nền vàng
Theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an, để giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong việc quản lý, phân biệt tốt hơn các xe hoạt động kinh doanh, tạo sự công bằng, bình đẳng với các hãng xe, xe tải, xe công nghệ, xe taxi truyền thống, xe khách kinh doanh vận tải buộc phải chuyển sang biển số màu vàng.
Việc đăng ký xe rút ngắn thời gian theo hướng thay vì tối đa 7 ngày như hiện nay, người dân có thể đăng ký trực tuyến sau đó hẹn giờ, ngày đến để làm thủ tục và lấy biển số. Ngoài ra, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu.
Theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, sau ngày 31/12/2021, nếu ô tô hoạt động kinh doanh vận tải chưa đổi biển số xe sang nền vàng sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ sở hữu.
Nguồn: [Link nguồn]
(PLO)- Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng.