Cảnh sát giao thông có phải chào người vi phạm giao thông?
Bạn đọc Huỳnh Minh Hiền hỏi: "Cho tôi hỏi hiện nay khi tham gia giao thông, khi người vi phạm dừng xe để kiểm tra giấy tờ thì Cảnh sát giao thông có phải chào người vi phạm?"
Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết trước đây, theo quy định cũ tại Thông tư 65/2020 (có hiệu lực đến hết ngày 14-9-2023), khi dừng phương tiện để kiểm soát, Cảnh sát giao thông phải làm động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...”, sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”. Sau khi kiểm soát xong, cán bộ Cảnh sát giao thông phải nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Cảnh sát giao thông có phải chào người vi phạm giao thông?
"Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 18 Thông tư 32/2023 (có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2023), sau khi dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông không cần phải chào bằng lời nói đối với người điều khiển phương tiện"- luật sư Mạch cho hay.
Cũng theo luật sư Mạch, thay vào đó Cảnh sát giao thông chỉ cần thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, sau đó thông báo cho người điều khiển phương tiện biết lý do kiểm soát, đề nghị xuất trình các giấy tờ liên quan rồi thực hiện việc kiểm tra theo quy định.
"Thậm chí, trường hợp biết trước người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã thì Cảnh sát giao thông không cần thực hiện việc chào theo Điều lệnh Công an"- luật sư Mạch nhấn mạnh.
Luật sư Mạch cho biết thêm, đồng thời, khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực. Khi kết thúc kiểm soát, Cảnh sát giao thông cũng không cần nói lời cảm ơn như quy định trước đây.
Để hiểu rõ quy định CSGT được trích lại 70% tiền xử phạt, Luật sư Trần Văn Giới có bài phân tích dưới đây.
Nguồn: [Link nguồn]