Cần xem lại thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc
Nhiều ý kiến cũng cho rằng mua bảo hiểm bắt buộc xe máy là để đối phó với CSGT là chính, vì thế mới sinh ra tâm lý mua càng rẻ càng tốt.
Nhiều người đi xe máy đang băn khoăn về mục đích của bảo hiểm bắt buộc TNDS là để tránh bị phạt hay là chia sẻ rủi ro nếu không may bị TNGT. Ảnh minh họa
Những ngày qua, rất nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng Báo Giao thông, nêu ý kiến là CSGT nên chỉ tập trung xử phạt các lỗi chuyên môn, đừng "xử phạt thay bảo hiểm".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng mua bảo hiểm bắt buộc xe máy là để đối phó với CSGT là chính, vì thế mới sinh ra tâm lý mua càng rẻ càng tốt, không quan tâm đã mua đúng loại bảo hiểm pháp quy hay chưa.
Cũng có người bày tỏ quan điểm xưa nay không bao giờ nghĩ đến chuyện nhờ đến bảo hiểm bồi thường tai nạn va quệt, đâm xe máy vì "thủ tục lằng nhằng, phức tạp".
Bởi vậy, nhu cầu làm rõ số tiền thu từ bảo hiểm và số chi để bồi thường là một đòi hỏi rất chính đáng của người dân và dư luận.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) là việc làm rất ý nghĩa và mang tính nhân văn vì đây là loại bảo hiểm để bảo vệ cho người thứ ba (người bị nạn). Tại nhiều nước, quy định về bảo hiểm TNDS rất rõ ràng và thuận lợi. Ở nhiều nước người dân bắt buộc phải mua loại bảo hiểm này, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì thế người dân hoàn toàn yên tâm khi mua bảo hiểm. Bên cạnh đó người mua bảo hiểm khi gặp tai nạn thì việc giải quyết bồi thường bảo hiểm rất đơn giản, chỉ cần chụp ảnh hiện trường gửi cho bảo hiểm và xin giấy xác nhận của cơ quan công an. Những việc còn lại là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
"Ngay như việc lấy giấy xác nhận của cảnh sát cũng rất đơn giản, họ có một form mẫu chung và người dân chỉ cần kê khai vào đó là xong", ông Minh nói.
Rất tiếc là tại Việt Nam hiện nay có nhiều người cho biết rất khó khăn trong việc nhận bồi thường. Vì thế họ thấy lợi ích của việc mua bảo hiểm rất thấp nên chỉ mua để đối phó với CSGT. Về vấn đề này, trong nhiều cuộc làm việc với bên bảo hiểm chúng tôi cũng đã có ý kiến.
Theo tôi trong thời gian tới cần rà soát lại các quy trình đối với việc này để loại bảo hiểm này thực sự có ý nghĩa đối với người dân và xã hội. Ngay như thủ tục xin xác nhận từ công an, tôi nghĩ cũng cần rà soát lại xem có cần chỉnh sửa, bổ sung gì không. Giấy xác nhận này nên coi như một bản khai báo chứ không phải là “xin - cho”. Đối với ngành bảo hiểm, cũng cần xem xét lại các quy trình của mình, ông Trần Hữu Minh nêu quan điểm.
Do tâm lý người dân mua bảo hiểm xe máy chỉ để tránh bị phạt, nên chỉ mua những loại bảo hiểm giá rẻ bán vỉa hè
Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy hiện nay số vụ TNGT liên quan tới người đi xe máy vẫn chiếm tới 70% tổng số vụ TNGT, trong khi xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân.
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nên tổng hợp và công bố số liệu chi tiết sớm nhất có thể. Đây cũng chính là một nội dung mà Ủy ban ATGT Quốc gia đang dự thảo đưa vào nội dung chính thức trong báo cáo để phục vụ chỉ đạo điều hành nâng cao ATGT trong thời gian tới.
Tại phần lớn các quốc gia phát triển, ngoài công cụ về hành chính và giáo dục, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được sử dụng như một công cụ kinh tế rất quan trọng để khuyến khích hành vi lái xe an toàn (được hưởng mức bảo hiểm thấp), đồng thời là công cụ nhắc nhở cảnh báo các lái xe có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông hoặc lái xe không an toàn (phải đóng mức bảo hiểm cao).
Việc quy định mức đóng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thay đổi theo mức độ rủi ro của phương tiện, người lái, môi trường và theo lịch sử vi phạm trật tự an toàn giao thông của người lái đang được áp dụng rộng rãi tại rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực (Mỹ, Đức, Úc, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia...).
Hàng triệu người đi xe máy băn khoăn về việc phải làm gì để được bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc...
Nguồn: [Link nguồn]