"Đại gia" World Cup thi nhau rơi rụng: Nổi tiếng cũng là một căn bệnh
Những Argentina, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã bị loại khỏi World Cup và cả 4 đều phần nào trở thành nạn nhân từ sự nổi tiếng của chính họ.
Những diễn biến chính trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Nga (Nguồn: VTV)
World Cup 2018 đã diễn ra cực kỳ hấp dẫn và gay cấn, những dự đoán trước giải đang ngày một trở nên thiếu chính xác. Những cú lật đổ ngoạn mục của những đội tuyển bị đánh giá thấp đã trở thành cốt truyện chính của kỳ Cúp thế giới năm nay khi tứ kết 2018 sẽ là kỳ tứ kết World Cup đầu tiên không có cả Đức, Tây Ban Nha, Argentina và Bồ Đào Nha.
Tây Ban Nha bị quả đắng vì lối chơi ít dám chịu rủi ro của mình
Thậm chí có thời điểm những đội mạnh đã hú vía trước những đối thủ được đánh giá thấp. Bỉ suýt trở thành nạn nhân tiếp theo nếu không vì Nhật Bản để thủng lưới 3 bàn liên tiếp trong một màn ngược dòng hiệp 2 hết sức căng thẳng. Và cần nói rằng Bỉ thậm chí không được đặt ngang hàng như nhiều ông lớn khác do họ chưa từng vô địch World Cup hay Euro.
Điều gì đã xảy ra với những ông lớn bị loại? Vì sao họ lại thất bại một cách đau đớn như vậy? Giữa các đội tuyển nhỏ bé đã có bí quyết gì để đánh đổ những người khổng lồ?
Dựa quá nhiều vào cá nhân
Argentina là ví dụ điển hình khi dựa vào chỉ Lionel Messi trên mặt trận tấn công, nhưng ví dụ đầu tiên của World Cup được xuất hiện khi một mình Cristiano Ronaldo gánh Bồ Đào Nha cầm hòa Tây Ban Nha 3-3. Không chỉ dựa vào Ronaldo hay Messi, cả hai đội đều phải nhờ vào những khoảnh khắc cá nhân khác trong mỗi trận đấu và khi đối đầu những đội tuyển có nhiều ngôi sao hoặc kỷ luật hơn hẳn như Pháp & Uruguay, họ không làm được gì.
ĐT Đức cũng rơi vào vấn đề tương tự, họ thoát hiểm trước Thụy Điển vì một cú sút phạt của Toni Kroos nhưng lối chơi hoàn toàn bế tắc từ đầu giải và thua cả một Hàn Quốc đã gần cánh cửa bị loại. Trong khi đó TBN 2 trận đầu đã được Diego Costa và một siêu phẩm của Nacho giải cứu, nhưng 2 trận tiếp theo là những khoảnh khắc lóe sáng của cá nhân Isco & Iago Aspas lẫn một bàn đá phản kỳ lạ của ĐT Nga.
Dựa vào Messi quá nhiều, lọt đến vòng 1/8 cũng đã là quá vất vả cho Argentina
Siêu sao luống tuổi
World Cup 2018 có lẽ sẽ là dấu chấm hết cho giai đoạn đứng trên đỉnh vinh quang của nhiều ngôi sao hàng đầu. Lionel Messi đã 31 tuổi, Cristiano Ronaldo đã 33 tuổi, Sergio Ramos 32 tuổi, Andres Iniesta bước sang tuổi 34 và David Silva cũng sắp tới tuổi 33.
Một số đội hình bộc lộ rõ sự già nua. Argentina mang tới một dàn tiền vệ mà hai cầu thủ đá chính, Javier Mascherano và Enzo Perez, lần lượt ở tuổi 34 & 32. Cặp trung vệ của Tây Ban Nha đều đã vượt mốc 30 tuổi và ở hàng tiền vệ là những Iniesta & Silva vừa đề cập. Bồ Đào Nha cũng không thiếu “ông già” mà đơn cử là cặp trung vệ Pepe – Jose Fonte lần lượt 35 & 34 tuổi, lẫn Ricardo Quaresma đã 33.
HLV, những sự vắng mặt & chiều sâu đội hình
Tây Ban Nha là đội có sự chuẩn bị khá tệ hại trước giải. Tin HLV Julen Lopetegui, người đang cùng TBN có chuỗi 23 trận bất bại, sẽ dẫn dắt Real Madrid sau World Cup khiến LĐBĐ Tây Ban Nha quyết định sa thải ông ngay trước giải, có vẻ như là do tự ái hơn là một quyết định có tính toán. Fernando Hierro nắm chức vụ HLV trưởng lớn đầu tiên trong sự nghiệp và có lẽ Hierro sẽ khó kiếm thêm một chức vụ nào tương tự trong tương lai gần nếu rời ĐTQG.
Jorge Sampaoli của Argentina dự kiến sẽ mất việc do một chiến dịch World Cup thảm họa mà nhà cầm quân này dường như không quản được các ngôi sao của mình, không biết dùng Lionel Messi cho đúng cách và không gọi Vua phá lưới Serie A Mauro Icardi lên ĐTQG.
ĐT Đức đã bỏ rơi Leroy Sane ở nhà, chưa kể chiến thuật của Đức rất tệ khi họ không có phương án xâm nhập vòng cấm khi tấn công, còn ở mặt phòng ngự không có tiền vệ trụ thực sự để bọc lót cho các hậu vệ. Còn Bồ Đào Nha thì ngoài Ronaldo, họ tỏ ra rất thiếu chất lượng & chiều sâu ở các vị trí còn lại.
Vì quá… nổi tiếng
Argentina & Bồ Đào Nha được dư luận quan tâm rất nhiều với sự hiện diện của Messi & Ronaldo, nhưng về mặt chuyên môn tổng quát thì họ thua xa nhiều ứng viên khác về mặt chất lượng đội hình. Việc dựa vào hai ngôi sao quá nổi tiếng này khiến cả hai đội bị ngay cả những đội nhỏ như Iceland, Iran làm cho khổ sở bằng sự chuẩn bị rất kỹ về chiến thuật lẫn tinh thần thi đấu quyết tâm khi vào trận.
Thái độ thi đấu có vẻ kẻ cả đã khiến Đức ê chề ra về ngay từ vòng bảng
ĐT Đức được chú ý đơn thuần vì là nhà ĐKVĐ, nhưng có vẻ cái mác đó đã khiến họ tự mãn ngay từ đầu. Các cầu thủ Đức có vẻ đã nghĩ ngay về vòng knock-out, về các trận đấu lớn nên họ tỏ ra cực kỳ chủ quan (và sau đó là bối rối) trong 3 trận đấu vòng bảng được nghĩ là “dễ hơn”.
Tây Ban Nha đã gắn liền với lối chơi kiểm soát bóng trong một thập kỷ qua nhưng phần nào họ đã bị loại chỉ vì quá đeo bám cái danh tiếng của chính mình. Họ là kiểm soát bóng nhiều nhất giải (69%) nhưng chủ yếu chuyền đi chuyền lại, không tấn công khung thành một cách dữ dội và cũng chẳng tỏ ra khẩn trương khi lên bóng.
Tây Ban Nha không những thua Nga mà còn xác lập một kỷ lục không lấy gì hay ho.