Video: Chú tiểu bị cám dỗ
Trích đoạn từ bộ phim điện ảnh nổi tiếng "Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân".
Bộ phim như cái tên của nó đã nói cho chúng ta biết về vòng luân hồi của cuộc đời, kiếp người. Qua câu chuyện về ba thế hệ sư nam trong một ngôi thủy am ở chốn hoang vắng, đạo diễn Kim Ki Duk muốn gửi gắm đến người xem nhiều điều về triết lý nhà Phật.
Phim của Kim Ki Duk luôn mang đa tầng đa lớp ý nghĩa mà nếu chỉ lướt qua người ta khó có thể nắm bắt hết cái thâm thúy trong từng câu thoại từng bối cảnh. Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân – vòng tròn 4 mùa đó được miêu tả trong khung cảnh của một ngôi chùa nhỏ đặt giữa một cái am, bao quanh là núi rừng.
Bộ phim bắt đầu vào mùa xuân, chú tiểu theo sư thầy vào chùa, được thầy dạy cho bài học thấm nhuần về nhân quả. Rồi mùa hạ, mùa thu, mùa đông cứ thế tiếp nối trôi qua. Chú tiểu lớn lên trở thành một chàng trai, phạm phải giới luật khi có quan hệ yêu đương một cô gái tới am để chữa trị bệnh. Bị sư thầy phát hiện, cô gái buộc phải rời đi, chú tiểu cũng theo tiếng gọi của tình yêu mà bỏ nhà chùa. Những mù quáng, ghen tuông trong tình yêu khiến chàng thanh niên đó phạm phải sai lầm giết người, bỏ trốn về chính ngôi chùa ngày xưa. Trước ngày ra đầu thú, chú tiểu lấy dao khắc lên nền gạch trước cửa chùa hàng chữ “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Những bài học về triết lý nhà Phật luôn được gài vào trong mỗi chi tiết
Thời gian thắm thoát thoi đưa, chú tiểu giờ đã là một ông già vai mang đá nặng, tay cầm tượng Phật trèo lên núi cao. Cuối phim, vẫn lại có một vị sư già và một chú tiểu nhỏ sống êm đềm bên nhau, như một vòng tuần hoàn của tạo hóa.
Dưới đây là trích đoạn chú tiểu phạm phải giới luật khi kết duyên với một cô gái tới chữa bệnh ở chùa. Những nhân vật không được gọi bằng tên cụ thể, mang tính khái quát hóa cao độ cho mọi con người ở mọi tầng lớp.
Cũng từ mối tình này, cuộc đời chú tiểu trải qua cay đắng
Video: Trích đoạn nhà sư bị cám dỗ