Châu Á thiếu gì để chiến thắng trước các đội Âu, Mỹ?
Thiết lập thế trận lý tưởng, kiểm soát bóng hoàn hảo, thể lực cực tốt, nhưng những gì các đội châu Á làm được ở vòng đấu thứ hai lại là những thất bại để lại sự tiếc nuối rất lớn. Vì sao những Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia chơi rất hay lại không thể kết thúc trận đấu bằng chiến thắng?
Điều khó khăn với các đội bóng châu Á và châu Phi chính là sự kiềm chế. Họ để cảm xúc chi phối trong cả lối chơi lẫn sự thăng hoa.
Cảm xúc và thiếu thủ lĩnh dẫn dắt khiến các đội bóng châu Á gục ngã ở thời khắc quyết định. Ảnh: AFP Cảm xúc quá lớn
Nhật Bản, Saudi Arabia không hề thua kém Costa Rica hay Ba Lan. Họ tạo ra sự áp đảo cực lớn trước các đối thủ được đánh giá cao hơn. Thậm chí, con số thống kê chỉ ra rằng, Saudi Arabia khống chế và kiểm soát thế trận trước Ba Lan còn hơn khi đối đầu với... ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ ba khu vực châu Á. Tương tự, Nhật Bản khiến Costa Rica “chết đi sống lại” trong từng pha vây hãm. Nhưng vấn đề là cả hai đại biểu châu Á đều không cụ thể ưu thế thành bàn thắng để cuối cùng, bị đối thủ trừng phạt bằng những cú hồi mã thương bất ngờ.
Trong cả hai trận đấu này, điều tất cả nhìn thấy chính là sự hạn chế trong những tình huống cuối cùng của Saudi Arabia và Nhật Bản. Họ vẫn thể hiện những sai số đáng tiếc trong khâu dứt điểm hoặc lệch lạc ở những đường chuyền quyết định.
Sự hưng phấn thái quá về tâm lý đã khiến các cầu thủ châu Á không kiểm soát được tình hình và quên đi mục tiêu mà họ đang hướng đến.
Nhà báo Ryan Eliott của tờ Guardian đánh giá thẳng thắn: “Các đội bóng châu Á đã tạo ra tiếng vang lớn ở World Cup lần này. Nhưng họ vẫn thể hiện sự vội vàng và thiếu điềm tĩnh trong các tình huống quyết định. Họ chơi quá “bốc” mà quên đi nhịp độ thi đấu là điều cần thiết. Tính cân bằng mất đi cũng là lúc không kiểm soát được tình hình, đó chính là vấn đề. Điều này không thể khắc phục một sớm một chiều”.
“Các đội bóng châu Á đã tạo ra tiếng vang lớn ở World Cup lần này. Nhưng họ vẫn thể hiện sự vội vàng và thiếu điềm tĩnh trong các tình huống quyết định. Họ chơi quá “bốc” mà quên đi nhịp độ thi đấu là điều cần thiết”. Nhà báo Ryan Eliott, tờ Guardian Thiếu nhạc trưởng giữ nhịp |
Các đội bóng châu Á nhiều năm qua đã xuất hiện những ngôi sao tầm cỡ thế giới. Có thể kể đến Son Heung-min của Hàn Quốc, Minamino của Nhật Bản hay Mehdi Taremi của Iran. Tất cả những cầu thủ này đều được đánh giá rất cao về trình độ. Tuy nhiên, họ vẫn không phải “nhạc trưởng” hay người dẫn dắt của cả đội bóng. Họ chỉ là những ngôi sao đơn lẻ nổi trội.
Nhìn nhận về vấn đề này, HLV Mai Đức Chung cho rằng, các đội châu Á có sự tiến bộ vượt bậc về trình độ chung nhưng các cá nhân dẫn dắt lại... không có. Nói nôm na, các cầu thủ ngôi sao thi đấu ở châu Âu có thể gây hưng phấn cho đồng đội, khiến họ muốn cống hiến hơn. Thế nhưng, xét về mặt vai trò, họ chưa chắc đã trở thành trụ cột. Tức là người có thể “dẫn dắt và định hướng” các đồng đội vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Nó như kiểu vai trò của Luka Modric của Croatia, Sergio Busquet của Tây Ban Nha, Thiago Silva của Brazil hay Lionel Messi của Argentina. Một mẫu cầu thủ đủ năng lực đứng trước toàn đội để sốc tinh thần hoặc điều chỉnh trạng thái các đồng đội.
Theo các chuyên gia bóng đá, nhận ra hạn chế không khó nhưng để khắc phục thì chẳng phải chuyện ngày một ngày hai. Đơn cử như người Hàn, họ có thể sở hữu ngôi sao hiếm có như Son Heung-min, nhưng họ không thể biến ngôi sao ấy trở thành thủ lĩnh nâng cả đội hình.
“Giải pháp hợp lí nhất hiện nay là xây dựng đội hình cân bằng, đồng đều. Bên cạnh đó, các đội châu Á cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Vì chỉ có kinh qua những môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao một cách thường xuyên, họ mới có cơ hội tạo ra những thủ lĩnh đích thực trên sân cỏ”, HLV Mai Đức Chung nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
4 đội giành quyền đi tiếp ở bảng A, B cùng những cặp đấu đầu tiên của vòng 1/8 World Cup 2022 đã chính thức lộ diện.