Giá USD liên tục lập đỉnh, hàng chục ngàn tỷ nợ bằng USD của doanh nghiệp như thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đến hẹn lại lên, mỗi khi đồng USD nóng lên, câu chuyện về nợ bằng đồng nước ngoài của doanh nghiệp cũng nóng trở lại. Về bản chất, đối với các khoản vay không được Chính phủ bảo lãnh, doanh nghiệp tự vay tự trả. Tuy nhiên, các hệ quả khi tỷ giá liên tục tăng cao chưa chắc chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp.

Báo cáo vừa công bố của VNDirect đã hé lộ nhiều cái tên doanh nghiệp niêm yết đang gánh hàng ngàn tỷ nợ bằng đồng USD. Số liệu được VNDirect tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp cho thấy, tập đoàn Vingroup (mã VIC) đang có tổng dư nợ bằng USD lớn nhất với giá trị 65.559 tỷ đồng, chiếm 39,4% tổng dư nợ. Vay nợ của VIC tính đến cuối quý 2/2022 là 166.588 tỷ đồng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than, dầu khí… đang sử dụng nhiều nợ vay có gốc ngoại tệ bằng đồng USD. Ví dụ, Tổng Công ty Phát điện 3 (Mã PGV) đang có các khoản nợ trị giá 36.868 tỷ đồng bằng USD, chiếm tới 86,6% dư nợ; tổng công ty phát điện 2 (mã GE2) nợ 12.669 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam  (mã POW) nợ 2.775 tỷ đồng… Đặc biệt, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD) nợ 3.904 tỷ đồng, 100% bằng USD. Một ông lớn khác là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã HVN) đang có 21.815 tỷ đồng nợ USD, với dư nợ USD/tổng dư nợ là 66,3%.

Giá USD liên tục lập đỉnh, hàng chục ngàn tỷ nợ bằng USD của doanh nghiệp như thế nào? - 1

2 biến số ảnh hưởng tới gánh nặng của các khoản nợ

Theo VNDirect, việc tỷ giá tăng, những khoản nợ này có tác động thế nào tới tài chính của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào 2 biến số: hình thức trả lãi (lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi) và kỳ hạn khoản vay (ngắn hạn hay dài hạn).

Đối với hình thức trả lãi, khi đồng USD mạnh lên, DN có khoản vay dù với hình thức nào cũng sẽ phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá (đánh giá lại giá trị nợ gốc khoản vay) ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh. Thêm vào đó, những DN sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn. Nguyên do là vì khoản vay thả nổi sẽ còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất tăng lên do FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đối với thời hạn trả lãi, VNDirect cho rằng những DN có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn do những rủi ro về dòng tiền khi DN khi phải xoay sở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay. Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao DN sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (gia tăng chi phí lãi vay). Ngược lại, những DN có khoản vay USD dài hạn với tỷ trọng cao sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc.

Tiền không còn “rẻ”

Rủi ro kép về lãi suất và tỷ giá này là minh chứng cho thấy việc tìm kiếm dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài không còn dễ. Theo chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong tình huống hiện nay, rõ ràng nếu hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ như cũ thì sẽ gặp khó trong việc trả nợ.

Nhìn vào những doanh nghiệp niêm yết đang gánh nhiều nợ bằng USD, có thể thấy có một số là doanh nghiệp đầu ngành nhưng đang phải chịu thua lỗ, thậm chí là trong 2 quý liên tiếp gần đây như PVD, HVN… Theo ông Thịnh, về nghiệp vụ và kinh nghiệm quốc tế, đối với những khoản vay nước ngoài lớn, các doanh nghiệp đều cần tính toán mua các hợp đồng phòng vệ trước những rủi ro về tỷ giá. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế để phân loại, quản lý rủi ro này. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đã hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro đi vay.

Khi tỷ giá có diễn biến bất lợi như hiện nay, nợ nước ngoài sẽ không chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp bởi lẽ các nhu cầu mua, bán ngoại tệ đột biến khi rút vốn, trả nợ nước ngoài có thể tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá của Ngân hàng nhà nước.

NHNH đã đưa ra đề xuất về yêu cầu giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với hoạt động vay nước ngoài

NHNH đã đưa ra đề xuất về yêu cầu giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với hoạt động vay nước ngoài

Vừa qua, NHNN đã đưa ra phương án quy định điều kiện vay chặt chẽ đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Trong đó, yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ là quy định mới được đề xuất, cụ thể giao dịch này cần được thực hiện:

- Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, kim ngạch vay trên 500.000 USD, giá trị giao dịch tối thiểu bằng 30% giá trị rút vốn;

- Đối với khoản vay nước ngoài trung dài hạn, các đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 USD, giá trị của giao dịch tối thiểu bằng 30% số tiền trả nợ gốc.  

Hiện nhiều nước trên thế giới đã có những yêu cầu tương tự với vay nợ nước ngoài. Giá trị tham chiếu ở mức 500.000 USD theo đề xuất là tương đối cao nếu so sánh với nước trong khu vực như Indonesia,. Tuy nhiên, NHNN cho biết, do đây là chính sách mới được áp dụng, việc đặt giới hạn cao sẽ khoanh vùng các doanh nghiệp có khoản vay lớn tiên phong thực hiện chính sách này, và mục tiêu hướng tới các nhu cầu mua ngoại tệ lớn có thể có ảnh hưởng nhất định đến thị trường ngoại tệ.

Nguồn: [Link nguồn]

Gửi tiết kiệm ngân hàng nào được hưởng lãi suất cao nhất?

Trong bối cảnh cuộc đua lãi suất đầu vào vẫn đang tiếp diễn, đã có ngân hàng huy động vốn với lãi suất gửi tiết kiệm ở mức 8%/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN