Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng

Sự kiện: Phim hành động

Sản phẩm thứ 3 đánh dấu sự trở lại "tấn công" và "phá hoại" tòa Bạch Ốc từ đạo diễn dòng phim "thảm họa" Roland Emmerich.

Phim do đạo diễn của bộ tứ phim “thảm họa” gồm Independence Day, The Day after Tomorrow, Godzilla 2012 là Roland Emmerich nổi tiếng dàn dựng. Lần này với White House Down (tên tiếng Việt: Giải cứu Nhà Trắng), Roland không chỉ chăm chút hơn về hình ảnh, hiệu ứng kỹ xảo, và nội dung vẫn đặt mục đích giải trí và mang tính thương mại lên hàng đầu. Có thể đánh bại với bộ phim cùng đề tài là  Olympus Has Fallen mới ra mắt hồi tháng 4.

Trailer Giải cứu Nhà Trắng. 

Phim được đầu tư 150 triệu USD và đến nay cũng mới thu về gần 70 triệu USD, đứng thứ 4 trên bảng tổng sắp phim ăn khách trên đất Mỹ với 24,9 triệu USD, chỉ nhỉnh hơn Man of Steel sắp “về vườn” với 20,7 triệu USD. Thậm chí thua xa Olympus Has Fallen khi trong tuần đầu công chiếu mang về 30,4 triệu USD.

Ngoài ra, phim còn vướng phải những lời phê bình nặng đô từ phía những nhà phê bình điện ảnh, phải chăng White House Down đang thua ngay trên chính nước Mỹ? Nói một cách khách quan thì không phải White House Down của Roland Emmerich dở hay nhảm, xét về tính giải trí và thương mại thì phim luôn dẫn đầu và xứng đáng với đứa con của vua bom tấn giải trí như Independence Day, The Patriot, The Day After Tomorrow, Godzilla, 2012, 10.000 BC…

Cũng không phải phim ra sau những loạt bom tấn Hollywood trong hè năm nay như Man of Steel, Iron Man 3 hay World War Z mà dẫn đến bị hạ ngay trên sân nhà. White House Down được đầu tư một cách bài bản, công phu và phát hành có tính toán kỹ lưỡng của nhà sản xuất.

Hãy xem xét những yếu tố sau để thấy White House Down hoàn toàn xứng đáng là phim đáng xem nhất Hè 2013. Kinh phí đầu tư phim với 150 triệu USD, một con số không hề nhỏ, cũng suýt soát với Man of Steel (225 triệu USD), Iron Man 3 (200 triệu USD) hay World War Z (190 triệu USD), thể loại phim đủ lôi kéo những người mê phim hành động, hay hài hước phải kéo nhau đến rạp.

Dàn diễn viên là những ngôi sao có máu mặt của Hollywood: Channing Tatum (viên cảnh sát John Cale) đẹp trai hút hồn và chỉ cần khoe cơ bắp cũng đủ thu hút một lượng khán giả nữ khổng lồ. Channing không hổ danh là Người đàn ông hấp dẫn nhất hành tinh là vì thế.

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 1

Channing Tatum chỉ cần khoe thân hình cơ bắp đi lại thế này thôi cũng đủ tạo cơn sốt cho phim.

Những màn rượt đuổi, đọ súng đẹp mắt gay cấn và kịch tính cũng đủ khiến người hâm mộ ngất ngây. Một vị tổng thống da màu của ngôi sao đoạt giải Oscar Jamie Foxx (vai tổng thống Sawyer) càng khiến gây chú ý bởi sự tương đồng giữa anh với vị Tổng thống đương vị của người Mỹ Barrack Obama. Sự gần gũi trong cách thể hiện của Jamie Foxx trong vai Tổng thống Sawyer từ phong cách, cử chỉ nhỏ nhất cho đến sở thích và thói quen của ông đều tạo sự thân thuộc đến kỳ lạ cho người xem.

Cho dù vai diễn của Channing Tatum trong White House Down chỉ đơn giản là khoe hình thể trong những pha hành động thót tim, hoặc chỉ cần mỉm cười cũng đủ khiến các fan nữ nghiêng ngả. Vì vậy, nhân vật viên cảnh sát John Cale của Channing cũng chỉ cần đến mức như vậy là đủ, không đòi hỏi kỹ năng diễn xuất hay diễn tả cảm xúc một cách ám ảnh, nhức nhối như trong The Vower chẳng hạn. Một bộ phim mang tính giải trí cũng không đòi hỏi Jamie Foxx quá nhiều như thể hiện tính cách góc cạnh của các nhân vật như trong Ray hay một thiện xạ trong Django Unchainted… thay vì một vị Tổng thống đủ gần gũi, lịch sự và hài hước đến ngớ ngẩn khi không biết sử dụng… súng, bởi trong lần sát cánh với viên cảnh sát John Cale, ông chủ Nhà Trắng lòi cái đuôi khi lần đầu cầm đến súng.

Ngoài ra, Nguyên thủ tối cao nước Mỹ bình thường được bao quanh bảo vệ bởi những đặc vụ chuyên nghiệp của Hoa Kỳ, trong khi Tổng thống của Jamie Foxx lại phải tự bảo vệ mình, ngoại trừ viên cảnh sát quèn từng thi rớt trong lần sát hạch làm vệ sĩ cho ông trước đó là John Cale trong cuộc giành giật lại Nhà Trắng với bọn khủng bố. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến bộ phim này của Roland bị khán giả Mỹ hờ hững, trái ngược với gu thưởng thức điện ảnh của người yêu điện ảnh từ thị trường châu Á hay Bắc Âu.

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 2

Jamie Foxx tạo ấn tượng gần gũi, thân thiện đích thị ông chủ đương vị của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, sự hợp gout trong phong cách diễn và thể hiện và những màn tung hứng với lời thoại hài hước đặc trưng văn hóa Mỹ giữa Channing và Jamie cũng góp phần tạo nên sự hài hước cho khán giả sau những cảnh hành động gay cấn, pha rượt đuổi đầy kịch tính, căng thẳng và cận cảnh súng đạn, khói lửa ngợp trời. Đặc điểm này chính là phong cách đặc thù và cũng là tài năng mang đến thành công mà chỉ riêng thấy ở cách làm phim của Roland Emerich: Kết hợp tài tình và khéo léo khi pha trộn vừa phải giữa hành động với yếu tố hài hước đến từ những màn đối thoại “tưng tửng” của nhân vật. Người xem có thể bật cười bất cứ lúc nào, điều này khó có thể khiến một khán giả có thể nín cười được một khi đã bị Rolan “cù”.

Nói như nhận xét của Roth Cornet từ trang mạng IGN nổi tiếng chuyên đánh giá về các game trực tuyến, sản phẩm điện ảnh, âm nhạc chia sẻ: “White House Down là phim ngớ ngẩn khi xào xáo lại những bộ phim hành động trước đó, nhưng nếu bạn muốn “xõa” và cười sái quai hàm thì đây chính là một trải nghiệm hoàn toàn đúng đắn và xứng đáng”. Nhận xét của Roth quả không sai, hơn 2 tiếng đồng hồ với bộ phim sẽ để lại cho bạn cảm giác không hẳn là trống rỗng như những bộ phim cùng thể loại kiểu Resident Evil hay Transformers… Cái bạn được chính là cười một cách sảng khoái, không suy nghĩ, bận tâm nhưng điều khác biệt ở chỗ, cách xây dựng kịch bản của White House Down chặt chẽ, có nội dung rõ ràng và hợp lý.

Kết hợp một cách nhuần nhuyễn yếu tố phim hành động với thể loại phim hài. Kết cấu phim có điểm nhấn ở những tình huống cao trào đến nghẹt thở, những nút thắt xuất hiện theo nhịp phim nhanh, gấp gáp và hồi hộp, nhưng cũng liên tục được cởi nút tạo cảm giác dễ chịu cho người xem, không phải chau mày phán đoán mệt óc. Đặc biệt là những sự kiện vừa mang tính lịch sử vừa có tính cập nhật thời đại như chuyện tình bí mật giữa JFK với cô đào nổi tiếng nhất nước Mỹ Marrilyn Monroe hay vụ ầm ĩ về Wikileaks…

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 3

Những cảnh hành động với màn bắn súng nghẹt thở.

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 4

Lần thứ 3 Roland Emmerich "phá hoại" Nhà Trắng bằng điện ảnh.

Phần hình ảnh trong phim không hổ là sản phẩm của cha đẻ dòng phim “thảm họa”, dù với thế giới chưa hẳn đã là thảm họa, nhưng với người Mỹ thì ngoài tòa Tháp Đôi WTC bị khủng bố năm 2001 cũng đủ là ngày tận thế, chưa nói đến trung tâm quyền lực như Nhà Trắng thì có thể gọi là ngày đại tận thế. Dù không thể so sánh với những hình ảnh trong các siêu phẩm 2012 hay Independence Day… trước đó, những góc máy đại cảnh và hoành tráng bên trong, bên ngoài và trên cao của tòa Bạch Ốc cũng đủ mang lại cảm giác mãn nhãn cho khán giả.

Còn so với người anh em cùng làm về đề tài Nhà Trắng “lâm nguy” là Olympus Has Fallen thì hình ảnh của Giải cứu Nhà Trắng có thể coi nhình hơn khi lên màn ảnh rộng. Thành công mà Rolan Emmerich làm được với bộ phim lần này là kinh nghiệm đúc kết từ những siêu phẩm trước đó, không quá choáng ngợp, hoành tráng nhưng cũng đủ khiến khán giả ngây ngất và không thể chê vào đâu, đặc biệt lại là đối với một bộ phim mang tính giải trí như White House Down.

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 5

White House Down dẫn điểm trước Olympic Has Fallen ít nhất về doanh thu tuần đầu.

Cho dù có những chi tiết có phần gượng ép và khoa trương nhưng yếu tố chính trị trong phim lại được lồng ghép một cách hết sức hợp lý. Khán giả khi xem phim còn học hỏi được thêm nhiều điều chưa biết về tòa Bạch Ốc của người Mỹ, văn hóa kiểu tếu táo, nhẹ nhàng mà không phải thô lỗ, bỡn cợt.

Vì là một phim giải trí và mang tính thương mại cao, Giải cứu Nhà Trắng cũng đồng thời là bước ngoặt đổi đời của viên cảnh sát độc thân John Cale đang trong cảnh “gà trống nuôi con”. Có thể coi John là một gã đàn ông thất bại, cả trong hôn nhân, công việc lẫn tình cảm cha con với cô con gái Emily , tín đồ nghiền mạng xã hội. Lý do: Vì sao vợ anh bỏ anh và con (thất bại trong hôn nhân), một viên cảnh sát thi rớt vào đội vệ sĩ bảo vệ Tổng thống (thất bại trong công việc), không thể gần gũi khi cố gắng hàn gắn quan hệ cha con với cô nhóc Emily (thất bại trong tình cảm cha con).

Thế rồi một ngày đẹp trời đã đến, cũng có thể là ngày tồi tệ lúc đầu đối với John Cale và toàn thể người dân Mỹ. Bọn khủng bố tấn công và chiếm đóng công trình đầu não và tối mật của đất nước cờ hoa, chúng đòi bắt cóc Tổng thống và các con tin, trong số này có cả cô con gái yêu của John. Tình thế bắt buộc anh phải cầm súng để bảo vệ chính nghĩa, nghe có vẻ to tát nhưng mục tiêu lớn nhất vẫn là giành lại con gái anh từ tay bọn khủng bố. Như vậy là số mệnh (có lẽ là Roland Emmerich thì đúng hơn) đã trao cho John Cale xứ mạng sát cánh ở bên và bảo vệ Tổng thống, nhiệm vụ mà anh từng “trượt vỏ chuối” khi phải thi thố nhưng không được, đồng nghĩa với việc giải cứu Nhà Trắng, trở thành ông bố “Number One” cô con gái nhỏ. Cốt truyện chỉ có vậy, kết thúc có hậu và diễn biến cũng như tình tiết, các nút thắt mở được giải quyết một cách triệt để, thuyết phục và hợp lý.

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 6

Viên cảnh sát quèn John Cale vớ bở với vụ giải cứu Tổng thống.

Với 131 phút, White House Down đưa khán giả nếm trải những cung bậc cảm xúc từ dữ dội, bàng hoàng đến xúc động và cảm giác nhẹ nhõm thư thái nhờ màn tung hứng hóm hỉnh của các nhân vật trong phim. Bấy nhiêu có vẻ như đã là quá đủ đối với thể loại phim giải trí như White House Down, không nhất thiết phải “bới lông tìm vết” hay “ném đá”. Đơn giản hãy đến rạp và thưởng thức một bộ phim với tinh thần xả hơi theo đúng nghĩa.

Phim được công chiếu tại các rạp chiếu ở Việt Nam từ ngày 5/7.

Một vài gạch đầu dòng về đạo diễn thích “phá hoại” Roland Emmerich:

Xả hơi với phim "phá hoại" Nhà Trắng - 7

Roland Emmerich từng 3 lần "công phá" Nhà Trắng trên màn ảnh rộng.

- Roland từng 2 lần cố tình “phá hoại” Nhà Trắng tối thượng của nước Mỹ trong Independence Day 2012. White House Down là lần thứ 3 cha đẻ “phim thảm họa” xuống tay với tòa Bạch Ốc.

(Thực tế Roland từng bày tỏ: “Tôi rất yêu mến Nhà Trắng!”).

- Roland Emmerich lắc đầu nếu ai đó muốn ông dựng phim phá hoại các công trình mang tính biểu tượng nào đó ở Trung Quốc, Triều Tiên hay Ả Rập.

(Roland chống chế: “Làm thế chẳng khác nào kẻ hiếu chiến và điều đó sẽ chẳng bao giờ diễn ra cả,bởi đó là điều không thể” và “Bản thân tôi không phải Roland Phá hoại. Với tôi, những công trình đó mang ý nghĩa tượng trưng về một điều gì đó”).

- Trước khi trở thành một đạo diễn phim, Roland Emmerich từng mong muốn trở thành một kiến trúc sư, bởi: “Tôi yêu các công trình xây dựng!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim hành động Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN