Tây Du Ký bật mí cảnh vườn đào tiên
Vườn đào tiên trong phim "Tây Du Ký" bao gồm những cây đào cổ thụ thật sự, được mang về studio và trang trí thêm.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này.
Dựng bàn đào tiên
Trong Tây Du Ký có không ít cảnh thiên cung như vườn đào tiên/bàn đào viên, hội bàn đào, cung Quảng của Hằng Nga… Thời gian này vì kinh phí của đoàn Tây Du Ký có hạn nên không có đủ khả năng thuê hẳn một studio chuyên nghiệp để thực hiện quay những cảnh quay trong nhà có quy mô lớn và hoành tráng, đặc biệt là những cảnh trên thiên đình.
Sau khi bàn bạc tính toán, đoàn phim đã quyết định thuê một vài địa điểm là các sân vận động, nhà thi đấu, nhà hát… của các tổ chức xã hội để làm studio cho mỗi cảnh quay thích hợp.
Cảnh thất tiên nữ đến bàn đào viên hái đào cho Hội bàn đào của Vương Mẫu nương nương trong Tây Du Ký.
Trong đó, những cảnh quay ở bàn đào tiên được đoàn thực hiện tại cung thể dục thể thao của trường Dục Anh (nay là trường cấp Hai số 25 thuộc khu Hải Định ở Bắc Kinh).
Toàn bộ cung thể thao của trường được đoàn sắp xếp và cải tạo đơn giản để có thể bố trí đạo cụ, máy móc cho việc ghi hình. Đạo cụ lắp đặt chủ yếu là hệ thống chiếu sáng, máy ghi âm, phông nền dạng tròn, bao quanh tứ phía treo trên trần tạo cảnh bầu trời…
Vườn đào giả, cây đào thật
Để tăng tính thuyết phục cho các cảnh quay ở vườn đào tiên, chuyên gia thiết kế mỹ thuật của đoàn là Mã Vận Hồng đã cho người đến một vườn đào ở ngoại ô Bắc Kinh chọn mua những cây đào thật.
Hơn một chục cây đào được đặt trong studio của đoàn nhìn không khác một vườn đào thật ngoài đời. Đặc biệt khi kết hợp với phông nền bầu trời xanh dạnh vòm treo phía trên, hiệu ứng ánh sáng và mây khói, cảnh bàn đào viên trên thiên đình càng thuyết phục và đẹp mắt, mang lại cảm giác sống động về khung cảnh thần tiên kỳ ảo cho người xem.
Mặc dù đã có những cây đào là “hàng thật” nhưng lá đào thì không thể sử dụng lá đào thật vì chỉ để trong studio một thời gian ngắn chúng đã héo rũ. Do đó, đội thiết kế mỹ thuật đã phải mất nhiều công sức để tạo ra những chiếc lá đào giả, từng tán, từng chùm lá gắn trên thân cây thật đẹp mắt và khiến ngay cả nhân viên trong đoàn khi đứng gần cũng khó phân biệt được đâu là thật giả.
Đào giả, ăn thật
Trong bàn đào viên, những cây đào sai chĩu quả, quả nào quả nấy đều to ngoại cỡ, tạo nên một khung cảnh vườn đào đẹp mắt, sống động. Những quả đào tiên “hàng nghìn năm tuổi mới kết trái” với kích thước khổng lồ thời kỳ đó ở Trung Quốc không thể tìm đâu ra, mặc dù hiện nay đã có loại đào lai có thể to hơn những quả đào tiên dựng trong phim. Vì vậy, đoàn phim đã phải nhờ đến các đạo cụ để tạo ra những quả đào tiên khổng lồ. Những quả đào tiên được tạo ra từ tre nứa và giấy bìa tạo thành.
Những quả đào làm từ khung cốt tre và phết giấy bìa trông giống y như thật.
Ban đầu là những kết cấu khung hình cầu được tạo bằng các thanh tre đan vào nhau, dùng dây thép để cố định lại. Tiếp đến dùng giấy bìa dán phủ bên ngoài, cuối cùng là quét sơn để cho ra màu sắc giống y như một quả đào thật với kích cỡ đúng như những quả đào tiên thường thấy trong những bức họa dân gian.
Đội chuyên gia đạo cụ của đoàn đã phải tạo ra hàng trăm quả đào với nhiều kích cỡ khác nhau, không quả nào giống quả nào. Quá trình này mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi cả sự khéo léo, tỉ mỉ. Nhưng nhờ vậy mà khi lên phim, khán giả có cảm giác như thấy những quả đào tiên thực sự.
Đạo cụ của đoàn thông thường đều là do những vật liệu nhẹ tạo nên, có nhiều ưu điểm và tiện lợi trong việc sử dụng. Đặc biệt khi tạo nên những quả đào tiên lần này, thay vì sử dụng chất liệu sáp nến - chắc chắn sẽ tạo ra những quả đào giống y như thật nhưng lại dễ bị hư hỏng. Hơn nữa, bề mặt quá nhẵn và bóng của chất liệu sáp dễ dàng phản chiếu ánh sáng nên không có lợi cho việc ghi hình. Do đó, những đạo cụ trong đoàn còn kèm theo một chút chất liệu từ gốm và đồng dùng để phủ thêm bên ngoài giúp giảm độ bóng và phản quang.
Trong cảnh quay ở bàn đào viên, nhân vật Ngộ Không có đoạn ăn ngấu nghiến đào tiên trong vườn, vì vậy càng khiến những chuyên gia đạo cụ trong đoàn mất khá nhiều công sức và tâm huyết. Làm thế nào để Ngộ Không có thể ăn được những quả đào giả mà trông giống y như thật? Chuyên gia đạo cụ đã khoét lỗ trên một vài quả đào đã định sẵn, nhét quả đào thật vào bên trong.
Cảnh Ngộ Không ăn ngấu nghiến một quả đào tiên giả nhưng thực chất có một quả đào thật bên trong.
Ngộ Không ăn trộm đào tiên trong tập 3 - Đại Thánh náo thiên cung.
Khi ăn, Ngộ Không sẽ hướng phần quả đào thật về phía miệng và ăn một cách tự nhiên, trong khi phía quả đào giả sẽ quay hướng ra phía ống kính máy quay. Khán giả sẽ cảm thấy Ngộ Không đang ăn đào tiên là thật.
Đặc biệt nếu chú ý tinh mắt, người xem còn thấy khi Lục Tiểu Linh Đồng cắn vào quả đào, có nước đào chảy ra, bám vào lông ở trên mặt hết sức sống động và tự nhiên. Đó chính là cái tài của những chuyên gia đạo cụ của đoàn Tây Du Ký khi tạo ra được những quả đào tiên giả nhưng có thể ăn được.
Đi lại trên thiên cung trơn trượt như rêu
Vì phần lớn cảnh quay thiên cung đều được tạo hiệu ứng bằng những máy tạo khói, sử dụng băng khô được nung nóng để tạo ra cảnh tượng mây trắng bồng bềnh, kỳ ảo. Tuy nhiên hiệu ứng ngược là nền nhà trở trên trơn trượt, khiến diễn viên bị trượt chân như chơi.
Trong một cảnh quay nhân vật Ngộ Không lẻn vào phòng luyện đan của Thái Thượng Lão Quân để ăn trộm linh đan, Lục Tiểu Linh Đồng khi đến gần lò luyện đan/lò bát quái thì một chân bị trượt ngã chỏng kềnh. Trong lòng anh cảm thấy lo lắng sẽ bị đạo diễn Dương Khiết quát và ra hiệu tạm ngừng để quay lại. Nào ngờ không thấy đạo diễn nói một tiếng nào.
Ngộ Không ăn trộm linh đan trong phòng luyện đan của Thái Thượng Lão Quân.
Đợi khi quay xong, Lục Tiểu Linh Đồng chạy lại hỏi nữ đạo diễn: “Đạo diễn, khi nãy bị trượt chân ngã, cảnh quay không có vấn đề gì chứ?”. Thế nhưng đạo diễn Dương chỉ cười và cho biết: “Diễn đạt lắm, thế mà tôi còn tưởng anh dùng kỹ xảo diễn để làm ra như vậy. Diễn như vậy rất hợp với cảnh Ngộ Không bị say rượu. Tôi sẽ để nguyên cảnh quay này!”.
Trong một lần khác - cảnh Tôn Ngộ Không lẻn vào phòng luyên đơn của Thái Thượng Lão Quân để thó hồ lô đựng linh đơn, Lục Tiểu Linh Đồng đã bị trượt chân vì nền trơn và chân lại vướng vào đạo cụ phía dưới. Cảnh quay đó đã được dừng lại đợi khi Lục Tiểu Linh Đồng bình phục rồi mới tiếp tục ghi hình.
Chính vì nền của studio thường xuyên bị trơn như vậy nên đạo diễn Dương cảm thấy khá lo lắng cho những diễn viên lớn tuổi, đặc biệt là nghệ sĩ Trịnh Dung được giao thể hiện vai Thái Thượng Lão Quân. May mắn là trong thời gian tham gia đóng phim cùng đoàn, nghệ sĩ Trịnh Dung không lần nào bị “trượt băng”.
Cảnh Ngộ Không trượt chân ngã chỏng kềnh bên lò luyện đan vì nền quá trơn (từ 0:28-0:30).