Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh

Sự kiện: Phim lẻ bộ

Night of silence (tựa tiếng Việt: Đêm yên tĩnh) đến với công chúng Việt Nam qua kỳ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 2.

Trước khi tới Việt Nam, tác phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ này đã được trao giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế độc lập tại Brussel lần thứ 39, đồng thời nhận giải Gấu pha lê cho hình ảnh phim tại LHP quốc tế Berlin năm nay và các giải tại LHP quốc tế Đức và Nhật.

Night of silence là câu chuyện éo le về một đám cưới sắp đặt, giữa một cô bé 14 tuổi và một người đàn ông 60 tuổi vừa ra tù. Hầu hết báo chí nước ngoài đều đánh giá đây là một tác phẩm sâu sắc, mang giá trị nghệ thuật cao, được xây dựng bởi tài năng của đạo diễn Reis Celik.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 1

Night of silence: Câu chuyện về nạn tảo hôn khiến nhiều người xúc động

Bộ phim đề cập tới nạn tảo hôn, một vấn nạn quen thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ẩn giấu bên trong còn nhiều ngụ ý khác. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 50 năm qua đang nỗ lực để cải thiện nạn tảo hôn giữa các gia đình, giữ các dòng họ. Tuy nhiên, cho tới nay, một số địa phương nằm xa trung tâm ở khu vực phía Nam đất nước này vẫn còn duy trì phong tục bắt ép trẻ em nữ phải kết hôn khi mới trên 10 tuổi. Đây chính là điều mà đạo diễn muốn lột tả qua tác phẩm của mình.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 2

Cảnh đêm tân hôn của người chồng 60 tuổi với cô vợ trẻ 14 tuổi

Mối quan hệ bất cân bằng giữa một người chồng già tới 60 tuổi và một người vợ trẻ con mới 14 tuổi là hiện thực cho thấy quyền lực mà những người đàn ông đang nắm giữ trong xã hội, không chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là thực trạng chung ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thành phố nơi xảy ra câu chuyện không có một cái tên cụ thể nào, chính là hàm ý ẩn dụ của đạo diễn, muốn nhấn mạnh đề tài mà ông nói tới có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào. Việc bắt ép một bé gái phải lấy một người đáng tuổi ông mình chẳng khác nào việc hiện thực hóa chuyện công khai mại dâm trẻ em.

Nội dung phim khiến nhiều người cảm động và xót xa chính là cuộc hôn nhân bị hai gia đình sắp đặt nhằm tránh chiến tranh và đổ máu giữa hai dòng họ. Trong đó, gây chú ý là cuộc hội thoại  trong đêm tân hôn của cô dâu và chú rể. Cho đến tận lúc trời sáng, cuộc hội thoại này vẫn đều đều diễn ra trong không gian yên lặng đến ngạt thở. Yên lặng như chính tên phim Night of silence.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 3

Họ buộc phải làm đám cưới theo sự sắp đặt của gia đình, chung quy chỉ để tránh chiến tranh đổ máu giữa hai dòng họ

Cái khác của bộ phim nằm ở cách miêu tả của đạo diễn, mang đậm tính ẩn dụ.
Theo truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, khi tới giờ cầu nguyện, hai phát súng được bắn lên trời, đánh dấu chính thức thời điểm của đêm tân hôn, lúc tấm rèm che trước mặt cô dâu được vén lên. Nhưng đạo diễn không dành thời gian cho những miêu tả ấy. Đơn giản, phần mở đầu là những phút vui vẻ náo nhiệt của một đám cưới, để rồi sau đó trả sự tĩnh lặng về cho hai nhân vật chính.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 4

Phần lớn thời lượng phim là một sự tĩnh lặng trong cuộc nói chuyện của hai nhân vật chính, nhưng luôn tạo cảm giác hiếu kỳ

Không gian chủ yếu của phim là căn phòng tân hôn. Xen kẽ giữa phim đôi lúc là cảnh về giấc mơ và đoạn cuối cùng là một khung cảnh ngoài trời. Chỉ gói gọn trong từng ấy điểm quay tạo một cảm giác chật hẹp, bức bối nhưng cảm giác căng thẳng của hai nhân vật cùng với nụ cười đan xen trong câu chuyện của họ khiến người xem không khỏi hiếu kỳ về hành động tiếp theo của họ, buộc lòng phải theo mạch truyện tới tận lúc kết thúc.

Tài chỉ đạo bấm máy của vị đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ này đã đưa câu chuyện tưởng như không có cốt truyện (vì không có thắt nút, mở nút) thành một tác phẩm điện ảnh thực sự.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 5

Bộ phim nâng tầm nghệ thuật nhờ vào cách kể chuyện lạ

Hai nhân vật bước vào trong căn phòng tân hôn. Người chồng đã nhiều tuổi, có mang theo cả súng. Về mặt thể lực ông cũng không hơn gì so với cô dâu non nớt mới 14 tuổi. Ấn tượng đầu tiên về chú rể là một người có quyền lực, tính cách thô ráp và luôn thích chỉ đạo. Cô dâu bé nhỏ mang nét đẹp được thần tiên ban phát. Cô bé luôn cố gắng tỏ ra mình không sợ hãi, nhưng thực tế lại tìm mọi cách để trì hoãn tình thế. Chú rể cũng lo sợ vì thân hình già nua của mình. Họ lúng túng khi phải đối mặt trong đêm tân hôn.

Một tiếng súng trong đêm tân hôn, một đám cưới tảo hôn sắp đặt mở đầu cho một bi kịch và kết thúc của nó không báo hiệu cho một hạnh phúc. Một ngôi làng yên tĩnh phủ đầy tuyết trắng, bà mẹ cô dâu đến gõ cửa nhà chú rể để lấy tấm khăn trải giường chứng minh sự trong trắng của con gái bà. Bà gõ cửa mãi trước phòng con gái mà không ai ra mở.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 6

Bi kịch kết nối bi kịch, nhưng phim tạo ra một giá trị nghệ thuật nhân văn mới

Để hiểu hơn về kết thúc của bộ phim cần phải hiểu được truyền thuyết của vùng Mardin, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là câu chuyện thờ phụng người phụ nữ của khu vực Cận Đông.

Trong câu chuyện, cô dâu bé nhỏ bỏ một khung hình về nhân vật Shaamaran do mình vẽ mang theo về nhà chồng như một của hồi môn. Shaamaran trong truyền thuyết của vùng Mardin là vua của các loài rắn, tượng trưng cho sinh mệnh con người. Nó cũng tượng trưng cho sự giàu có và may mắn nên mọi người trong vùng này đều treo trong nhà bức tranh có hình Shaamaran, hoặc luôn mang theo bên người như một báu vật. Nữ thần của Crete Hy Lạp, thời văn minh nữ quyền, cũng mang rắn hai bên tay. Cơ thể của nhân vật Nữ Oa trong thần thoại Trung Quốc cũng là hình rắn. Các yếu tố tiêu biểu thường xuất hiện trong các thần thoại của nhân loại là nước, rắn và nữ thần, tất cả đều liên quan chặt chẽ tới sự sinh sôi.

Đưa yếu tố nhân vật Shaamaran vào tác phẩm điện ảnh của mình, đạo diễn muốn nhắc lại câu chuyện truyền thuyết của Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều bạn trẻ của đất nước này đã lãng quên. Bên cạnh đó, người xem còn nhận ra giấc mơ mà vị đạo diễn này gửi gắm, một giấc mơ về sự trở lại của nữ quyền.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 7

Đạo diễn muốn tôn vinh hình ảnh người phụ nữ qua tác phẩm của mình

Nội dung phim đơn giản là thế, nhưng nó xoáy sâu vào lòng khán giả cảm xúc muốn bùng nổ, quẫy đạp để đập tan những định kiến. Ngoài việc lên án chế độ tảo hôn, đạo diễn còn chỉ trích những thực tế đang tồn tại về sự bất bình đẳng giới. Trong thế giới chúng ta đang sống, tiếng nói của người đàn ông vẫn lớn hơn so với phụ nữ. Nam giới vẫn được coi trọng là người giữ vai trò chỉ đạo, nắm quyền lực với nữ giới.

Bi kịch nạn tảo hôn trên màn ảnh - 8

Đạo diễn Reis Celik và hai diễn viên của phim

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh_An (Theo Daum)
Phim lẻ bộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN