Ám ảnh vụ rạch bụng của 47 samurai
Khán giả yêu điện ảnh đã hoặc từng được biết đến bộ phim 47 Ronin sắp ra mắt của Hollywood với nội dung là sứ mệnh trả thù cho lãnh chúa của 47 lãnh nhân. Thế nhưng ít ai biết đến vụ tự sát seppuku/tự mổ bụng vì lòng trung thành của họ với chúa.
Nói đến 47 Samurai hay nói đúng hơn là 47 Ronin/lãng nhân là nói đến một huyền thoại về tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản. Tích truyện trên có liên quan đến một sự kiện có thật trong lịch sử nước Nhật, có liên quan đến mối quan hệ giữa lãnh chúa đất và các samurai dưới thời phong kiến. Đó chính là huyền thoại có tên Chūshingura hay sự xuất hiện của 47 Ronin.
Chūshingura là một sự kiện lịch sử có liên quan đến 47 Ronin hay lãng nhân, những sumurai mất chủ tướng, những người có sứ mệnh báo thù cho chủ nhân là Asano Naganori. Sự kiện này cũng được biết đến như một đề tài quen thuộc của văn học, sân khấu kịch và phim ảnh ở Nhật Bản.
Những Ronin/Lãng nhân trong bộ phim The loyal 47 ronin (1958).
Lòng trung của 60 Samurai với lãnh chúa
Sự kiện này bắt nguồn từ năm 1701, niên hiệu Nguyên Lộc đời Thiên hoàng Đông Sơn, Chinh di Đại tướng quân thứ tư của mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Tsunayoshi (1646 - 1709) trị vì ở Edo (nay là Tokyo), trong khi Thiên hoàng, con rối chính trị, sống ở kinh đô Kyoto.
Để tỏ ý kính trọng tới Thiên hoàng, Tsunayoshi đã dâng tặng cống phẩm tới Kyoto trong lễ chúc mừng năm mới. Đổi lại, Thiên hoàng cho khâm sai tới Edo, ông còn cử hai đại danh trẻ là Naganori Asano Takuminokami, chúa tỉnh Harima và thành Ako, cùng Munehare Date, chúa tỉnh Sendai đón tiếp và tiếp đãi vị khâm sai là sứ giả của triều đình từ Kyoto tới.
Vì hai vị đại danh trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong các nghi lễ, Chinh di Đại Tướng quân giao trách nhiệm cho một vị quan chức bộ lễ/kōke lớn tuổi của triều đình là Yoshinaka Kira - Kozukenosuke (1641 - 1703) tới trợ giúp. Trong lịch sử Nhật Bản, Kira được ghi nhận như một kẻ kiêu ngạo và tham vọng, hắn đã tỏ ra giận dữ khi chúa Asano không hối lộ ông ta cho phải phép, thay vì giúp đỡ , Kira đã lăng mạ, sỉ nhục Asano. Kira quyết tâm đến cùng, bằng mọi giá để làm nhục Asano.
Hình ảnh miêu tả hình phạt lãnh chúa Asano tự mổ bụng.
Sau hai tháng, Asano không thể nhẫn nhịn được tiếp, vì vậy, ngày 14/3, chúa Asano đã rút gươm chém Kira, nhưng chỉ làm Kira bị thương nhẹ. Bởi hành động ngu ngốc đó - tấn công một quan chức ngay trong thành Edo, Chinh di Đại Tướng quân Tsunayoshi lệnh cho chúa Asano phải thực hiện seppuku (tự rạch bụng) ngay lập tức. Trong khi Kira lại không phải chịu sự trừng phạt nào, ông ta được "thông cảm" và cho phép tiếp tục công việc của mình.
Mạc phủ ngay sau đó đã tịch thu toàn bộ đất đai của Asano (vùng Akō) và miễn nhiệm 321 samurai từng phục vụ ông, biến họ trở thành những ronin/lãng nhân vô chủ. Các võ sĩ của Asano không biết phải làm gì trước thảm họa này. Một số muốn nổi loạn, trả thù Kira, trong khi một số khác lại nghĩ nên tôn trọng pháp luật và đầu hàng một cách hoà bình.
Vị thủ lĩnh/hittōgarō trong đội samurai dưới trướng của Asano năm xưa là Ōishi Kuranosuke Yoshio (1659 - 1703) đã thỉnh cầu Tướng quân ban lại danh dự cho dòng họ Asano, và cho người em trai của Asano, Daigaku làm lãnh chúa, nhưng bị khước từ. Vài ngày sau, phần lớn võ sĩ dưới quyền Asano quyết định đào tẩu, chỉ còn 60 người võ sĩ trung thành nhất vẫn ở lại.
Kế hoạch trả thù cho lãnh chúa
Gần hai năm sau ngày xảy ra sự kiện lãnh chúa Asano phải rạch bụng tự sát, Ōishi Kuranosuke Yoshio dẫn đầu 59 lãng nhân chia thành những nhóm nhỏ để che giấu ý định trả thù. Kira chắc chắn đã tiên liệu điều này. Ōishi Kuranosuke đến Yamashina, ngoại ô Kyoto, chơi bạc, uống rượu, trở thành một kẻ nghiện ngập nổi tiếng. Mưu mẹo này đánh lừa được các shinobi của Tướng quân và Kira.
Thủ lĩnh Ōishi Kuranosuke dưới trướng lãnh chú Asano.
Lúc này, người nhà Asano chờ đợi, giả dạng thành thương nhân, người bán đồ lặt vặt hoặc thậm chí thành kẻ nghiện ngập để thu thập thông tin về Kira. Họ chờ đợi một cơ hội tấn công vào dinh thự của Kira. Cuối cùng cũng đến lúc Kira và các đồng minh lơi lỏng sự đề phòng đối với Ōishi Kuranosuke và các lãng nhân. Ōishi Kuranosuke chỉ cho phép 46 lãng nhân tham dự trận đánh này. 13 người còn lại được lệnh trở về với gia đình.
Từng bước một, họ xâm nhập vào Edo. Trong một đêm nhiều tuyết, ngày 14/12, năm Nhâm Ngọ (tức 31/1/1703 theo lịch cổ Nhật Bản), 47 lãng nhân đã tấn công dinh thự của Kira khi ông ta đang mở tiệc thưởng trà. 47 lãng nhân chia thành hai nhóm, đột nhập dinh thự từ cửa chính và cửa phụ.
Trận đánh giữa 47 lãng nhân và 61 vệ sĩ của Kira diễn ra trong một giờ rưỡi. Tất cả các vệ sĩ của Kira đầu hàng hoặc bị giết trong khi phía Ōishi Kuranosuke không có thiệt hại nào. Kira được tìm thấy đang trốn trong một nhà phụ ở ngoài. Các lãng nhân mang Kira vào sân, cho phép hắn có cơ hội bảo toàn danh dự như chúa Asano, bằng cách thực hiện seppuku. Kira đã từ chối và bị các lãng nhân chặt đầu.
Tranh khắc họa cảnh 47 lãng nhân tấn công và bao vây dinh thự của Kira.
Ōishi cùng 46 lãng nhân trở lại Sengakuji nghỉ ngơi sau vụ tấn công dinh thự Kira.
Sáng sau, 47 võ sĩ đi thành một đoàn, dẫn đầu là Ōishi, một tay cầm con dao của Asano, tay xách thủ cấp của Kira. Họ kéo qua phố Edo, đến nghĩa địa Sengakuji, nơi an táng chủ soái của họ. Nhân dân địa phương đứng hai bên đường đều vỗ tay hoan nghênh.
Hoàng tử Sendai mời họ dừng chân giải khát. Ōishi xuống giếng đền, rửa sạch thủ cấp Kira trước khi làm lễ tế chủ soái (theo tục lệ, kẻ dưới phải tinh khiết khi đứng trước cấp trên; Kira bây giờ là cấp dưới của Asano), Ōishi đốt hương, khấn vái trước mộ Asano. Sau đó, 47 lãng nhân trở về mộ của Asano ở chùa Tuyền Nhạc Tự, tế vong hồn của Asano bằng đầu của Kira.
Đầu thú và tự rạch bụng
Trả thù hoàn tất, Ōishi Kuranosuke gửi người đại diện đến quan toà Edo, thông báo mọi chi tiết vụ việc và nói sẽ chờ lệnh từ chính quyền Mạc phủ tại chùa Tuyền Nhạc Tự.
Tướng quân Tsunayoshi không tức giận, trái lại ông ấn tượng trước lòng trung thành dũng cảm của 47 lãng nhân. Mặc dù khâm phục và ngưỡng mộ trước hành động của các lãng nhân, Tsunayoshi lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, giữa tha tội chết cho họ vì tinh thần võ sĩ đạo hay xét xử theo pháp luật?
Sau 47 ngày cân nhắc, Tsunayoshi ban lệnh cho Ōishi Kuranosuke và 45 lãng nhân tự xử, nhưng không phải như tội phạm, mà như những võ sĩ với tất cả danh dự. Trong khi đó, lãng nhân trẻ nhất, người được cử đến thành Ako để đưa tin về cái chết của Kira, được miễn tội.
Cuộc tấn công của 47 lãng nhân bên trong khu vườn dinh thự Kira gần Edo.
Hình ảnh trong phim The Last Ronin.
Ngày 4/2/ 1703, bốn mươi sáu lãng nhân chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm được một đại danh làm người giám sát và chứng kiến trong lễ seppuku. Tất cả họ, 46 lãng nhân thực hiện seppuku cùng một lúc, họ ngã xuống trong danh dự. Thi thể của những lãng nhân này được chôn cạnh chúa Asano ở chùa Tuyền Nhạc Tự/Sengakuji. Trong số 47 lãng nhân trên, còn có con trai của Ōishi là Matsu No Jou, anh vừa mới cưới vợ ngày hôm trước nhưng cũng quyết tâm lên đường theo cha đến Edo trả thù cho chúa.
Một chi tiết đáng chú ý về Ronin thứ 47, bởi đội lãng nhân do Oishi chỉ huy gồm 48 người, trong ngày tập kích chỉ còn 47 , một nguời vắng mặt tên Sempei do lúc lên đường đến Edo, Sempei bị cha ngăn cấm và bắt ở nhà lấy vợ. Vâng lời cha nhưng Sempei rất buồn. Chờ đúng ngày giỗ lãnh chúa Asano, ông đã tự rạch bụng tự tử.
Cạnh mộ Asano và 47 ngôi mộ nhỏ, về sau còn có thêm ngôi mộ thứ 48. Đó là mộ của võ sĩ phiên Satsuma, người đã hiểu lầm và có lần sỉ nhục Ōishi một cách oan uổng (lúc Ōishi giả làm một kẻ say xỉn không quan tâm đến cái chết của chủ nhân).
Ân hận với hành động của mình, Satsuma đã đến ngồi bên mộ Ōishi tự rạch bụng mình. Nghĩa địa đền Sengakuji ngày nay vẫn còn được nhân dân đến thăm viếng với những di tích: giếng rửa đầu Kira, mộ Asano và 48 tấm bia đá.
Thời cực thịnh của những lãng nhân
Ōishi dẫn đầu 46 lãng nhân trả thù cho lãnh chú Asano. Hình ảnh trong phim The Last Ronin.
Về xuất sứ của những Ronin/lãng nhân dưới thời phong kiến Nhật Bản (1185 - 1868), bắt đầu xuất hiện nhiều nhất trong thời kỳ Edo, khi Mạc phủ tịch thu ruộng đất của các daimyo/lãnh chúa đất. Ví dụ điển hình là trường hợp chúa đất Asano nói trên, kéo theo tình trạng xuất hiện hàng loạt những lãng nhân trong xã hội.
Họ là những samurai mất chủ tướng, do bị giết hoặc mất quyền lực, cũng có thể những samurai này bị chủ tướng khước từ hay không còn tin tưởng nữa. Ngoài ra, từ ronin/lãng nhân có nghĩa là con sóng phiêu bạt vô định ngoài đại dương, được bắt nguồn từ thời kỳ Nara và Heian, dùng để chỉ những người mất hoặc từ bỏ lãnh địa của mình. Về sau được dùng để chỉ việc các võ sĩ đạo bị mất lãnh chú hay chủ tướng trong thời chiến.
Sự khác biệt giữa các Samurai và Ronin, đó là một bên có quyền lực, uy tín và tầm ảnh hưởng nhất định, trong khi giới còn lại phải chịu tiếng xấu, là những thành phần bất hảo và là mục tiêu đả kích của xã hội phong kiến. Khi một samurai trở thành một ronin, điều này đồng nghĩa với việc họ không còn bất kỳ quyền hành hay bổng lộc nào, trực tiếp từ lãnh chúa và gián tiếp là từ sự ngưỡng vọng và kính trọng của xã hội.
Cảm giác nhục nhã và tội lỗi đã khiến lãng nhân thứ 48 tự sát trước mộ 47 lãng nhân xưa. Hình ảnh trong phim The Last Ronin.
Khu mộ đền 47 lãng nhân Tuyền Nhạc Tự/Sengakuji
Chính cảm giác nhục nhà và tội lỗi khi một samurai trở thành một lãng nhân, đã được Lord Redesdale ghi lại rằng, một lãng nhân đã tự sát trước mộ của 47 lãng nhân năm xưa cùng lời chăng chối, đã thể hiện thành ý muốn được phục vụ cho lãnh chúa Chōshū nhưng bị khước từ. Vì không đạt được tâm nguyện, lãng nhân này đâm ra chán chường và túng quẫn trước số phận của một Ronin bị khinh rẻ, do đó đã tìm đến cái chết bằng cách kết liễu cuộc đời mình.
Chūshingura và Ronin trong văn học nghệ thuật
Câu chuyện 47 lãng nhân đã trở thành câu chuyện lịch sử anh hùng trong nhân dân Nhật Bản. Nội dung tích truyện trên được lấy làm đề tài cho nhiều vở bi kịch và tiểu thuyết. Trong đó, nhân vật Ōishi trở thành tâm điểm chính của hầu hết các câu chuyện kể lại về sau, gắn liền với biến cố Akō hay dưới dạng tiểu thuyết mang tên Kho tàng các truyện trung nghĩa/Chūshingura.
Về sau, cuốn sách đầu tiên của phương Tây có đề cập đến biến cố Akō là cuốn sách xuất bản sau khi bác sĩ phẫu thuật, học giả, thương nhân và đại sứ người Hà Lan Isaac Titsingh qua đời, với tên gọi Illustrations of Japan (tạm dịch Phác họa Nhật Bản), xuất bản năm 1822.
Tháng 12 là thời gian thích hợp nhất để trình chiếu những tác phẩm về sự kiện lịch sử Chūshingura, đơn giản bởi nó xảy ra vào tháng 12 (theo lịch cổ của Nhật Bản). Cần phải biết, ronin trong văn học nghệ thuật Nhật Bản lúc bấy giờ thường đóng vai trò là những yojimbo hay lính đánh thuê.
Hình ảnh trong bộ phim Jitsuroku Chushigura (1928) của đạo diễn Shōzō Makino.
Phiên bản đầu tiên liên quan đến Chūshingura được chuyển thể lên sân khấu kịch chính là vở kịch kabuki dựng năm 1908, với vai diễn vị ronin thủ lĩnh Ōishi do nghệ sĩ kịch kabuki gạo cội của Nhật Bản Onoe Matsunosuke thể hiện. Về sau, bộ phim Jitsuroku Chushigura (1928) của đạo diễn Shōzō Makino cũng chuyển thể lại biến cố trên, đồng thời là bộ phim kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của ông. Tuy nhiên, phần lớn bộ phim gốc đã bị hỏng do hỏa hoạn, may mắn những thước phim trên đã được phục hồi lại nhờ công nghệ hiện đại.
Năm 1930, một bộ phim của hãng Nikkatsu đã chuyển thể sự kiện trên lên màn ảnh nhỏ, vai diễn Ōishi do nam diễn viên nổi tiếng Ōkōchi Denjirō đảm nhiệm. Về sau, những vai diễn về Ōkōchi Denjirō đều do các nam diễn viên lừng danh của điện ảnh Nhật thủ vai, như Bandō Tsumasaburō trong bộ phim sản xuất năm 1938, Kawarasaki Chōjūrō IV với phim làm năm 1941.
Nam diễn viên nổi tiếng Ōkōchi Denjirō vai Ōishi trong bộ phim của hãng Nikkatsu sản xuất năm 1930.
Hình ảnh trong phim The 47 Ronin (1941) của đạo diễn Kenji Mizoguchi.
Năm 1941, quân đội Nhật ủy quyền cho đạo diễn Kenji Mizoguchi làm bộ phim mang tên The 47 Ronin, họ muốn ông dựng bộ phim với tinh thần mạnh mẽ của 47 lãng nhân dựa trên vở kịch lịch sử/rekishi geki mang tên The Loyal 47 Ronin. Tuy nhiên, Mizoguchi đã chọn vở kịch Mayama Chushingura làm đề tài cho bộ phim trên. The 47 Ronin sau khi ra đời đã thất bại thảm hai về mặt doanh thu, bởi chỉ một tuần sau đó đã xảy ra sự kiện Trân Châu cảng. Bộ phim trên mãi đến thập niên 70 mới được trình chiếu ở Mỹ.
Những năm sau đó, Tư lệnh Tối cao các nước đồng minh (SCAP) đã cấm việc trình diễn phim ảnh, kịch nghệ liên quan đến câu chuyện trên, bởi cho rằng nó đồng nghĩa với tuyên truyền cho thời phong kiến. Năm 1947, lệnh cấm trên mới được rỡ bỏ, bộ phim đầu tiên về vị ronin thủ lĩnh Ōishi của đạo diễn Chiezō Kataoka lần đầu ra mắt khán giả vào năm 1952.
Một thập niên sau, bộ phim mang tên Chushingura: Hana no Maki, Yuki no Maki của đạo diễn Hiroshi Inagaki do hãng Toho sản xuất, với vai diễn Ōishi Kuranosuke do nam tài tử Matsumoto Kōshirō thủ vai, trong khi nữ diễn viên Setsuko Hara vào vai Riku, phu nhân xinh đẹp của ronin thủ lĩnh Ōishi.
Thủ lĩnh Ōishi Kuranosuke của Matsumoto Kōshirō, trong phim Chushingura: Hana no Maki, Yuki no Maki (1962).
Bìa phim Chushingura: Hana no Maki, Yuki no Maki (1962) của đạo diễn Hiroshi Inagaki.
Seven Samurai, một trong hai tác phẩm điện ảnh nổi tiếng về đề tài Ronin của Akira Kurosawa.
Đáng kể nhất có thể kể đến hai bộ phim Seven Samurai và Yojimbo của đạo diễn Akira Kurosawa, hai tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất của thể loại jidaigeki (phim dã sử) về đề tài Ronin. Ngoài ra, Ronin còn xuất hiện trong game Đế chế/Age of Empires III (trò chơi miêu tả về thời kỳ thuộc địa hóa châu Mỹ của 8 quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga) sản xuất năm 2005.
Các phim hoạt hình như Tsukikage Ran (kể về một nữ Ronin), Samurai Champloo, Rurouni Kenshin, hay phim hoạt hình Ronin Warriors. Đặc biệt game Final Fantasy X (2001) với sự xuất hiện của một vài chiến binh Ronin, trong đó đóng vai trò chính yếu nhất là hai nhân vật Auron và Yojimbo. Năm 2010, bộ phim Saigo no Chūshingura hay The Last Ronin của đạo diễn Schigemichi Sugita với vai diễn Ōishi do nam tài tử Kataoka Nizaemon XV thủ vai.
Với điện ảnh phương Tây, khán giả bắt gặp hình ảnh các Ronin trong phim Man with No Name (2008) do nam tài tử Hollywood Clint Eastwood thủ vai nam chính, một hình ảnh gần gũi nhất với các Ronin ở Nhật Bản.
Hãng 20th Century từng sản xuất bộ phim mang tên Ronin (1998), đạo diễn John Frankenheimer dàn dựng. Kể về những điệp viên trong thời kì chiến tranh lạnh, những người này nhận ra rằng, họ thực chất không chiến đấu vì một mục đích nào cả, đơn thuần họ chỉ đang đấu tranh giành lây sự sinh tồn và tìm kiếm vinh quang.
47 Ronin của Hollywood báo hiệu là phim bom tấn cuối năm 2013.
Trailer phim 47 Ronin.
Mới đây nhất, bom tấn Hollywood mùa phim cuối năm 2013 mang tên 47 Ronin của hãng Universal Pictures, do đạo diễn Carl Erik Rinsch dàn dựng, nam tài tử Keanu Reeves thủ vai samurai tên Kai, mang hai dòng máu Nhật - Anh với sứ mệnh trả thù cho lãnh chú đã mất. Bên cạnh ngôi sao Ma trận, phim còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi đến từ đất nước Mặt trời mọc như nữ diễn viên của Pacific Rim và Rừng Na Uy là Rinko Kikuchi, Hiroyuki Sanada, Tadanobu Asano, Kô Shibasaki và Jin Akanishi. Phim chính thức công chiếu ngày 6/12/2013 tại thị trường Nhật Bản và ngày 25/12/2013 ở Bắc Mỹ.
Thể loại tiểu thuyết về đề tài Chūshingura được ghi nhận với cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1927 của tác giả Jirō Osaragi, là cảm hứng cho bộ phim truyền hình Akō Rōshi (1967) cũng về đề tài các Ronin. Các nhà văn như Eiji Yoshikawa, Seiichi Funahashi, Futaro Yamada, Kōhei Tsuka và Shōichirō Ikemiya cũng có tác phẩm viết về đề tài trên.
Vở ba-lê về đề tài 47 Ronin của biên kịch Maurice Béjart mang tên The Kabuki.
Ngoài ra, một vở ba-lê của vũ công Maurice Béjart mang tên The Kabuki được dựng dựa theo truyền thuyết Chūshingura, ra mắt công chúng năm 1986. Năm 2006, vở ba-lê này đã hoàn thành công diễn 140 suất diễn tại 14 quốc gia trên toàn thế giới
Ngày nay, khái niệm rōnin vẫn còn được sử dụng ở Nhật để chỉ những ai trượt trong kì thi tuyển vào đại học. Thói quen dùng từ này xuất phát từ việc họ không theo một trường lớp nào cả, cũng giống như một lãng nhân không có chủ tướng để phục vụ.
Đề tài về 47 Ronin hay Chūshingura đã trở thành những từ phổ biến trong xã hội Nhật ngày nay, nhắc nhở người ta nhớ đến những vị lãng nhân trung thành với chủ tướng, tới tinh thần quả cảm của những võ sĩ đạo thời phong kiến. Tinh thần ấy, đã ăn sâu vào máu thịt cũng như lối sống của người dân Nhật Bản hiện đại, ảnh hưởng sâu sắc và trở thành lối sống và niềm tự hào dân tộc của người dân đất nước Mặt trời mọc.