3 phim gây choáng và tranh cãi nhất 2013
Bởi cả ba phim đều chứa nhiều cảnh tình dục và bạo lực gây sốc.
Blue Is The Warmest Color
Blue Is the Warmest Color là tác phẩm của nhà làm phim người Pháp Abdellatif Kechiche. Cuối tháng 5, bộ phim giành giải Cành Cọ Vàng - một trong những giải thưởng điện ảnh đẳng cấp nhất hành tinh. Và ngay khi đó, phim đã gây tranh cãi trong giới phê bình và những người đã từng xem phim tại Cannes vì những cảnh làm tình giữa hai nhân vật đồng tính nữ quá dài, quá nặng và quá sốc.
Cảnh trong phim Blue Is The Warmest Color
Chuyện phim tâm lý dài ba tiếng kể cuộc đời của cô thiếu nữ người Pháp Adele và mối tình thăng trầm qua nhiều năm tháng với người tình đồng giới Emma tóc xanh.
Phim bắt đầu từ khi Adela 15 tuổi, không hề biết rằng trên đời lại có chuyện con gái sẽ đi chơi cùng con trai. Cuộc đời của cô đảo lộn hoàn toàn vào đêm cô gặp Emma tại một quán bar gay. Từ đây, Emma dìu dắt cô khám phá tính dục bản thân, khám phá bản thể nữ tính trong cô và cô trở thành người lớn. Đối diện với những người khác, Adele trưởng thành, tìm kiếm bản thân, đánh mất chính mình và tìm lại bản thể.
Phim được chia làm hai phần phim rõ rệt. Phần đầu khi Adele ở tuổi vị thành niên và băn khoăn đi xác định giới tính của mình. Nửa sau phim kể chuyện Adele và Emma khi họ đã về sống chung với nhau.
Ban giám khảo đứng đầu là đạo diễn Mỹ danh tiếng Steven Spielberg nhận định rằng đạo diễn Abdellatif Kechiche, đạo diễn người Pháp gốc Tunisia, là người rất tinh tế và có tài quan sát, đã mang lại một bộ phim khiến nhiều người phải biết ơn vì để cho những người đồng tính được sống và được yêu.
Tuy nhiên, chính các nhà phê bình cũng sốc với những cảnh làm tình quá nóng bỏng khiến bất kỳ ai xem cũng phải nóng ran người. Đặc biệt, có cảnh phim “không hề che chắn gì” kéo dài gần hai mươi phút mô tả việc làm tình cuồng nhiệt giữa hai nữ nhân vật chính của phim, được thủ vai bởi Lea Seydoux và Adele Exarchopoulos. Cảnh này khiến khán giả “không còn gì để tưởng tượng.”
Câu chuyện tình yêu đồng giới gây tranh cãi nhất lịch sử Cannes
Một đoạn phê bình viết: "Hai nữ diễn viên chính cũng đóng vai rất xuất sắc, ngay cả những cảnh làm tình “thổi tung” trí óc người xem. Có rất nhiều cảnh trong đó họ ở tư thế hở toàn thân, oằn mình trong “hạnh phúc”, khám phá từng centimet cơ thể của nhau."
Trong suốt buổi công chiếu phim tại Cannes, khán giả ngồi chết lặng và xem như thể được một buổi “rửa mắt” với những cảnh chăn gối trên màn ảnh lớn. Có nhà phê bình khẳng định: “Phim gần như là một chiến thắng đầy nhục cảm tại Cannes năm nay!”
Từ sau khi nhận giải, mối quan hệ bất hòa giữa cả ba càng tăng lên
Kể từ tháng 5 tới nay, mối quan hệ giữa đạo diễn và 2 diễn viên chính, Lea Seydoux và Adele Exarchopoulos trở thành mối bất hòa dai dẳng trên báo chí. Hai nữ diễn viên công khai bày tỏ đã cảm thấy quá xấu hổ kể từ sau khi đóng phim. Còn đạo diễn Abdellatif Kechiche đầy bản lĩnh luôn khẳng định chân giá trị của thước phim của mình.
Cannes vốn được là LHP đẳng cấp nhất hành tinh, nơi Ban giám khảo của Cannes sẵn sàng bất chấp tất cả, đi ngược lại với tất cả để trao giải cho một bộ phim phá cách nhất. Đây là một lịch sử của Cannes.
"Màu Xanh Là Màu Ấm Nhất" thật sự là bộ phim đáng bàn
Một phim Nhật từng gây tranh cãi vô cùng dữ dội tại Cannes năm 1976 và cũng giành giải Cành Cọ Vàng là In The Realm Of Senses (Trong Vương Quốc Nhục Cảm), trong đó cặp đôi nhân vật chính nam nữ "hở" hết sạch và làm tình đủ mọi tư thế từ đầu tới cuối phim.
Nhưng mãi về sau, giới phê bình và công chúng mới hiểu được rằng In The Realm Of Senses là tác phẩm đầu tiên lột tả mọi bản chất của tình dục ở loài người mà không một bộ phim nào từng làm được. Với Cannes, không có gì là bất khả!
Moebius
Moebius của đạo diễn Kim Ki Duk bắt đầu bằng bi kịch của một người chồng ngoại tình, sau đó người vợ không cắt được được của quý của chồng để trả thù đã quyết cắt của quý của con trai chung của họ rồi chạy trốn.
Người chồng biết rằng tất cả mọi việc đều do mình nên nguyên ông luôn cố gắng làm tất cả mọi việc vì đứa con trai bất hạnh. Tuy nhiên, người con dần dần trở nên tự kỷ vì không thể chịu đựng nổi cái nhìn ghẻ lạnh của xã hội và những người bạn trong trường. Sau cùng, người cha quyết định tự cắt bỏ bộ phận sinh dục của mình – nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh của gia đình.
Hai người đàn ông cùng sẻ chia nỗi đau giống nhau đã dần trở nên gần gũi. Cũng chính lúc đó, người phụ nữ bỏ nhà đi ngày nào đột nhiên quay trở lại và gia đình ba người lại bước vào xung đột của sự đổ vỡ.
Poster phim Moebius
Ngôn ngữ thể hiện trong Moebius rất gai góc, đậm chất Kim Ki Duk. Nó mang tính dục, tính bạo lực và ngay cả yếu tố tinh thần và thể xác cũng được bạo lực hóa. Cảnh cắt “của quý” xuất hiện nhiều lần trong phim và cảnh miêu tả quan hệ tình dục giữa những người trong cùng quan hệ gia đình được dựng lên một cách mơ hồ như trong mơ.
Ủy ban kiểm duyệt phim Hàn đã hai lần đưa ra phán quyết đối với Moebius. Lần đầu tiên cấm phim chiếu tại Hàn, lần thứ hai yêu cầu cắt những cảnh sốc nặng và dán mác giới hạn người xem dưới 18 tuổi.
Lý do Hội đồng kiểm duyệt văn hóa đưa ra vào ngày 1/6 là vì phim của Kim Ki Duk có ảnh hưởng xấu đến xã hội: “Trong nội dung và phương thức thể hiện, phim có những nội dung độc hại đối với thanh thiếu niên trong phần chủ đề, tính bạo lực, kinh dị, sự vi phạm về thuần phong mỹ tục. Phim có cách thể hiện phi đạo đức, trái xã hội khi miêu tả quan hệ tình dục trong cùng huyết thống”.
Một cảnh trong phim Moebius
Đạo diễn Kim Ki Duk đã buộc lòng phải rút bỏ khoảng 2 phút 30 giây trong cảnh 18+ nhưng trước sau ông luôn khẳng định đó là cảnh quan trọng nhất, được ví như “trái tim của cả bộ phim”. Khi xem Moebius, khán giả không khó để cảm nhận thấy cảnh quay đã bị cắt trước khi ra rạp.
Sau đó có dư luận trái chiều từ công chúng tới nỗi đạo diễn Kim Ki Duk thốt lên: “Người Hàn coi tôi là quái thú”. Phim sau đó được mời trình chiếu ở LHP Venice tại hạng mục SALA PERLA, hạng mục không tranh giải vào tháng 9 vừa qua.
Bụi đời Chợ Lớn
Từ một bộ phim được mong chờ ở đầu mùa hè 2013, Bụi Đời Chợ Lớn cuối cùng đã trở thành dự án phim gây tranh cãi nhất năm 2013, thậm chí nhất từ trước tới nay trong nước.
Cảnh trong phim Bụi Đời Chợ Lớn
Phim được dự kiến ra rạp vào ngày 19/4. Ngày 1/4, Cục Điện Ảnh gửi công bố quyết định hoãn chiếu bởi theo hội đồng kiểm duyệt, bộ phim có những cảnh “kích động bạo lực, phản ánh sai lệch hiện thực TP Hồ Chí Minh, khu vực Chợ Lớn”, và 2 lần vi phạm Luật Điện ảnh. Hội Đồng Trung Ương Thẩm Định Phim Truyện - Cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà sản xuất và đạo diễn quay và dựng lại nhiều cảnh, để Bụi đời Chợ Lớn phù hợp hơn với văn hóa phương Đông.
Bà Ngô Phương Lan, thành viên Hội đồng thẩm định và Cục điện ảnh, cho biết, Hội đồng chỉ yêu cầu chỉnh sửa bộ phim chứ không có nghĩa vụ phải chỉ rõ phim cần chỉnh sửa ở đâu, chỉnh sửa như thế nào vì như thế là can thiệp vào quá trình sáng tạo của nhà làm phim.
Khi nhận được quyết định này, ekip sản xuất phim bất ngờ. Đạo diễn Charlie Nguyễn khi đó khẳng định bộ phim không vi phạm Luật điện ảnh. Phản biện lại việc Cục điện ảnh khuyến cáo việc Bụi đời Chợ Lớn sử dụng quá nhiều cảnh bạo lực và phản ánh sai lệch hiện thực tại TP.HCM.
Charlie Nguyễn cho hay: "Tôi đã đọc Luật điện ảnh, điều 23 nói về bạo động trong phim. Tôi hiểu rõ luật pháp thế nào và đồng ý, ủng hộ 100%. Tất nhiên cái gì là vi phạm luật pháp thì mình đã tránh rồi. Mình nhìn theo điều 23 Luật Điện ảnh về bạo lực, căn cứ vào đó thì thấy mình không phạm luật. Nhưng có thể khi xem phim, mỗi người lại suy diễn một kiểu?”
Vị đạo diễn này khẳng định thêm: "Bụi đời Chợ Lớn thuộc thể loại hành động võ thuật giả tưởng về giới giang hồ như một phim giải trí thông thường.”
Phim bị cấm ra rạp ở Việt Nam và không phát hành trên thế giới
Trong khi hãng sản xuất mang bản dựng phim đã chỉnh sửa lên hội đồng thẩm định để duyệt lại và chờ quyết định cuối, một thông tin được tiết lộ thêm rằng kịch bản phim ban đầu có tên tiếng Anh là Chinatown. Thông tin cũng tiết lộ thêm, trong văn bản phản hồi đầu tiên sau khi giám định kịch bản phim Bụi đời Chợ Lớn, Cục Điện ảnh cho rằng không được lấy cái tên Chinatown vì không có địa danh như vậy ở Việt Nam.
Ekip của phim giải thích: "Từ Chinatown trong tiếng Anh có nghĩa là khu phố có nhiều người gốc Hoa làm kinh doanh. Trên thế giới gần như thành phố lớn nào cũng có. Người nước ngoài cũng thường gọi khu Chợ Lớn của thành phố mình là Chinatown".
Bụi Đời Chợ Lớn lên các trang báo quốc tế
Đầu tháng 6, sau hơn 2 tháng dư luận dai dẳng, số phận bộ phim được quyết định. Bản phim cuối cùng đem đi duyệt dù đã cắt bỏ một số cảnh bạo lực, đẫm máu và thêm một số nội dung nhưng khi chiếu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cùng với lãnh đạo Thành ủy TP HCM và một số đơn vị liên quan xem thì vẫn không thể thống nhất cho bộ phim ra rạp.
Ekip thực hiện bộ phim kinh phí gần 16 tỷ đồng sốc khi nhận quyết định. Một thời gian ngắn sau, bản dựng thô của bộ phim bị rò rỉ. Trong khi đó, Ekip làm phim bắt đầu với dự án phim Tèo Em tiếp theo, sẽ ra mắt vài ngày tới.