"Vỡ mộng" sau 3 năm bỏ thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng ở phố để về quê
Nhiều gia đình trẻ do quá áp lực với cuộc sống thành phố, đã có kế hoạch chuyển về quê “làm lại từ đầu”. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương thành công nhưng cũng có không ít gia đình sau khi chuyển về quê, lại tỏ ra tiếc nuối bởi ở quê cuộc sống “không như là mơ”.
Vỡ mộng khi “bỏ phố về quê” vì nghĩ chi phí ít hơn
Làm việc tại thành phố thu nhập hai vợ chồng hơn 20 triệu/tháng, cho rằng không có tương lai anh Đặng Văn Hùng (37 tuổi, Hà Nam) động viên vợ cùng khăn gói, đưa 2 con chuyển hướng về quê “khởi nghiệp”. Tuy nhiên, sau gần 3 năm ở quê kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát đến nay, sau khi 2 lần “xoay”việc vẫn không thể phát triển, anh Hùng tỏ ra chán nản.
“Cứ tưởng về quê chi phí sẽ rẻ hơn thành phố, nhưng thực tế ở quê có rất nhiều khoản phải chi. Mỗi tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng 15 triệu chỉ đủ tiêu” - anh Đặng Văn Hùng (Hà Nam).
Anh Hùng chia sẻ, ngày chưa dịch, vợ chồng anh và 2 con cùng thuê trọ sinh sống tại Bình Dương. Hàng ngày vợ làm nhà máy, anh chạy xe taxi. Tổng thu nhập của hai vợ chồng không cao, khoảng hơn 20 triệu/tháng.
“Sau khi trừ tiền sinh hoạt, thuê nhà và tiền học của hai con, mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm khoảng 5 – 7 triệu. Khi dịch bùng phát, thu nhập giảm, cuộc sống bấp bênh nên tôi quyết định chuyển cả gia đình về quê sinh sống và làm việc.
Theo đánh giá, nhiều chi phí ở quê cũng không kém gì khi ở các thành phố lớn
Về quê sẵn nhà, vườn, con trẻ học hành cũng rẻ hơn phố. Quê nhà cũng có một vài nhà máy công xưởng, khi về quê vợ tôi cũng có việc làm luôn với thu nhập 6 – 8 triệu/tháng, tất nhiên để đạt thu nhập trên 7 triệu thì hàng tháng phải làm thêm 9 -10h/ngày. Bản thân từng lái taxi, khi về quê tôi cũng nhanh chóng xin được công việc lái xe tải với tiền công 300 nghìn/ngày. Tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 15 triệu/tháng” – anh Hùng cho hay.
Theo anh Hùng, cuộc sống ở quê khá yên bình, nhưng với khoản tiền trên thì cũng chỉ đủ chi tiêu gia đình với 2 con nhỏ. Nhưng, điều đáng nói là mặt trái cuộc sống ở quê có lẽ chỉ những ai từng ở mới rõ điều này. Do bà con, họ hàng đều ở quanh làng nên công việc hiếu hỉ, giỗ, lễ, hội hè diễn ra thường xuyên và khi đã có công việc như vậy thì không thể vắng mặt.
Chỉ tính riêng trong tháng 8 âm lịch vừa qua, anh Hùng đã đi dự 5 đám trong đó có 2 đám cưới, một đám giỗ, một đám khánh thành nhà mới và 1 đám hiếu. Điểm đáng nói, có những công việc như đám cưới, đám hiếu,... diễn ra trong vài ngày và đều không thể thiếu nhậu, “chén chú chén anh”.
“Đương nhiên, những ngày “đi cỗ” tôi sẽ phải nghỉ làm. Tiền công thì giảm trong khi tiền lễ lạt liên miên, tháng nào cũng vài lần, có tháng cao điểm tiền đi cỗ tới 3,5 triệu.
Cứ nghĩ ở quê mọi thứ chi tiêu sẽ giảm hơn nhiều so với phố. Sau gần 3 năm ở quê, dù vườn rộng nhưng đi làm tối ngày nên rau, thịt, trứng, gạo chúng tôi đều phải mua, đám thứ rất nhiều trong khi thu nhập hạn chế nên vợ chồng tôi không thể dành tiền tiết kiệm” – ông bố 37 tuổi chia sẻ.
Anh Hùng cho biết có tháng cao điểm chi tới 3,5 triệu đồng để đi dự các đám cỗ ở quê, chiếm một phần lớn thu nhập của gia đình
“Sau gần 3 năm ở quê, 2 lần “xoay” việc, hiện tôi đang cân nhắc có lẽ sẽ để vợ con ở quê và một mình tôi lên phố đi làm cải thiện thu nhập” – Anh Hùng nói thêm.
Mới đây, xưởng nơi anh Hùng làm tạm dừng sản xuất do ít việc, anh quyết định mua xe ô tô riêng nhận chạy dịch vụ song do lượng khách ở quê không nhiều và đặc biệt vẫn liên miên “đi cỗ” nên anh cho biết, đang cân nhắc có lẽ sẽ để vợ con ở quê và một mình anh lên phố chạy xe dịch vụ. "Ở quê thì công việc bấp bênh, giờ mà lên phố thì mình chấp nhận phải xa gia đình. Bạn nào có ý định về quê, nên cân nhắc kỹ. Chuyện về quê của gia đình tôi là một ví dụ” – anh Hùng nói thêm.
Tương tự, chị Hoàng Thị Yên (Hòa Bình) chia sẻ: “Tôi đang rơi vào trầm cảm vì có quá nhiều khó khăn, áp lực sau hơn 1 năm ở quê”. Chị Yên và chồng đều cùng quê ở Hòa Bình, chồng chị Yên là con trai trưởng trong gia đình. Nhà cửa, ao vườn đều đã được bố mẹ chồng gây dựng – cơ ngơi đó là niềm mơ ước của nhiều người trong họ hàng.
“Về quê, nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó khăn” - chị Hoàng Thị Yên (Hòa Bình)
Hơn một năm trước, mẹ chồng chị bị tai biến không có người chăm nuôi khiến chồng chị lo lắng. Vào một buổi tối, chồng chị đề nghị cả nhà chuyển về quê sinh sống “các con có môi trường trong lành, lại thuận tiện săn sóc bố mẹ lúc ốm đau” –chị Yên nhắc lại lời của chồng đồng thời cho hay vì bố mẹ chồng chỉ có chồng chị là con duy nhất, nên đúng là vợ chồng chị không thể bỏ mặc được ông bà khi ốm đau.
Theo chị Hoàng Thị Yên, về quê nghĩ thì dễ nhưng để bắt tay vào làm thì có rất nhiều khó khăn
“Thời gian đó, tôi đã suy nghĩ, đắn đo, phân tích thiệt hơn rất nhiều. Thấy chồng vất vả, chạy ngược chạy xuôi chăm bố mẹ già, tôi tìm hiểu qua từ một số bạn bè và mềm lòng đồng ý đưa con nhỏ chuyển về quê cùng anh.
Tôi đã mất ngủ suốt cả tháng trời để vạch ra kế hoạch cụ thể cho cuộc sống mới. Nhờ có một số tiền tiết kiệm khá lớn, cộng với tiền bán căn hộ chung cư ở thành phố, chúng tôi mua 2 mảnh đất rộng ở quê để trồng mía, kinh doanh vườn rau sạch. Song, nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó khăn. Lúc đầu, chúng tôi thuê người chăm sóc nhưng rau bán ra chẳng đủ bù tiền công, tiền phân. Lần đầu khởi nghiệp bằng cách trồng rau, tôi đã thất bại vì thiếu kinh nghiệm trong quản lý nhân sự và kinh nghiệm trồng trọt gần như bằng 0 khi chỉ học qua sách vở. 2 rẫy mía cũng tương tự số phận như thế càng làm tôi càng nản lòng hơn” – chị Yên chia sẻ.
“Tôi đã bán nhà và tiêu hết khoản tiền tiết kiệm để đầu tư ở quê. Sau hơn 1 năm ở quê, tôi rơi vào trầm cảm vì có quá nhiều khó khăn, áp lực” – chị Yên (Hòa Bình).
Sau đó, để tiết kiệm tiền, vợ chồng chị Yên chỉ dám thuê nhân công trong những công đoạn quan trọng, còn lại thì tự làm. “Thức khuya dậy sớm, mày mò học hỏi, tôi nhanh chóng già đi vì phải liên tục tính toán tiền nong đầu tư và sinh lời hoặc dừng lại. Chuyện tiền bạc trở thành vấn đề nhạy cảm khiến cả 2 cãi nhau nhiều lần.
Sau hơn 1 năm mà tôi rơi vào trầm cảm vì có quá nhiều khó khăn, áp lực. Hiện nay, mẹ chồng tôi cũng đã có thể tự đi lại. Tôi muốn bàn với chồng trở về thành phố. Giờ đây, nhà đã bán rồi, nếu về thành phố, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới mua nổi căn nhà nữa?", chị Yên buồn rầu nói thêm.
Vẫn có những người thành công khi bỏ phố để về quê
Bên cạnh những người “vỡ mộng” khi bỏ phố về quê, thì cũng có những người đã gặt hái được thành công với quyết định rời chốn phồn hoa đô thị của mình.
Chia sẻ về quyết định về quê để sinh sống, chị Phương Thanh (Thái Nguyên) cho biết: “Hai vợ chồng tôi chuyển về quê ở hơn 4 năm. Có lẽ đây là quyết định đúng đắn nhất của hai vợ chồng. Chồng tôi là dân công nghệ, về quê cũng xin được công việc tại các nhà máy luôn. Tôi làm về dịch vụ vé máy bay, đa số làm việc trên máy tính và dựa vào mối quan hệ của mình.
“Hai vợ chồng tôi chuyển về quê ở hơn 4 năm. Có lẽ đây là quyết định đúng đắn nhất của hai vợ chồng” - Phương Thanh (Thái Nguyên).
Một năm đầu khi mới về tôi ở chung bố mẹ chồng, sau chúng tôi thuê nhà mở văn phòng và ở riêng tại đó. Ở đâu cũng có thuận lợi và khó khăn riêng. Về quê, công việc ít hơn ở phố và thu nhập sẽ thấp hơn nhưng tiền thuê nhà cũng rẻ. Vẫn còn nhiều gian nan, nhưng mình nghĩ nếu đã quyết định thì hãy chủ động đối diện và tìm cách xoay sở” – chị Yên chia sẻ.
Tương tự, anh Ban (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng chia sẻ sau 10 năm ở Hà Nội, năm 2022 gia đình anh đã đã quyết định bán chung cư đang ở để về quê. Hàng ngày anh đi làm 30km, dù hơi xa nhưng vẫn cảm thấy tốt hơn nhiều so với trước. Anh Ban chia sẻ, ở quê, mọi thứ đều có chỉ là không đa dạng như trong nội thành. Nhưng đáp ứng được 80% nhu cầu như lúc ở nội thành, đổi lại có nơi ở rộng và yên tĩnh, đặc biệt 2 con được gần ông bà, mỗi ngày được ông bà đưa đón đi học.
Sau gần 6 năm bỏ phố về quê, đến nay anh Phạm Văn Long đã xây dựng cho mình một doanh nghiệp được nhiều người biết đến với hàng chục lao động thường xuyên
“Nếu ai đó còn cân nhắc lựa chọn giữa phố và quê, theo mình, mọi người nên tìm hiểu kỹ nơi mình sinh sống, công việc mình sẽ làm, trường lớp của các con,... rồi mới đưa ra quyết định về quê. Thực tế, để mà xét hết các mặt về kinh tế, chính trị, xã hội, gia đình thì còn phụ thuộc vào từng địa phương cũng như thế mạnh của mỗi người. Nhưng, có làm mới biết được” anh Ban nói.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Long (Nghệ An) chia sẻ đã trải qua nhiều khó khăn trong quyết định bỏ mức lương cao ở thành phố để về quê khởi nghiệp. Đến nay qua gần 6 năm doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngũ cốc của anh đang dần được nhiều người biết đến, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, Long quyết định hợp tác với nông dân ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) để phát triển cánh đồng liên kết trồng các loại đậu. Anh xây dựng nhà xưởng 600 m2 trên khu đất 1.500 m2 ngay tại quê nhà, sử dụng công nhân làm việc toàn thời gian.
Doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn 50%/năm, hiện nay đã tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động. Các sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng của anh đã có mặt trên toàn quốc với hơn 200 đại lý, cửa hàng. Chia sẻ về những dự định tương lai, Phạm Văn Long cho biết sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương trong thời gian tới.
Phải chuẩn bị kỹ nhiều thứ nếu muốn “bỏ phố để về quê”
Sẽ rất khó để khẳng định bỏ phố về quê là thành công hay thất bại, bởi nó tùy thuộc vào điều kiện, khả năng và sự may mắn của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn đã quá mệt mỏi với cuộc sống ở thành phố, muốn tìm một hướng đi mới trong cuộc đời, và có đủ niềm tin và ý chí, về quê lập nghiệp có lẽ không phải lựa chọn tồi.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân - Chuyên gia tư vấn TRIZ, Thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia lưu ý: “Muốn thành công dù trong bất cứ lĩnh vực gì, ở bất cứ nơi nào thì các bạn vẫn luôn phải nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ. Vì môi trường làm việc bây giờ biến động rất nhanh và rất mạnh. Nếu không liên tục học hỏi những kỹ năng mới thì các bạn sẽ rất khó thích ứng”.
Nhiều thứ ở quê không sẵn có như ở thành phố, nhiều thứ phải tự trồng, chăm sóc, do đó những người trẻ cần xác định thật kỹ trước khi trở về
“Nhiều thứ ở quê không sẵn có như ở thành phố. Trước khi quyết định “bỏ phố về quê”, lao động trẻ cần xác định rõ làm gì, như thế nào và phải có cơ sở làm ăn, kỹ năng nhất định để phát triển tương lai, đồng thời phải sẵn sàng chấp nhận thách thức và thất bại” - bà Bùi Thị Thủy Tiên, sáng lập và điều hành Vườn ươm Khởi nghiệp Việt.
Từng trao đổi về xu hướng "bỏ phố về quê" lập nghiệp, bà Bùi Thị Thủy Tiên, sáng lập và điều hành Vườn ươm Khởi nghiệp Việt, cho rằng làn sóng khởi nghiệp đang tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ cho giá trị cao, đủ sức cạnh tranh và nhiều người đã thành công.
Bà Tiên cho rằng khởi nghiệp là một hành trình chứ không phải là phong trào. Hành trình đó bao gồm các giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và cho kết quả tích cực. “Không có hành trình khởi nghiệp nào bằng phẳng, mà luôn đầy trắc trở. Nhưng nếu vượt qua được tất cả để cho ra thị trường được sản phẩm, dịch vụ và được đón nhận thì đó là trái ngọt đầu tiên" - bà Tiên đúc kết.
Cũng theo bà Tiên, giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn quan trọng nhất của người trẻ "bỏ phố về quê", bởi nhiều thứ ở quê không sẵn có như ở thành phố. Trước khi về quê, lao động trẻ cần xác định rõ làm gì, như thế nào và phải có cơ sở làm ăn, kỹ năng nhất định để phát triển tương lai, đồng thời phải sẵn sàng chấp nhận thách thức và thất bại.
“Các bạn trẻ có thể kết hợp bán hàng online hoặc nhận các công việc phụ về làm để tăng thêm thu nhập”- Phương Thanh (Thái Nguyên).
Đặc biệt, theo chia sẻ của chị Phương Thanh để có thể sống tốt ở quê, chị đã phải kết hợp làm nhiều công việc cùng lúc. Ngoài công việc chuyên môn là bán vé máy bay, chị đã nhận bán thêm thực phẩm, đồ ăn nhanh. “Các bạn trẻ có thể kết hợp bán hàng online hoặc nhận các công việc phụ về làm để tăng thêm thu nhập”- Phương Thanh chia sẻ.