Vợ chồng trẻ lương 6 triệu đồng/tháng vẫn có nhà tiền tỷ ở Hà Nội sau 5 năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

“Nếu không cố gắng, cứ an phận sáng dắt xe đi làm, tối về nhà với mức lương văn phòng 6 triệu đồng/người/tháng giấc mơ có chốn an cư ở Hà Nội quả thật quá xa vời”.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi), trú tại Hà Nội về hành trình sở hữu nhà đất trị giá hàng tỷ đồng sau mức lương văn phòng 6 triệu đồng/người/tháng của hai vợ chồng chị.

Chị Hằng cho biết, hai vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ, đi học rồi đi làm công ăn lương ở Hà Nội. Lúc hai người yêu nhau, lương của chị chỉ 6 triệu đồng/tháng, chồng chị làm kỹ thuật công trình với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi gặp và yêu nhau khoảng 1 năm, khi đủ hiểu và tin tưởng nhau thì hàng tháng, được bao nhiêu tiền lương anh ý đưa cho tôi giữ hết để lấy tiền làm đám cưới. Đám cưới xong, trừ các chi phí đi thì hai vợ chồng còn để ra được 75 triệu đồng”, chị Hằng kể.

Tìm thuê một căn phòng trọ với giá 1,4 triệu đồng/tháng, chưa có con nên ngoài công việc văn phòng, chị Hằng bắt đầu đi học một khóa cắt may cơ bản. Vừa học, chị vừa mày mò và tham gia các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm may vá, móc len.

Ngoài thời gian đi làm công ty, chị Hằng còn nhận may, đan, móc và bán len.

Ngoài thời gian đi làm công ty, chị Hằng còn nhận may, đan, móc và bán len.

Nhờ chăm chỉ tìm tòi, chị đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên, từ may áo đôi, váy văn phòng đến đồng phục hội nhóm.

Tiền lương của hai vợ chồng chỉ 12 triệu đồng/tháng nhưng chị Hằng dành để tiết kiệm trong tài khoản, không động đến. Chi phí ăn uống, nhà trọ, sinh hoạt, chi tiêu toàn bộ là tiền chị làm thêm từ công việc may vá.

“Năm đó là năm 2014, người đặt hàng may của tôi đông lắm. Đi làm về là tôi lao vào đạp máy may, cuối tuần cũng không đi chơi, ngồi miết từ sáng đến tối. Chồng tôi đi làm về là phụ vợ cơm nước, giặt giũ, dọn nhà cửa, ship hàng để cho vợ có thời gian may. Thu nhập từ may thuê của tôi còn cao hơn cả lương văn phòng”, chị Hằng kể.

Lương không được là bao nhưng vào năm 2015, chị Hằng nhận được khoản tiền thưởng gần 60 triệu đồng. Chồng chị làm dự án, cuối năm cũng được công ty thưởng 75 triệu đồng.

Tiền lương mỗi năm anh chị tiết kiệm được khoảng 150 triệu đồng, thêm khoản thưởng Tết năm trước, số tiền trong tài khoản của anh chị sau 2 năm cưới nhau đã được 400 triệu đồng nên quyết định tìm mua đất.

Mặc dù chị Hằng làm việc tận Thanh Xuân, chồng chị làm ở Cầu Giấy nhưng anh chị vẫn chọn tìm mua đất ở Hoài Đức (Hà Nội) vào năm 2016.

“Năm đó tôi đang bầu đứa con đầu tiên, bụng to lắm mà vẫn máu đi xem đất các chỗ. Cuối cùng, ưng một mảnh 40m2 ở thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội), có 2 mặt tiền thoáng, ngõ rộng mà giá chỉ 780 triệu đồng”, chị Hằng kể.

Số tiền còn thiếu, chị Hằng được em gái chồng và anh trai mình cho vay toàn bộ, không mất lãi.

Nhờ chi tiêu hợp lý và nỗ lực, hai vợ chồng đã mua đất, xây nhà.

Nhờ chi tiêu hợp lý và nỗ lực, hai vợ chồng đã mua đất, xây nhà.

Tiếp tục đi thuê trọ lấy tiền trả nợ và cóp tiền xây nhà, vợ chồng chị Hằng vẫn tiết kiệm toàn bộ tiền lương và thưởng trong tài khoản không động đến.

Khoảng 3 năm sau, tiền lương của chị Hằng tăng lên 8,5 triệu đồng/tháng, lương chồng chị tăng lên 9 triệu đồng/tháng. Ngoài may vá, chị Hằng còn đan móc hoa, giày dép, quần áo len để bán và nhập thêm len phân phối online.

Khi trong tài khoản tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, vợ chồng chị Hằng mang trả tiền cho em gái và anh trai nhưng cả hai đều nói chưa cần đến. Vì vậy, hai anh chị quyết định xây nhà.

“Vợ chồng tôi dự định xây căn nhà 3 tầng, 1 tum, chi phí hết khoảng 700-800 triệu nên hỏi vay chú của chồng. Các chú cho vay ngay”, chị Hằng cho biết.

Trong nhà toàn người làm trong ngành xây dựng nên việc thiết kế, làm kết cấu, xin giấy phép đều nhanh chóng lại không mất tiền. Đội thợ xây cũng được chồng chị nhờ tận Ba Vì (Hà Nội) về làm, mối gạch lấy ở Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội); gạch men và thiết bị vệ sinh được hàng xóm bán với giá thành rẻ hơn so với khu vực thị trấn Trôi bấy giờ.

Ngôi nhà xây dựng chỉ với 780 triệu đồng.

Ngôi nhà xây dựng chỉ với 780 triệu đồng.

“Lúc xây nhà, hai vợ chồng tôi vẫn đi làm nên nhờ bố tôi lên trông cho. Đồ nội thất trọn gói làm hết 50 triệu đồng vì đóng gỗ pallet giá rẻ. Vợ chồng tôi lên ý tưởng rồi họ làm. Bố tôi còn tự tay làm chuồng cọp cho. Ông ra hàng sắt đầu ngõ chọn từng cây sắt về tự cắt, tự hàn, tự sơn”, chị Hằng cho hay.

Hoàn thiện căn nhà hết 780 triệu đồng vào năm 2019 với số tiền nợ mua đất và xây nhà là hơn 600 triệu đồng nhưng ngay Tết năm đó, chồng chị được khoản thưởng 140 triệu đồng, chị Hằng cũng được thưởng 50 triệu đồng. Vậy là số tiền nợ chỉ khoảng hơn 400 triệu đồng.

Từ đó đến nay là 4 năm, nhờ tiết kiệm, tích lũy và chi tiêu hợp lý, vợ chồng chị Hằng đã trả hết nợ. Đồng thời, ngôi nhà anh chị mua đất và xây dựng hết 1,5 tỷ đồng thì nay đã lên giá được khoảng 2,5 tỷ đồng.

Căn nhà của vợ chồng chị Hằng có được sau 5 năm cưới nhau.

Căn nhà của vợ chồng chị Hằng có được sau 5 năm cưới nhau.

Theo chị Hằng, nếu chỉ trông chờ vào lương văn phòng từ 6-10 triệu đồng/tháng thì ước mơ có chốn an cư ở Hà Nội là xa vời.

Tuy nhiên, nhờ hai vợ chồng đủ cố gắng, kiên nhẫn, có kế hoạch chi tiêu hợp lý.  Đồng thời, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ hai bên gia đình nội, ngoại nên hành trình sở hữu nhà của anh chị được dễ dàng và nhanh chóng hơn.

“Tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì có một người chồng luôn “đồng cam cộng khổ” với tôi trong mọi hoàn cảnh. Được bố và hai mẹ, em gái, anh trai và gia đình hai bên hỗ trợ rất nhiệt tình để hai vợ chồng có thể vừa mua đất, xây nhà, sinh con vừa đảm bảo công việc một cách tốt nhất”, chị Hằng bày tỏ.

Bạn mua nhà khi mức lương của bạn là bao nhiêu?

Vợ chồng trẻ có nên “trả lương” cho bà trông cháu như thuê người giúp việc?

Nhiều người cho rằng, con ai người ấy nuôi, nhờ bà trông cháu thì cần phải gửi “tiền lương” hàng tháng cho bà, nhưng cũng không ít người cho ý kiến ngược lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN