Phát “sốt rét” khi vay vàng lúc giá 41 triệu đồng/lượng làm nhà, giờ giá tăng gấp rưỡi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Có công việc phải vay vàng từ người quen để dùng, nhưng sau 2 năm giá vàng lên gấp rưỡi khiến anh S. lo lắng, xoay sở trả nợ và tìm cách thương lượng.

Liên tiếp thời gian gần đây giá vàng tăng mỗi ngày một giá khiến những người phải vay mượn vàng như anh Nguyễn Văn S. (Long Biên, Hà Nội) lo đứng lo ngồi.

Vàng tăng giá gấp rưỡi sau chưa tới 2 năm, khiến nhiều người khốn khổ

Vàng tăng giá gấp rưỡi sau chưa tới 2 năm, khiến nhiều người khốn khổ

Chia sẻ với phóng viên, anh S. nói thêm: "Tháng 11/2019, tôi vay của người quen 12 lượng vàng SJC. Thời điểm đó, vàng giao dịch 41 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau chưa đến 2 năm, nay giá vàng lên trên 61 triệu đồng/lượng. Thực sự, gần hai năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh nên tôi gần như không có thu nhập, giờ vàng lại lên dựng đứng mỗi ngày khiến tôi ăn ngủ không yên. Hiện, tôi đang bàn với vợ vay tiền ngân hàng để trả số nợ trên. Nếu tôi trả lại bằng tiền mặt (tính theo giá trị lúc vay) cộng với lãi suất 20%/năm liệu có được không, hay nên thương lượng cách nào?"

Cùng cảnh vay vàng, chị Lê Thị Thúy K. (Thái Bình) cũng chia sẻ trên một nhóm kín của chị em công sở: “Vợ chồng tôi vay của chị gái bên chồng 20 lượng vàng 999 lúc 35 triệu đồng/lượng để mua nhà đất, nay giá vàng lên hơn 60 triệu đồng/lượng. Nếu, tôi trả lại tiền là 700 triệu đồng cho chị kèm chênh lệch tương đương lãi vay ngân hàng có được không? Giờ giá vàng cao mà trả lại vàng thì thật sự khó khăn cho vợ chồng tôi”.

Được biết, có khá nhiều người cho biết đang cùng chung nỗi khổ bởi trót vay vàng trước đó mà không lường trước giá vàng lên dựng đứng mỗi ngày.

Chị Phạm Thu Trang (Nam Định) cũng than thở: Tôi cũng đang trong cảnh này đây. Tôi được người nhà cho mượn 20 cây vàng làm nhà, trao tay xong thì vàng lên ầm ầm. Giờ đang chưa biết tính sao”…

Chứng kiến câu chuyện, đa số mọi người góp ý, bạn vay cái gì thì trả cái đó, lúc khó khăn có người cho mượn là tốt rồi. “Ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ thói quen tích trữ vàng, nên khi cho nhau vay mượn đa số họ quy về vàng, chứ không quan tâm giá rổ ra sao và càng không biết lãi suất ngân hàng như thế nào mà so sánh” – một thành viên tại nhóm trên góp ý.

Trước khi vay vàng với số lượng lớn, mọi người nên cân nhắc và rõ ràng về những thỏa thuận vay

Trước khi vay vàng với số lượng lớn, mọi người nên cân nhắc và rõ ràng về những thỏa thuận vay

Chia sẻ về việc này, Luât sư Phạm Thanh Hữu cho biết, những ngày qua, nhiều người gửi Email nhờ tư vấn về việc vay vàng lúc giá thấp, nay giá vàng lên cao thì khi trả lại tính theo cách nào cho đỡ thiệt thòi nhất.

Theo Luât sư Phạm Thanh Hữu, đây là vấn đề quan trọng, nhiều người quan tâm, lúc này nên cần xem xét ở góc độ pháp lý và thực tiễn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, vàng (SJC, 999…) là đối tượng của hợp đồng vay tài sản mang tính chất dân sự. Do đó, trước tiên các bên có thể thỏa thuận việc trả nợ để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhau, duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

Thứ hai, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc trả nợ thì áp dụng theo quy định sau:

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, nếu bên vay vàng SJC, 999 thì đến hạn phải trả lại đúng số lượng, loại vàng đã vay, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Căn cứ khoản 2 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu đến hạn trả nợ mà vì lý do nào đó bên vay không có được đúng số lượng, loại vàng đã vay để trả thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vàng tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Thứ ba, khi vay và cho vay vàng các bên cần lập thành hợp đồng, ghi rõ những nội dung chủ yếu như thời hạn trả, trả lại vàng hay tiền, mức lãi suất (nếu có)... để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên và tránh tranh chấp về sau.

“Thực tế có nhiều trường hợp cho vay vàng nhưng trong hợp đồng quy định là trả lại bằng tiền tính theo giá trị vàng tại thời điểm cho vay, thì đến hạn bên vay phải trả lại tiền tương ứng như thỏa thuận” – Luật sư Hữu nói. 

Ví dụ: Lúc cho vay vàng giá là 41 triệu đồng/lượng, đến hạn trả giá vàng có lên 61 triệu đồng/lượng hay hạ xuống 38 triệu đồng/lượng thì bên vay cũng phải trả 41 triệu đồng cho mỗi lượng vàng đã vay vì trong hợp đồng đã quy định rõ điều này.

Ngoài ra, theo luật sư Hữu, thực tế cũng có trường hợp hai bên thỏa thuận nếu lúc trả nợ giá vàng cao hơn thời điểm vay thì trả lại bằng vàng, nếu giá vàng thấp hơn thời điểm vay thì trả bằng tiền (tính theo trị giá của vàng lúc vay). 

Ví dụ: Lúc cho vay vàng giá là 41 triệu đồng/lượng, đến hạn trả giá vàng lên 61 triệu đồng/lượng thì bên vay phải trả lại vàng cho bên cho vay; trường hợp đến hạn trả giá vàng xuống 38 triệu đồng/lượng thì bên vay trả lại cho bên cho vay 41 triệu đồng/lượng.

“Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên và tránh tranh chấp thì cả hai bên cần thực hiện hợp đồng và có những thỏa thuận rõ ràng khi thực hiện cho vay tài sản” – Luật sư Phạm Thanh Hữu lưu ý thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị tố chậm trả tiền mặt bằng, gây rối trật tự: Highlands Coffee nói gì?

Liên tiếp nhiều ngày qua, Highlands Coffee (quận Thanh Xuân, Hà Nội), bị bên cho thuê mặt bằng niêm phong gian hàng vì chậm trả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN