Vay 46 triệu đồng bằng tín chấp, trả 50 triệu rồi mà cả họ vẫn bị réo đòi nợ
Mặc dù chỉ vay 46 triệu đồng, mỗi tháng trả hơn 5 triệu đồng suốt 10 tháng nhưng anh Tuấn và người thân vẫn bị khủng bố tinh thần khi đến hạn chưa có tiền thanh toán.
Thủ tục vay nhanh, không cần chứng minh thu nhập hay có người bảo lãnh khi vay tín chấp. Thế nhưng, vừa phải chịu lãi suất “cắt cổ” lên đến 20%/năm, người thân của người đi vay còn bị gọi điện, làm phiền, thậm chí là dán ảnh khắp nơi nếu trả chậm.
Anh Tuấn, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trước đây, anh có mua trả góp một chiếc điện thoại tại một siêu thị lớn với giá 5 triệu đồng trong vòng 6 tháng, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Sau khi trả góp hết số tiền đó, bên cho vay trả góp liên tiếp gọi điện mời chào vay tiền.
“Hầu như tuần nào cũng có nhân viên gọi đến hỏi tôi có cần vay tiền không. Nếu vay thì chỉ cần tôi đồng ý thì ngay lập tức tiền sẽ về tài khoản vì hồ sơ của tôi bao gồm sổ hộ khẩu photo, chứng minh thư photo họ lưu sẵn trong máy từ khi tôi mua trả góp điện thoại rồi”, anh Tuấn nói
Chỉ cần bản phô tô chứng minh thư và sổ hộ khẩu là có thể vay tiền nhưng với lãi suất "cắt cổ".
Với lời mời chào hấp dẫn, tháng 11/2019, do đang cần gấp một khoản tiền do làm ăn chung với bạn bị thua lỗ nên anh Tuấn tiếp tục vay số tiền 50 triệu đồng, trả góp trong vòng 12 tháng, mỗi tháng 5 triệu đồng.
Anh Tuấn cho biết, hợp đồng vay 50 triệu đồng nhưng thực tế anh nhận về được 46 triệu đồng sau khi trừ các loại chi phí. Mặc dù khoản tiền trả góp hàng tháng không quá nhiều nhưng nếu tính toán, số tiền lãi 1 năm cho khoản vay của anh Tuấn đã lên đến số tiền 14 triệu đồng.
Sau khi trả góp được 10 tháng, với số tiền hơn 50 triệu đồng, anh Tuấn vẫn chưa hết nợ. Mọi chuyện không có gì đáng nói khi mấy tháng vừa qua anh Tuấn mất việc làm nhưng vẫn cố cày kéo trả nợ.
Thu nhập không có lại phải trả tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt sau nhiều tháng mất việc nên tháng vừa qua, anh Tuấn không thể xoay được tiền trả nợ khoản vay tín chấp.
Bị nhân viên công ty tài chính gọi điện đòi nợ cả ngày, anh Tuấn cài đặt chặn cuộc gọi từ các số máy lạ. Ngay lập tức, người thân của anh Tuấn phải nhận những cuộc gọi làm phiền, hình ảnh của anh Tuấn cùng người thân và số điện thoại cũng được đăng tải lên các trang mạng xã hội với dòng chữ “Truy tìm đối tượng tên Tuấn, lừa đảo ôm 50 triệu đồng rồi bỏ trốn”.
“Thậm chí toàn bộ bạn bè của tôi trên mạng xã hội đều bị bên cho vay spam tin nhắn, gửi hình ảnh kèm nội dung tương tự cho đến khi tôi trả hết khoản tiền”, anh Tuấn nói.
Ngoài người thân bị khủng bố điện thoại, thì hình ảnh, thông tin, số điện thoại của người vay bị spam khắp nơi trên mạng xã hội khi trả nợ khoản vay tín chấp chậm.
Khi người thân biết chuyện, thu xếp cho anh lấy tiền trả nợ, tất toán khoản vay thì bên cho vay tín chấp yêu cầu anh Tuấn phải nộp thêm 4 triệu đồng tiền vi phạm hợp đồng. Vậy là, chỉ trong vòng 10 tháng, số tiền lãi anh Tuấn phải trả là hơn 18 triệu đồng cho khoản vay 50 triệu đồng.
Với lời mời gọi hấp dẫn như giải ngân nhanh, không cần thế chấp, duyệt đơn trong 5 phút, lãi suất ưu đãi… không ít người như anh Tuấn trở thành nạn nhân, sập bẫy “tín dụng đen”.
Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, hoạt động ở TP Hồ Chí Minh cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 1.700% năm. Cụ thể, bị hại vay của nhóm đối tượng số tiền 16,2 tỉ đồng và đã trả trên 20 tỉ đồng mà vẫn còn nợ khoảng 11 tỉ đồng.
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện hơn 2.700 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.
Về thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, các đối tượng quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thực chất thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật).
Họ còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
“Toàn bộ tàu du lịch phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, chủ tàu cạn kiệt mọi nguồn lực tài chính, hơn...
Nguồn: [Link nguồn]