Vàng tăng như lên đồng, ôm đống tiền ăn chực nằm chờ vẫn không mua được
Khi giá vàng tăng như vũ bão, vượt 83 triệu đồng/lượng, người có tiền vẫn khó mua vàng khi hàng loạt cửa hàng thông báo hết vàng hoặc chỉ giới hạn số vàng bán ra trong ngày.
Mang 100 triệu đồng đi mua được hai chỉ vàng
Hơn một tháng qua, từ khi giá vàng nhẫn ở mức 78 triệu đồng/lượng đến giờ đã vượt 83 triệu đồng/lượng nhưng bà Mùi, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới mua được 2 chỉ vàng vào chiều ngày 9/10.
“Tôi lên phố vàng Trần Nhân Tông không dưới 10 lần trong suốt hơn một tháng qua để mua vàng. Vậy mà cửa hàng nào cũng báo hết. Chưa năm nào tôi thấy mua vàng khó như năm nay vì cứ ôm tiền đi rồi lại mang tiền về. Hôm nay may mắn là đi vào đúng lúc họ mở cửa phát phiếu 5 phút rồi lại dừng, nhưng mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chỉ”, bà Mùi cho hay.
Suốt nhiều tháng, người dân khó mua vàng khi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đều thông báo hết vàng nhẫn và vàng miếng, chỉ bán ra nhỏ giọt.
Tháng 9 năm ngoái, khi giá vàng chỉ 58 triệu đồng/lượng, bà định bụng sẽ dồn thêm tiền mua lấy 2 cây vàng làm của để dành nhưng có đứa cháu cần tiền làm nhà nên bà cho mượn đỡ 100 triệu đồng. Năm nay, cầm số tiền này trên tay, bà mang đi mua vàng nhưng giá đã lên mức trên 83 triệu đồng/lượng, tăng 25 triệu đồng/lượng so với thời điểm cách đây hơn một năm.
Giá vàng tăng cao lên mức “không tưởng” nhưng lại khó mua. Nhiều ngày qua, bà Mùi đi khắp các tiệm vàng lớn nhưng chỉ nhận về thông báo hết vàng nhẫn. Trái ngược với trước đây, mua bao nhiêu vàng cũng được, chỉ cần có tiền.
“Đấy, tôi có hơn 100 triệu đồng mà chỉ được mua 2 chỉ, lại còn xếp hàng chờ đợi hơn thời bao cấp. Thế là còn may đấy, cửa hàng này còn có vàng để bán chứ mấy chỗ khác không có mà mua. Chỗ này mở cửa phát phiếu đúng 5 phút mà có đến 60 người xếp hàng rồi. Họ bảo vàng trong cửa hàng chỉ đủ cho mỗi người mua tối đa 2 chỉ”, bà Mùi nói.
Nhiều cửa hàng chỉ mở cửa đón khách trong vài phút rồi dừng, mua vàng ngoài có tiền thì cần có thêm may mắn mới mua được.
Chậm chân chỉ vài phút nhưng chị Hoa, trú tại Đống Đa (Hà Nội) nhận về cái lắc đầu của nhân viên tiếp đón cửa hàng vì hết vàng.
“Rõ là mấy chục người còn đứng xếp hàng ở kia mà họ bảo hết suất ngày hôm nay rồi, chưa biết khi nào có nữa để mà quay lại. Mệt thật”, chị Hoa thở dài.
Theo chị Hoa, tháng 10 âm lịch tới là đám cưới con gái, chị muốn mua lấy ít vàng tặng con làm của hồi môn nhưng nhiều lần đi tới đi lui trên phố vàng vẫn không mua được chỉ nào. Cứ đi rồi lại về, vừa mất công mất buổi lại ôm bực vào người vì nhiều khi chỉ chậm vài phút là hết suất mua vàng.
Rao bán vàng trên mạng xã hội, nhiều người đòi “chốt” ngay trong đêm
Thấy giá vàng tăng cao vượt mốc 83 triệu đồng/lượng, lại đúng lúc cần đến tiền, chị Mai, trú tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) liền nhờ chị gái đăng bán cho mình 20 lượng vàng nhẫn. Nghĩ chỉ đăng thử xem sao, không ngờ chị nhận về hàng chục tin nhắn đòi “chốt” ngay trong đêm.
Kho khan hiếm vàng nhẫn, các cửa hàng chỉ nhận mua vào, hạn chế số lượng bán ra mỗi ngày.
“Hôm chị gái tôi đăng bài bán vàng, giá vàng cửa hàng niêm yết là 83,2 triệu đồng/lượng nhưng bao nhiêu người vào đòi mua. Có người nhà ở tận Sài Đồng, Long Biên, cứ đòi sang nhà tôi luôn trong đêm để lấy. Lúc đó hơn 11 giờ rồi, sợ đêm hôm không an toàn nên tôi hẹn sáng hôm sau nhưng họ cứ đòi chuyển khoản đặt cọc luôn”, chị Mai nói.
Sau khi thông báo đã bán và nhận cọc trong đêm, chị Mai còn nhận về nhiều cuộc gọi và tin nhắn của bạn bè, năn nỉ bớt lại cho vài cây hoặc vài chỉ. Nhiều người sẵn sàng trả đến 85 triệu đồng/lượng nhưng tôi nhận cọc rồi nên từ chối. Nghĩ lại buồn cười thật, bán một lúc mấy chục lượng vàng mà chỉ cần ngồi nhà chốt đơn nhanh như bán quần áo”, chị Mai nói.
Theo khảo sát của PV, trên chợ mạng hay các hội nhóm mạng xã hội, hàng ngày có rất nhiều người đăng bài thu mua lại vàng các thương hiệu lớn có giấy tờ mua bán với giá cao, không hạn chế số lượng. Giá mua vàng sẽ “cưa đôi” chênh lệch giữa giá mua và giá bán của các thương hiệu.
Thay vì đến cửa hàng kinh doanh vàng để mua và bán, nhiều người chấp nhận mua đắt hơn trên chợ mạng.
Không chỉ vậy, những người có nhu cầu mua vài chỉ cũng đăng bài “tìm vàng” trên chợ mạng vì khó mua tại các cửa hàng có thương hiệu.
Tuy nhiên, việc mua bán, giao dịch các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau ngoài cửa hàng kinh doanh vàng được nhà nước cấp phép sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, pháp luật không cấm việc người dân trao đổi, mua bán, cho tặng, vay mượn nhau bằng vàng. Tuy nhiên, nếu là kinh doanh vàng thì phải được cấp phép tương tự như các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Quy định của nhà nước về giao dịch vàng. (Ảnh: Luật sư Trương Thanh Đức).
“Nếu người dân với người dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp có trao đổi, mua bán với nhau cả tấn vàng cũng được vì thuận mua vừa bán. Pháp luật chỉ cấm thanh toán bằng vàng; Ngân hàng không được phép vay (huy động) bằng vàng, cho vay vốn bằng vàng, cho vay vốn mua vàng. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp trao đổi mua bán với nhau thì thoải mái”, ông Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, các cá nhân tự thoả thuận mua bán, giao dịch vàng với nhau sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như không có hoá đơn chứng từ, không được bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả bên mua và bên bán.
Vì vậy, nên mua bán, trao đổi vàng tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được nhà nước bảo hộ, cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Các tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu không thông báo giờ bán vàng, mở cửa tùy hứng khi có vàng bán, và cũng bán “chớp nhoáng” 15-20 phút rồi dừng khiến...