Lưu bài Bỏ lưu bài

Vàng “phăm phăm” vượt mốc đỉnh lịch sử: NĐT canh chốt lời, người vay mất thêm trăm triệu

Trước việc giá vàng đang tiến gần mốc đỉnh lịch sử 74 triệu đồng/lượng, nhiều người nắm giữ vàng đang canh chốt lời, trong khi một bộ phận mới bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư vào kênh này. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm cho rằng với giá vàng đã tăng mạnh thời gian gần đây, việc xuống tiền có nhiều rủi ro hơn.

Người lãi nhẹ, kẻ mất thêm cả trăm triệu vì vay vàng

Trước đà tăng mạnh của giá vàng trong một tuần giao dịch gần đây, những người đang nắm giữ vàng hí hửng mừng thầm khi khoản đầu tư của mình ghi nhận khoản lãi đáng kể.  

Anh Xuân – một nhà đầu tư tại TP HCM cho biết những người nghe mình xuống tiền mua vàng từ đầu năm đến nay đang ghi nhận khoản lãi đáng kể nhờ giá vàng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nhà đầu tư sinh năm 1982 cho biết đã khuyên nhiều người quen của mình có tiền nhàn rỗi xuống tiền đầu tư khi giá vàng giữ quanh mốc 66-67 triệu đồng/lượng bởi dự đoán giá vàng có thể sẽ tăng mạnh vào cuối năm bởi nhu cầu vàng tăng cao.

Anh Xuân chia sẻ bản thân ngoài chia tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, BĐS, cũng xuống tiền mua 7 lượng vàng hồi đầu tháng 2/2023 khi mức giá giao dịch quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng. Đến nay nhìn giá vàng vượt 70 triệu đồng/lượng, khoản đầu tư vào vàng của anh hiện đang ghi nhận khoản lãi hơn 3 triệu đồng/lượng.

Vàng “phăm phăm” vượt mốc đỉnh lịch sử: NĐT canh chốt lời, người vay mất thêm trăm triệu - 1

Những người mua vàng đầu năm 2023 đang ghi nhận mức lãi nhẹ khi giá vàng vượt mốc 70 triệu đồng/lượng

Trong khi đó, chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cũng đang canh thời điểm để chốt khoản đầu tư vàng hồi giữa năm của mình. Nữ nhân viên văn phòng này cho biết khi lãi tiết kiệm giảm mạnh từ đầu tháng 6/2023 đã quyết định rút 380 triệu đồng để mua hơn 5 lượng vàng với mức giá 67,1 triệu đồng/lượng hồi cuối tháng 7. Chị Lan chia sẻ chỉ sau hơn 2 tháng xuống tiền mua mua vàng, khoản đầu tư của chị đang ghi nhận khoản lãi gần 6%, nhỉnh hơn lãi tiết kiệm đang được các ngân hàng niêm yết hiện nay.

Phiên cuối tuần (14/10), có thời điểm vàng được giao dịch ở mức 70,4-71,6 triệu đồng/lượng, tức cả 2 chiều đều vượt 70 triệu đồng. Trong đó chiều bán vượt 71 triệu đồng/lượng.

Trong khi những người nắm giữ vàng đang ghi nhận khoản lãi nhẹ và canh chốt lời thì những người vay vàng mua nhà, kinh doanh đang “mất ăn, mất ngủ” bởi đà tăng mạnh của giá vàng trong những ngày gần đây. Chị Trần Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, năm 2019, hai vợ chồng chị mua một căn hộ chung cư gần 3 tỷ đồng ở quận Cầu Giấy. Thời điểm đó, chị đã cân nhắc giữa chuyện vay tiền mặt từ ngân hàng hay vay vàng từ người thân. Nhưng ngại làm thủ tục để vay ngân hàng, ngại tính toán các khoản trả lãi hàng tháng, hàng quý, lại thấy giá vàng nhiều năm ít biến động nên chị quyết định mượn 10 lượng vàng ở thời điểm giá đang xoay quanh mức 37,2 triệu đồng/lượng.

“So với năm 2019, giá vàng hiện đã tăng gần gấp đôi. Đúng là đã nghèo lại nghèo thêm” – chị Trần Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).

Trước những đợt tăng mạnh của giá vàng trong những năm qua, gia đình chị đã phải tiết kiệm các khoản chi tiêu để gom tiền trả món nợ vay vàng mua nhà này. Tuy nhiên, đến nay số nợ vàng của gia đình chị vẫn còn 4 lượng nữa, với việc giá vàng hiện tăng gần gấp đôi so với thời điểm chị vay khiến vợ chồng chị Thủy mất ăn mất ngủ. Số vàng chị vay trong năm 2019 quy đổi ra tiền là 372 triệu đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay chỉ với 4 lượng đang còn nợ người thân, số tiền sẽ là gần 283 triệu đồng. “Vẫn biết vay vàng, trả vàng chứa đựng nhiều rủi ro, tuy nhiên việc người thân cho mình vay một số tiền lớn trong lúc khó khăn cũng là điều đáng quý. Đây cũng là một bài học quý báu với gia đình trong việc vay nợ”, nữ nhân viên văn phòng 38 tuổi cho biết.

Những người vay vàng mua nhà, đầu tư gánh thêm nợ khi giá vàng tăng mạnh những ngày gần đây

Những người vay vàng mua nhà, đầu tư gánh thêm nợ khi giá vàng tăng mạnh những ngày gần đây

Giống như chị Thuỷ, anh Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang méo mặt vì giá vàng tăng cao, trong khi khoản nợ mua nhà ngày thêm nặng hơn. Cuối năm 2019, anh Thành vay 6 lượng vàng của bác ruột. Thời điểm anh vay là tháng 10/2019, giá vàng ở ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, tương đương 240 triệu đồng.

“Từ sau khi tôi vay, giá liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh. Năm 2022, tôi đã gom góp được gần 200 triệu đồng, nhưng chưa dám mua vàng vì giá cao, muốn chờ sang năm nay xem giá có giảm không mới mua. Ai ngờ đến thời điểm này, giá ngày tăng sốc. Tôi chưa biết phải trả nợ thế nào, Bây giờ trả nợ là tôi trắng tay, bao nhiêu vốn liếng tích trữ đều đổ vào trả nợ hết”, anh Thành tâm sự.

Anh Thành nhẩm tính, 6 cây vàng lúc vay bán được 240 triệu đồng, nhưng giờ mua vàng để trả nợ cũng mất tầm 420 triệu đồng, tính ra chênh 180 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn với vợ chồng anh.

 “Giá vàng tiến gần mức đỉnh lịch sử (giá vàng chạm đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào tháng 3/2022) chỉ trong thời gian ngắn. Bài học về việc vay vàng để làm ăn, đầu tư dành cho nhiều người… có lẽ vẫn còn nguyên giá trị về rủi ro” - anh Hải, chủ tiệm vàng tại Hà Nội.

Chứng kiến những biến động của thị trường vàng nhiều năm qua, anh Hải, chủ tiệm vàng trên phố Trương Định (Hà Nội) cho biết, trước đây, việc giá vàng chạm đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào tháng 3/2022 đã khiến tất cả những ai vay vàng của người thân, bạn bè…để làm ăn, đầu tư đều méo mặt vì “ôm bom”.

“Giờ đây, khi giá vàng liên tiếp tăng cao, một lần nữa tiến gần mức đỉnh lịch sử về giá chỉ trong thời gian ngắn thì bài học về việc vay vàng để làm ăn, đầu tư… vẫn còn nguyên giá trị về rủi ro”, anh Hải chia sẻ.

Thực tế, khi thị trường vàng bình ổn trong nhiều năm thì câu chuyện vay bằng vàng không có gì đáng nói. Nhưng khi giá biến động như 2 năm trở lại đây thì vay bằng vàng cũng không khác gì vay nặng lãi, thậm chí như vay tín dụng đen.

Giá vàng tăng dựng đứng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động

Giá vàng tăng dựng đứng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động

Vàng thế giới tăng dựng đứng, vàng trong nước tiến gần đỉnh lịch sử

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng thế giới trên Kitco News tăng tới 64 USD, lên 1.932 USD/ounce. Đây là mức cao nhất của kim loại quý trong hơn một tháng qua, giúp giá vàng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất 7 tháng.

Cuối tuần, vàng thế giới tăng lên 1.932 USD/ounce. Đây là mức cao nhất của kim loại quý trong hơn một tháng qua.Vàng thế giới tăng kéo theo vàng trong nước tăng mạnh.

Giá kim loại quý được đẩy lên khi Israel tăng cường cuộc chiến với Hamas. Với sự hỗn loạn ngày càng tăng ở Trung Đông và cuộc chiến giữa Nga với Ukraine chưa dứt, các đơn vị phân tích cho rằng nhà đầu tư cần đảm bảo họ có được sự bảo vệ trong giai đoạn "bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra". Khảo sát hàng tuần của Kitco News cho thấy, cả nhà phân tích và nhà đầu tư bán lẻ Phố Wall đều dự đoán giá vàng sẽ còn tăng tiếp trong tuần tới. Trong đó, nhóm nêu quan điểm tích cực chiếm khoảng ba phần tư, tỷ lệ cao hơn hẳn các khảo sát trước đây.

Trước đà tăng phi mã của vàng, Edward Moya - nhà phân tích của Oanda - một công ty giao dịch ngoại hối của Mỹ - nói: "Nhà đầu tư đang đổ xô mua tài sản trú ẩn khi rủi ro căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Nếu tình hình địa chính trị càng nghiêm trọng, khả năng cao là giá vàng có thể lên 2.000 USD năm nay".

Nhà đầu tư lo ngại xung đột tại Trung Đông lan rộng khi Israel bắt đầu tiến vào Dải Gaza. Theo Edward Moya, thị trường vàng đã đi từ mức 1.850 USD lên sát 1.950 USD/ounce. Mốc 2.000 USD theo ông còn cách không xa.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm qua giảm còn 4,63%. Điều này đồng nghĩa giá trái phiếu tăng. Cũng như vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ biến động.

Chuyên gia của Oanda dự báo giá vàng dự kiến sẽ vượt mốc 2.000 USD trong thời gian tới

Chuyên gia của Oanda dự báo giá vàng dự kiến sẽ vượt mốc 2.000 USD trong thời gian tới

USD cũng mạnh lên do nhu cầu mua trú ẩn. Dollar Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn - tăng 0,11% lên 106,63 điểm hôm qua. Phiên trước đó, chỉ số này tăng 0,8% - mạnh nhất nửa năm.

"Mục tiêu của nhà đầu tư là đổ tiền vào tài sản trú ẩn trước khi tình hình cuối tuần này xấu thêm. Mọi diễn biến tại Trung Đông đang theo hướng tồi tệ hơn", Marvin Loh - chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại State Street nhận định.

“Chưa bao giờ chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC lại lớn như hiện nay, có nơi kéo giãn ra lên tới 1,4 triệu đồng/lượng, gấp đôi chênh lệch ở thời điểm bình thường” – đại diện một công ty kinh doanh vàng tại Hà Nội.

Vàng thế giới tăng kéo theo vàng trong nước tăng mạnh. Chốt tuần, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn tại Hà Nội niêm yết ở 69,7-70,7 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong ngày 15/10, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết mức 69,7 triệu đồng/lượng mua vào và 70,72 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. So với chiều 14/10, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 500.000 đồng ở chiều bán.

Trong khi đó, vàng nhẫn ghi nhận mức tăng tích cực. Từ ngày 10/10 đến cuối tuần giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ tại SJC đã tăng quanh 1 triệu đồng một lượng. Với mức giá 58,15 triệu đồng, vàng nhẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay. So với cuối tháng 8, giá vàng nhẫn đã tăng quanh 1 triệu đồng một lượng. Nếu so với đầu năm, giá loại vàng này tăng khoảng 3,8 triệu đồng.

Chênh lệch giá mua bán vàng SJC được các nhà vàng nới rộng trong bối cảnh giá liên tục tăng nhanh

Chênh lệch giá mua bán vàng SJC được các nhà vàng nới rộng trong bối cảnh giá liên tục tăng nhanh

Trước đây, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8, giá vàng trong nước đi ngang dù thế giới biến động và có lúc lên gần 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá vàng miếng trong xu hướng đi lên và đã tăng gần 4 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 4,7%.
Một lãnh đạo kinh doanh vàng cho biết: “Cũng bất ngờ vì giá vàng ngày cuối tuần. Một phần do giá vàng thế giới tăng mạnh vào đầu giờ sáng. Giá vàng trong nước có sự điều chỉnh trễ nên tăng muộn hơn. Người dân đổ xô đi mua vàng nên giá trong nước tiếp tục tăng theo”.
Vị này cho biết chưa bao giờ chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC lại lớn như hiện nay, có nơi kéo giãn ra lên tới 1,4 triệu đồng/lượng, gấp đôi chênh lệch ở thời điểm bình thường.
 

Vàng có còn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Trước đà tăng mạnh của giá vàng trong nước những phiên gần đây, anh Nguyễn Xuân Dũng – đại diện một quỹ đầu tư tại TP HCM chia sẻ giá vàng trong nước sẽ khó giảm sâu theo giá vàng thế giới được. Bởi vì phụ thuộc vào 2 yếu tố: Cung vàng, hiện cung vàng khan hiếm khắp thế giới, nước nào cũng mua vàng để thủ chống lạm phát. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang dùng vàng để điều chỉnh lãi suất (đô tăng mạnh, nhưng tỉ giá vẫn ở mức vừa phải). Giá vàng trong nước hiện theo công thức tỉ lệ nghịch giữa vàng và USD. Theo anh, đó là lý do vàng thế giới giảm mà trong nước vẫn neo ở mức cao. Dù vậy, anh cho rằng với giá hiện tại những người đầu tư mới có thể đối mặt rủi ro, tuy nhiên nếu xác định đầu tư lâu dài thì vàng vẫn là một sự lựa chọn để cân nhắc.

Nhà đầu tư này cũng nhận định giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây bởi vàng là công cụ để điều tiết tỉ giá và nó thông với các yếu tố vĩ mô khác, nhưng mức tăng của giá vàng không ảnh hưởng gì nhiều tới BĐS, chứng khoán như lãi suất. Theo anh Dũng, lãi suất ngân hàng mới là yếu tố quyết định tới tăng giảm của chứng khoán và BĐS.

Từ góc nhìn của mình, anh Nguyễn Xuân Dũng cho rằng giá vàng trong nước khó giảm sâu

Từ góc nhìn của mình, anh Nguyễn Xuân Dũng cho rằng giá vàng trong nước khó giảm sâu

Ở góc độ chuyên gia, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia Hiệp Hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến gần 15 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - bán. Do vậy người mua vàng nên cân nhắc có thể chịu được rủi ro không.

“Người mua vàng trong nước hiện phải chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa giá mua - bán vàng. Do đó, người mua vàng nên cân nhắc có thể chịu được rủi ro không”, ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia Hiệp Hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Theo ông Hùng, tháng 8/2020 giá vàng thế giới tăng lên đến 2.069,4 USD/ounce khi đó giá vàng miếng SJC mới chạm ngưỡng 62,2 triệu đồng/lượng, trong khi hiện nay giá vàng thế giới mới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC lên mức 71 triệu đồng/lượng.

Tương tự, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết giá vàng tăng cao trong thời gian gần đây là kết quả của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới.

          “Nhà đầu tư nên bán chốt lời” - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Ở Việt Nam, ông Thịnh nhận xét, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh như thời gian gần đây, vì vậy những nhà đầu tư đang ôm vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.

“Nhà đầu tư không nên chờ giá lên "đỉnh" mới chốt lời. Bởi lẽ, giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là "đỉnh" và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời”, ông Thịnh đưa ra lời khuyên.

Về việc có nên mua vàng để "lướt sóng" kiếm lời lúc này không, ông Thịnh cho rằng, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán hiện nay là hơn 1 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh lệch khá lớn, rất nguy hiểm cho người mua vàng. 

"Chênh lệch giá mua vào - bán ra từ 1 triệu đồng trở lên đã là rất rủi ro rồi, còn từ 3 triệu đồng trở lên thì rủi ro là quá cao”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, thị trường vàng nhiều năm qua cho thấy, khi giá vàng leo thang hoặc biến động bất thường là lúc các nhà đầu tư phải đặc biệt thận trọng, nên đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ lướt sóng vì dễ gặp rủi ro, thiệt hại. 

Vàng “phăm phăm” vượt mốc đỉnh lịch sử: NĐT canh chốt lời, người vay mất thêm trăm triệu - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 16/10/2023 05:16 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])