Năm 2008, thế giới chứng kiến thảm họa kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ đại khủng hoảng.
Tại Mỹ, hơn 8 triệu người mất việc làm, xấp xỉ 2.5 triệu doanh nghiệp phá sản và có tới gần 4 triệu ngôi nhà bị thu hồi trong vòng 2 năm. Bất ổn về an ninh lương thực cùng với sự mất cân bằng thu nhập làm cho nhiều người cảm thấy mất niềm tin vào cơ chế. Cuộc suy thoái được công bố là chính thức kết thúc vào năm 2009, nhưng trong một thời gian dài sau đó nhiều người dân vẫn phải chịu những hậu quả nặng nề, đặc biệt là tại Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 10% vào năm 2009, và chỉ mới trở lại mức như trước khủng hoảng vào năm 2016 vừa rồi.
Và sau một thập kỉ, thế giới lại đang đứng trước lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới do Covid-19 gây ra.
Chỉ trong vòng tuần đầu tháng 3 vừa qua, hàng nghìn tỷ USD đã biến mất khỏi thị trường tài chính thế giới. Trong khi đó, tính từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, giới tỷ phú trên toàn cầu đã mất đi khoảng 950 tỷUSD.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc, có thể sẽ có thêm gần 25 triệu người thất nghiệp trên thế giới. ILO ước tính, thu nhập của người lao động trên thế giới sẽ giảm 3,4 nghìn tỉ USD trong khoảng thời gian từ nay cho đến cuối năm 2020.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tiếp nhận gần 7.000 trường hợp đến làm thủ tục hưởng BHTN, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng cung - cầu trong tuyển dụng lao động xuống đến mức rất thấp từ trước đến nay.
"Có đến 70% trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, trước mắt, chưa thể khẳng định gia tăng số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là do dịch Covid-19", ông Tạ Văn Thảo, giám đốc Trang tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết.
Theo ông Thảo, thị trường lao động luôn có độ trễ nên dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, có thể những người lao động đang "hoãn" công việc và chờ đợi nên chưa đủ thủ tục để xin hưởng BHTN.
"Năm 2008, thế giới đã đoàn kết để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhờ vậy điều tồi tệ nhất đã được đẩy lùi. Trong đại dịch COVID-19, nếu chính phủ các nước phối hợp hành động nhanh chóng như năm 2008 thì tác động đối với tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu có thể thấp hơn đáng kể", Tổng giám đốc ILO Guy Ryder chia sẻ.
Còn theo ông Hamish Doulass, chủ tịch kiêm giám đốc phụ trách đầu tư của Magellan Financial Group: "Chúng ta không thể biết những hệ quả xảy ra trong giai đoạn này do chưa thấy được quy mô và hiệu quả của các động thái tài chính mà các chính phủ và ngân hàng trung ương đưa ra. Phản ứng tài chính tối thiểu cần thiết là chưa từng có và có khả năng bằng 20-30% GDP toàn cầu".
30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tương đương với khoảng 26 nghìn tỷ đô la Mỹ (37,5 nghìn tỷ đô la Singapore), dựa trên ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2019. Con số này lớn hơn so với quy mô của thị trường Kho bạc Hoa Kỳ - dưới 17 nghìn tỷ đô la Mỹ vào cuối tháng 2/2020.
Hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường mới nổi, có thể không đủ nguồn lực. Nhưng những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức có đủ khả năng đối phó. Các chính phủ trên thế giới cho đến nay đã cam kết hỗ trợ gói tài chính trị giá hơn 1,9 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một gói cứu trợ thứ hai, trong khi đó Canada, Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường các biện pháp kích cầu.
Một số chính phủ đã phân bổ nguồn tiền cho việc phát triển các dịch vụ chăm sóc y tế, trong khi một số chính phủ đang lên kế hoạch cho các biện pháp nhắm tới mục tiêu như giảm thuế và hỗ trợ cho vay.
Trong bối cảnh muôn trùng khó khăn, khi mà công việc ta đang làm hôm nay có thể bị mất đi vào ngày mai, miếng bánh thu nhập đã bé nhưng vẫn có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào, nằm im hay bước tiếp? Thu mình lại đợi thế giới tạo ra vắc xin cứu nền kinh tế hay chủ động tìm cách cứu chính mình trước?
Tôi có một chị bạn là huấn luyện viên Yoga tại Hà Nội. Khởi nghiệp gần 10 năm với nghề, chị có đủ kinh nghiệm để tạo niềm tin cho học viên. Từ một phòng tập nhỏ, nhận thấy nhu cầu tập luyện tăng cường sức khỏe ngày càng lớn, cuối năm 2019 chị quyết định đầu tư thêm hơn 1,5 tỷ đồng để mở thêm ba phòng tập mới với hi vọng bội thu trong năm 2020. Người tính không bằng trời tính, cơn bão Covid-19 ập tới bất ngờ, bốn phòng tập của chị lác đác học viên. Thu không đủ chi, chị đành ngậm ngùi đóng cửa ba phòng tập mới, ôm lỗ cả tỷ đồng.
Một phần tiếc của, một phần tiếc công và phần nặng nhất là mối lo cơm áo gạo tiền. Vốn là bà mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ, nếu không làm, thì tiền mua sữa, mua nhu yếu phẩm cũng trở thành gánh nặng.
Chị suy nghĩ và quyết định mở lớp dạy online và quay các clip hướng dẫn để bán khóa học online cho học viên tự tập tại nhà. Không ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Lớp học online của chị lúc nào cũng rộn ràng người học. Tháng đầu tiên khởi động mô hình này, chị thu về cả trăm triệu đồng.
Một chủ doanh nghiệp, anh M.T.G, người sở hữu chuỗi nhà hàng từ Bắc chí Nam cũng thừa nhận, Covid-19 là một thảm họa thực sự. Chuỗi nhà hàng của anh hoạt động cầm chừng do lượng khách giảm đến hơn 60%, doanh thu sụt giảm tới 70%.
Đứng trước nguy cơ có thể không đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng và tiền nhân công trong tháng 4 tới, mặc dù rất đau lòng, anh vẫn quyết định thu hẹp quy mô hoạt động. Trước mắt là cắt giảm đi 2/3 số nhà hàng của mình, những nơi không tiềm năng. Bên cạnh đó, anh thương lượng với những chủ mặt bằng giảm giá cho thuê. Thật bất ngờ, có đến 90% chủ nhà đồng ý giảm từ 10 – 20% giá thuê nhà.
Thay vì ngồi đợi khách tới, anh G. quyết định giao nhận tới tận nơi cho khách hàng. Vì thế, doanh thu tuần đầu tháng 3 đã khởi sắc trở lại.
Anh L.G.D cũng vay tiền mua một chiếc xe ô tô 4 chỗ để chạy Grab. Chăm chỉ cày cuốc, mỗi tháng anh kiếm được 20-23 triệu đồng, một phần trả lãi ngân hàng, một phần chi tiêu cho cuộc sống. Khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập giảm sút, có ngày chỉ vài ba cuốc khách. Đọc báo thấy tình hình ngày một căng thẳng, anh quyết định tạm cất xe ô tô, dùng xe máy chuyển hướng làm giao nhận hàng, không ngờ, thu nhập tăng vọt, có ngày lên tới cả triệu đồng.
Một vài người bạn khác của tôi khi thu nhập sụt giảm hoặc mất việc vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động vì Covid-19 cũng đã chọn cho mình những hướng đi riêng như làm youtuber, bán hàng online,..Vì thế, thu nhập của họ ngay lập tức được bù đắp. Cùng với đó, thay vì chi tiền không phải nghĩ ngợi, trong khó khăn, nhiều người đã có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn, tránh những khoản lãng phí không cần thiết.
Chồng tôi, một kế toán cho một công ty du lịch cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc vào tháng tới, nếu tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục xấu đi. Và hiện tại, chúng tôi cũng đã vạch ra một vài hướng riêng để không phải ngồi không chờ hết dịch.
Tôi luôn tâm đắc với những câu hói của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai - Chung Ju Yung: “Nếu toàn tâm toàn ý dốc sức thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công.”
“Trong cùng một điều kiện, cùng một việc, có người nhăn nhó, có kẻ lại cười. Người có suy nghĩ tiêu cực chỉ nghĩ rằng mình làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời mà không biết cái hạnh phúc khi đứng dưới bóng râm và tận hưởng làn gió mát thổi qua.” ( “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách”).