"Tôi nhiều lần ăn mì gói qua bữa vì trót mua sắm quá đà"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

“Tôi nhớ, có lần cao hứng trong dịp đi mua sắm cuối năm, tôi đã mua 4 – 5 chiếc váy, 2 đôi giày, 2 bộ ga gối mới, 1 chiếc túi và cả tủ đầy đồ ăn vặt tới gần 20 triệu đồng chỉ vì bị mê hoặc bởi các chương trình khuyến mại khủng”...

Đó là chia sẻ của Mỹ Hạnh (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) về câu chuyện mua sắm “thủng ví” cô thường bị lặp đi lặp lại.

Hạnh chia sẻ, dù quần áo váy vóc cả vài chục bộ treo ở tủ, túi xách và giày cũng cả chục loại khác nhau nhưng cô vẫn luôn cảm thấy thiếu và cần mua thêm. Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn, khi các shop quen thuộc gửi chương trình khuyến mãi mới thì cô lại bứt rứt, đứng ngồi không yên.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ thường bị cạn tiền do nghiện mua sắm

Nhiều bạn trẻ chia sẻ thường bị cạn tiền do nghiện mua sắm

“Dù đã đi làm vài năm nay, nhưng do đam mê mua sắm nên nhiều lần tôi bị cạn tiền dù mới giữa tháng. Tôi thường tự nhủ phải hạn chế mua thêm đồ, nhưng khó quá” – Mỹ Hạnh nói thêm.

Với Ngọc Hà cũng vậy, dù đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài với thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng nhưng cô cũng thường xuyên bị “thủng ví” vì thói quen nghiện mua đồ hiệu.

Theo lời Ngọc Hà, hầu hết đồ dùng cá nhân của cô như quần áo, mỹ phẩm cho đến các phụ kiện kèm theo như túi, giày, kính,... đều là hàng hiệu.

“Tôi thường dùng đồ hiệu, thi thoảng có những đợt big sale từ 50 – 70%, tôi lại canh và mua thêm vài món đồ. Có đôi giày 30 triệu sau khuyến mại chỉ còn hơn chục triệu thì nên mua lắm chứ. Mua xong tôi cũng tiếc tiền, thậm chí không ít lần ăn mỳ gói qua ngày vì hết tiền. Cố gắng rút kinh nghiệm vậy”, Ngọc Hà chia sẻ.

Nhiều người thậm chí tìm niềm vui hoặc giải tỏa stress thông qua việc mua sắm

Nhiều người thậm chí tìm niềm vui hoặc giải tỏa stress thông qua việc mua sắm

Có lẽ khá nhiều chị em nhìn thấy hình ảnh của mình từ câu chuyện chia sẻ của Mỹ Hạnh và Ngọc Hà. Không ít người tin rằng “khi mua được cái này, sở hữu món đồ kia thì mình hạnh phúc”. Thậm chí, nhiều người tìm niềm vui hoặc giải tỏa stress thông qua việc mua sắm mà không cần biết mình sẽ sử dụng món đồ ấy vào việc gì.

Thời điểm hiện tại đang mùa mua sắm cuối năm, nhiều điểm mua sắm xuất hiện hàng loạt chương trình giảm giá sâu, từ 50% đến 100%. Tuy nhiên, nếu không tự kiểm soát, cám dỗ từ những chương trình khuyến mại khiến nhiều người sẽ sa đà, tiêu tiền vào những món đồ chẳng mấy khi dùng đến.

Tất nhiên, nhu cầu của cuộc sống khiến chúng ta không thể nhịn mua sắm hoàn toàn, ngay cả đối với những người “nghiện” nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên tham khảo một số kinh nghiệm, giúp bạn kiểm soát việc mua sắm của mình hợp lý hơn.

Các bạn trẻ nên tự kiểm soát bản thân, tỉnh táo trước những chiêu trò “Big sale”

Các bạn trẻ nên tự kiểm soát bản thân, tỉnh táo trước những chiêu trò “Big sale”

Tự kiểm soát bản thân xem việc mua sắm có tốt cho mình hay không: Việc mua sắm tùy hứng không hẳn là một vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, nhưng nếu việc đó khiến bạn nợ thẻ tín dụng quá nhiều, hết tiền tiết kiệm hoặc xích mích với người thân về vấn đề tài chính thì hãy xem xét lại một cách nghiêm túc.

Lên kế hoạch theo dõi các khoản chi tiêu của bạn: Khi biết rõ số tiền của mình được dùng vào việc gì, bạn sẽ có ý thức dành tiền cho những thứ quan trọng nhất.

Nếu bạn có thẻ tín dụng thì một cách đơn giản để theo dõi chi tiêu là tra bảng phân tích chi tiêu của thẻ. Hầu hết các thẻ tín dụng đều cung cấp biểu đồ hình tròn trên mạng ghi lại chi tiết các khoản chi tiêu của bạn như thực phẩm, quần áo, nhà hàng,...

Nếu bạn muốn chủ động hơn thì hãy thử dùng các app lập ngân sách. Các app này cho phép bạn quy định số tiền chi tiêu cho mỗi tháng và theo dõi các khoản chi tiêu cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt ra các mục tiêu tài chính và xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền.

Chỉ mua những thứ bạn thực sự cần: Bạn có thể bắt đầu “cai nghiện” bằng cách hủy đăng ký nhận email quảng cáo từ các shop bán hàng trên mạng, kể cả email từ các nhãn hàng mà bạn yêu thích. Bạn cũng có thể điều chỉnh chế độ theo dõi của các trang mạng xã hội để các nhà quảng cáo không biết được sở thích của bạn là gì.

Ngoài ra, kinh nghiệm có thể giúp bạn tránh mua sắm quá tay trên mạng, đó là khi nhìn thấy một món hàng mà bạn muốn mua thì hãy tạm thời cho nó vào giỏ hàng và để sang ngày hôm sau xem lại, lúc đó có thể bạn sẽ cân nhắc có nên mua hay không.

Tỉnh táo trước những chiêu trò “Big sale”: Trên các trang thương mại điện tử rất hay có những “chiêu” như flash sale giả, đếm ngược giảm giá hay thiết kế các gian hàng đắt tiền trở nên bắt mắt hơn để bạn dễ bấm vào. Những lời quảng cáo kiểu như “ai đó đã mua được món hàng giảm giá từ shop này và tiết kiệm số tiền…” “chỉ còn 05 suất ưu đãi”... thực ra là không có thật, chỉ là những chiêu trò nhằm thu hút bạn mà thôi.

Các nhà nghiên cứu khuyên rằng người mua hàng nên cẩn thận khi nhìn thấy những lời mời chào như vậy, cũng như các đợt sale off có thời hạn hoặc thông báo “sắp hết hàng” khiến bạn cảm thấy bị áp lực phải mua ngay. Họ đã theo dõi các trang web có đếm ngược thời gian giảm giá và phát hiện một số trường hợp vẫn còn giảm giá sau khi hết giờ.

Anh Vũ Ban – một người từng làm quản lý kênh bán hàng online tại một shop thời trang chia sẻ, ngoài các chương trình khuyến mãi lớn hàng năm như Black friday, Noel, ngày hội độc thân,... các hãng còn có rất nhiều cách để khiến khách hàng phải móc ví, như áp dụng giờ vàng khuyến mãi, mua từ hai sản phẩm sẽ được free ship, tích điểm ưu đãi khách hàng thường xuyên, dùng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng để kích thích tâm lý khách hàng,...

“Làm ra tiền đã khó, việc chi tiêu sao cho hợp lý lại càng khó hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ chỉ cần click chuột, bạn có thể mua cả thế giới như hiện nay. Do đó, hãy cân nhắc để trở thành người tiêu dùng thông minh” – anh Ban lưu ý.

Bạn có tự thấy mình đang mắc phải tình trạng “nghiện mua sắm” không? Hãy cùng chia sẻ cấp độ mua sắm của bạn nhé:

Loạt sếp lớn mạnh tay chi tiền tỷ mua gom cổ phiếu

Trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá và nhà đầu tư miệt mài bán ra, nhiều sếp lớn doanh nghiệp lại mạnh tay chi tiền tỷ gom mua cổ phiếu doanh nghiệp mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN