Tiết kiệm 100.000đ mỗi ngày, người trẻ sẽ trở thành tỷ phú
Nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền, lương vừa mới nhận đã hết sạch trong ít ngày. Song theo các chuyên gia tài chính, nếu mỗi ngày tiết kiệm 100.000đ, người trẻ hoàn toàn có thể trở thành tỷ phú trong tương lai.
Hưởng thụ hay tiết kiệm cho tương lai?
Chi tiêu hợp lý là chuyện không đơn giản với các bạn trẻ. Thay vì lập kế hoạch dành dụm, tích cóp, một số người chọn tiêu xài tùy ý để chiều theo cảm xúc cá nhân.
“Thu nhập của mình chủ yếu để dành đi du lịch nhiều hơn là vấn đề tích lũy. Việc mua nhà mua xe hoặc đầu tư sẽ là kế hoạch của sau tuổi 30”, Thái Duy (26 tuổi, Hà Nội).
Thái Duy (26 tuổi, Hà Nội) - Nhân viên tư vấn tại một công ty đào tạo cho hay, anh yêu thích du lịch trải nghiệm nên số tiền và thời gian anh có hầu hết dành cho du lịch.
“Mình yêu thích khám phá nhiều vùng đất mới. Mình cũng chưa bị ràng buộc gia đình hay gì cả nên thu nhập của mình chủ yếu để dành đi du lịch nhiều hơn là vấn đề tích lũy. Kế hoạch du lịch trong năm nay mình đã có và cũng đã đặt vé, đặt phòng xong. Mình nghĩ tuổi trẻ, có sức khỏe ngoài công việc thì nên trải nghiệm cuộc sống. Việc mua nhà mua xe hoặc đầu tư sẽ là kế hoạch của sau tuổi 30”, Thái Duy chia sẻ.
Nhiều người trẻ không ngại chi tiền cho mua sắm online
Kiều Trang (28 tuổi) - làm việc tự do với thu nhập mỗi tháng khoảng 25 - 30 triệu đồng, lại độc thân, cô gái này cũng thường dùng tiền để sắm sửa, làm đẹp và đi ăn uống với bạn bè.
“Mình thường xuyên mua hàng online, hầu như ngày nào mình cũng có ít nhất 1 đơn hàng ship tới.” - Kiều Trang (28 tuổi).
“Mình thường xuyên mua hàng online, hầu như ngày nào mình cũng có ít nhất 1 đơn hàng ship tới. Thường thì là đồ ăn, thi thoảng là đồ dùng cá nhân,... Cuối tuần, khi rảnh rỗi mình đi mua sắm, xem phim hoặc đi ăn cùng bạn bè” – Trang chia sẻ.
Theo lý luận của Trang, có lẽ cô hơi hoang phí nhưng làm ra tiền cần dành những khoản đầu tư cho bản thân.
Tương tự, Yến Nhi (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) dù đã đi làm hơn 3 năm nhưng cũng thường xuyên trong trạng thái cháy túi. Với thu nhập từ công việc văn phòng hơn 15 triệu đồng/tháng, Nhi tiêu xài khá thoải mái như một cách tự thưởng sau những giờ phút làm việc vất vả.
“Dù đã đi làm hơn 3 năm với thu nhập 15 triệu đồng/tháng nhưng mình cũng thường xuyên trong trạng thái cháy túi” - Yến Nhi (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội).
Mỗi tháng, sau khi trả tiền trọ và các khoản lặt vặt chiếm 1/3 thu nhập, số tiền còn lại được Nhi "xõa" vào những lần tụ tập cà phê, ăn uống nhậu nhẹt và đôi lần quẹt thẻ shopping "sương sương" cả triệu bạc. Tháng nào đi du lịch, tiền lương của cô còn bốc hơi nhanh hơn nữa. Do sống một mình, đi làm cả ngày nên những bữa cơm chính của cô gái quê Thái Nguyên luôn là ở quán xá hoặc đặt đồ ăn qua app.
Nhiều bạn trẻ quyết định làm nhiều công việc cùng lúc ngay sau khi ra trường để tăng thu nhập
Giống như Kiều Trang, Yến Nhi cũng nhận thấy bản thân xài tiền khá phung phí. Cô hầu như không kiểm tra mình còn bao nhiêu tiền. Thậm chí, có thời điểm chưa đến kỳ lĩnh lương tiếp theo, cô đã phải vay mượn để sống qua ngày...
Tuy nhiên, có những bạn dù tuổi còn khá trẻ nhưng đã sớm lên kế hoạch tài chính nghiêm ngặt cho bản thân.
Thùy Anh (nhân viên dịch thuật 29 tuổi, Bình Dương) cho hay, nhờ làm hai việc một lúc nên đã tự mua được mảnh đất cho riêng mình.
“Nhờ làm hai việc một lúc nên tôi đã tự mua được mảnh đất cho riêng mình” - Thùy Anh (nhân viên dịch thuật 29 tuổi, Bình Dương).
Thùy Anh chia sẻ: “Ở Việt Nam và châu Á vẫn dễ dàng tăng thu nhập bằng cách bán sức lực. Như tôi, hiện làm việc tại một công ty dịch thuật ở Sài Gòn, cuối năm 2018, bản thân nhận ra với mức lương 14 triệu đồng, sống một mình, ở nhà thuê, điện nước và ăn uống chi phí tầm 7 triệu đồng thì có thể dư tầm 4 triệu đồng một tháng nếu tiết kiệm.
Tôi quyết định đi làm thêm tại một trung tâm đào tạo ngoại ngữ ngoài giờ hành chính, mỗi tháng thêm được gần 10 triệu đồng nữa. Tôi kiên trì làm việc, hơn một năm sau đó tiết kiệm được 150 triệu đồng”.
Cuối năm 2021, Thùy Anh quyết định vay ngân hàng 300 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi + gốc 4,5 triệu đồng rồi mua một miếng đất ở quê. Thùy Anh kể trước khi đi làm thêm, buổi tối sau giờ làm thường coi phim online tới khuya, có hôm đến 2-3h sáng. Sau khi đi làm thêm, hết việc tại công ty là ăn rồi nghỉ ngơi, sau đó đi làm thêm, cũng tới tầm 10 giờ tối về, cô ăn thêm và ngủ tới sáng.
“Gia đình ở quê không khá giả gì, là con gái lại xa nhà nếu tôi có bất trắc gì cũng không ai lo được. Tôi nghĩ, cố gắng làm và giảm bớt chi tiêu cá nhân cũng không đến nỗi quá khổ. Chỉ có nỗ lực hơn mới có thành quả. Tôi chưa phải là giỏi, nếu những người giỏi mà chịu khó thì kết quả còn tốt hơn nữa” nữ nhân viên dịch thuật cho biết thêm.
Nhờ ứng dụng công nghệ, anh Quang liên tục lọt top doanh số cao nhất nhì công ty
Tương tự, Nguyễn Văn Quang, 28 tuổi (Hưng Yên) cho hay, anh chuẩn bị kết hôn. Thời gian này vừa bận đi làm, hoàn thiện căn hộ mới mua và chuẩn bị các thủ tục cưới xin khiến anh bận kín ngày.
“Sau gần 5 năm đi làm và tiết kiệm, đầu năm nay tôi gom tiền mua một căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng. Thời gian này tôi vừa đi làm, hoàn thiện căn hộ mới mua và chuẩn bị các thủ tục cưới xin nên hơi bận” - Nguyễn Văn Quang, 28 tuổi (Hưng Yên).
“Năm 23 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu công việc tại một showroom ô tô. Nhờ có kiến thức về công nghệ, tôi ứng dụng các kênh thương mại điện tử và luôn may mắn đạt doanh số cao top nhất nhì công ty. Sau gần 5 năm đi làm và tiết kiệm, đầu năm nay tôi gom tiền mua một căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng, tất nhiên có một phần nhỏ giúp đỡ từ bố mẹ tôi” – anh Quang chia sẻ.
Theo anh Quang, mỗi người có một tiêu chí sống cho riêng mình, song với những người có xuất phát điểm càng thấp, thì càng có nghĩa vụ cố gắng gấp 2, gấp 3 người khác để bằng và vượt họ, nếu không sẽ mãi mãi tụt lùi. Với những người trẻ, nên sống và hưởng thụ nhưng cũng luôn cần có kế hoạch cho bản thân. Đừng bao giờ mơ mộng người khác đứng lại chờ mình mà chỉ là khoảng cách ngày càng xa mà thôi.
67% người Việt Nam còn loay hoay vấn đề quản lý tài chính
Về cơ bản, theo các chuyên gia, người trẻ Việt đang khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính, đặc biệt là thế hệ cuối 9X và gen Z, họ chưa biết cách kiểm soát chi tiêu.
Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng công bố, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan.
Khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính.
Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc của nước ta xếp cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát. Với nhiều người, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm (tỷ lệ 67%). Các khó khăn khác bao gồm: nợ nần, dành dụm tiền về hưu, cách thức quản lý tiền bạc, hay cách quản lý danh mục đầu tư.
Theo các chuyên gia, người trẻ Việt đang khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Không phải bạn không làm trong lĩnh vực kinh tế là không cần quan tâm về những kiến thức này vì tài chính là nền tảng cho tương lai của mỗi người và quản lý tài chính có thể bắt đầu đơn giản từ việc kiểm soát chi tiêu và đầu tư đúng mục đích.
Chị Huỳnh Tú Bình cho rằng các bạn trẻ nên hạn chế sử dụng thẻ tín dụng, mua sắm không cần thiết để quản lý tài chính cá nhân
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, chị Huỳnh Tú Bình, một nhà tư vấn tài chính cá nhân và doanh nghiệp tại TP HCM cho biết việc đầu tiên mỗi khi lĩnh lương hàng tháng phải list ra danh sách bắt buộc phải thanh toán. Ví dụ: điện, nước, điện thoại, Internet, sinh hoạt ăn uống, xăng hoặc tiền thuê phòng (ưu tiên thanh toán trước để không vướng nợ). Tức là những thứ còn lại không bắt buộc sẽ cho vào danh sách thứ 2 (không ưu tiên): tiệc, sinh nhật, đi ăn ngoài, mua sắm. Sau khi tách ra chi phí cơ bản đã nắm thì sẽ cân đối theo thu nhập bắt buộc trích 10% trên tài khoản lương gởi tiết kiệm định kỳ tương lai, lãi nhập vốn, con số sẽ tăng dần theo thời gian. Và phải trích 10% đầu tư dài hạn cổ phiếu, không lướt sóng. Phải tham gia về bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm nhân thọ (theo khả năng tài chính, nên mua gói thấp nhất). Sau khi trừ hết các khoản này chỉ trích 5% để giao tiếp khi cần. Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng, mua sắm không cần thiết.
“Việc đầu tiên mỗi khi lĩnh lương hàng tháng phải list ra danh sách bắt buộc phải thanh toán. Đồng thời, nên hạn chế sử dụng thẻ tín dụng, mua sắm không cần thiết” - chị Huỳnh Tú Bình, một nhà tư vấn tài chính cá nhân tại TP HCM.
Trong thời điểm lạm phát tăng cao, nếu vay mượn ngân hàng mua nhà trả góp 15-20 năm thì việc thuê nhà cũng là giải pháp, khi đầu óc tỉnh táo không nợ có thể thu nhập còn cao hơn. Phải xác định đâu là tài sản và tiêu sản.
Người trẻ ngày càng dễ dàng mua hàng online qua các ứng dụng công nghệ
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc của AFA Capital cho biết: "Khi đồng lương về, các bạn bao nhiêu tuổi thì bạn trích từng đấy phần trăm để chúng ta đi đầu tư lâu dài, còn phần còn lại tuổi trẻ mà phải có những trải nghiệm, phải đi du lịch, phải gặp gỡ bạn bè và đầu tư vào bản thân là năng lực, kiến thức, các mối quan hệ xã hội để làm sao mà từ đó tạo ra dòng tiền lớn trong tương lai. Quản lý tài chính là một dạng kỹ năng, khi các bạn trẻ hiểu là cần có một kỹ năng để có một khoản tích lũy dành cho mình trong tương lai thì các bạn sẽ kiểm soát được chi tiêu".
“Với những cá nhân đang ở độ tuổi 25 hiện nay, chỉ cần tiết kiệm 1 cốc cà phê hạng sang mỗi ngày (100.000đ/cốc), tương đương các bạn tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Sau 30 năm, số tiền gốc và lãi thu được sẽ lên hơn 5 tỷ đồng”... - chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Thanh Minh.
Trong một chia sẻ với báo chí về chủ đề tiết kiệm để làm giàu mới đây, chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Thanh Minh - thành viên của Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam cho biết, với những cá nhân đang ở độ tuổi 25 hiện nay chỉ cần tiết kiệm 1 cốc cà phê hạng sang mỗi ngày (100.000đ/cốc), tương đương tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng để gửi tiết kiệm với lãi suất 9%/năm thì sau 30 năm (tương đương khi 55 tuổi) số tiền gốc và lãi thu được sẽ lên tới hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu đạt mức lợi nhuận 12%/năm như đầu tư vào BĐS trung bình trong 20 năm gần nhất thì số tiền tiết kiệm này có thể đạt được từ 10 đến 11 tỷ đồng. Nếu đạt được mức lợi nhuận 15%/năm như thị trường cổ phiếu trong 20 năm vừa qua thì số tiền đạt được có thể lên tới 15 tỷ đồng sau 30 năm tiết kiệm. “Với số tiền này có thể giúp chúng ta trở thành những tỷ phú”, ông Minh nhấn mạnh.
Chi tiêu như thế nào là hợp lý?
Theo chị Huỳnh Tú Bình, việc một số bạn trẻ thường xuyên than thở vừa lĩnh lương đã cạn tiền bởi nhóm người này hay mua hàng vô tội vạ, thậm chí không xài vẫn mua, hoặc mua sai mục đích vượt xa tài chính mình đang có. Có nhiều bạn vừa để dành được vài trăm triệu là quyết định vay mượn một phần đi mua xe hơi (vừa đủ số tiền mình đang có) hoặc vay mượn thêm để mua đất (do suy nghĩ sẽ tăng giá) ... Vậy nếu như miếng đất đó không tăng giá thì sao? Trong lúc kẹt, cạn tiền, không xử lý được. Các bạn trẻ thường bị cám dỗ vật chất, nên không quản lý được tài chính. Nếu kiểm soát được, phân tài khoản rạch ròi, kiên định sẽ kiểm soát được dòng tiền, tích luỹ...
“Cần có một thái độ đúng trong chi tiêu, nó nằm giữa bần tiện và hoang phí”... Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Quản lý tài chính cá nhân trở thành chủ đề được quan tâm của giới trẻ hiện nay
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Chuyên gia tài chính lại cho rằng: "Cách chi sẽ quyết định thành tựu cuối cùng, tức là cách hành động chi thì đừng chi theo xu hướng mà hãy chi theo ý đồ của mình. Phải giữ bằng được trong thế giới hiện đại này là kỷ luật tài chính. Chỉ có một thái độ đúng trong chi tiêu đó là chi tiêu trên nền tảng tiết kiệm, nó nằm giữa bần tiện và hoang phí, cái gì cần tại sao không tiêu, còn không cần một xu cũng chào".
Cuộc hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân, việc kiểm soát chi tiêu, quản lý chính để xây dựng nền tảng tương lai cho chính mình cũng như vậy. Đặt mục tiêu và kiên trì với mục tiêu đó từ sớm để người trẻ không còn "loay hoay" với tiền.
Hiện tại, đã có một nửa thế hệ Z bước chân vào thị trường lao động. Trong những năm đầu của sự nghiệp, Gen Z thường có xu hướng phân biệt rạch ròi giữa các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, với lối sống cởi mở, suy nghĩ “chúng ta chỉ sống một lần trên đời”, họ đã vô tình quên đi các mục tiêu tài chính của bản thân và nhanh chóng rơi vào cảnh “chưa hết tháng đã hết tiền”.
Khi tài chính thay đổi liên tục, kỷ luật tài chính cá nhân được coi là yếu tố then chốt quyết định cuộc đời của mỗi người.
Lối sống YOLO (You only live once – “Ta chỉ sống một lần trên đời”) vừa giúp thế hệ Z được sống trọn vẹn cuộc đời của mình, đồng thời cũng là con dao hai lưỡi khiến họ “kiệt quệ tài chính” khi mà đồng tiền giờ đây đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống của Gen Z ngày càng đa dạng, cùng với sự leo thang chóng mặt của vật giá đã gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực lên chính túi tiền của họ. Chính vì thế, biết được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân đúng đắn sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Nguồn: [Link nguồn]