"Tiền nhà 7 triệu/tháng khiến tôi ngộp thở": Nên dành bao nhiêu % thu nhập để thuê nhà?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tiền thuê nhà là khoản phí khá lớn mà nhiều người phải chi trả mỗi tháng. Để quản lý được tài chính cá nhân, bạn cần cân nhắc số tiền thuê nhà cho phù hợp với thu nhập.

“Khủng hoảng" vì tiền thuê nhà

Đây là câu nói của Nguyễn Thùy Trang, 25 tuổi, đang làm việc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khi chia sẻ về câu chuyện thuê nhà của mình. Vì tiền thuê nhà quá cao khiến quỹ chi tiêu của cô khủng hoảng và rơi vào tình trạng “cháy túi” kéo dài khoảng gần nửa năm qua, trước khi dọn đến không gian sống mới với chi phí rẻ hơn.

Trang cho hay, khi mới đi làm, vì muốn ở trọ gần nơi làm việc nên cô đã thuê nhà cùng một bạn đồng nghiệp, căn hộ rộng hơn 60m2 với giá tiền 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chi phí  khác như điện nước, phí dịch vụ, gửi xe,…) là thêm khoảng 1 triệu đồng.

Tiền thuê nhà khiến nhiều người trẻ cảm thấy áp lực

Tiền thuê nhà khiến nhiều người trẻ cảm thấy áp lực

“Với tổng chi phí khoảng 8 triệu, nếu chia sẻ 2 người thì cũng không căng thẳng lắm. Chúng tôi ở cùng hơn một năm thì người bạn đó chuyển công việc vào TP HCM. Tôi thì bận đi làm cả ngày, nên cứ nấn ná chưa tìm được người thuê ở cùng. Kỳ đóng tiền nhà thì 3 tháng một lần. Cuối tháng 6 vừa qua, khi chuẩn bị tới kỳ đóng tiền tiếp theo, tôi quyết định chuyển nhà vì không muốn mình rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính - một mức chi “quá sức" với mức thu nhập 14 triệu đồng. Thực sự, tiền thuê nhà tốn quá nhiều trong quỹ tài chính của tôi” – Thùy Trang nói.

Thay vì căn hộ 60m2 với chi phí 8 triệu mỗi tháng, nơi ở mới của Thùy Trang là căn hộ nhỏ với chi phí chưa tới 3 triệu đồng/tháng.

“Mình đi làm cả ngày, giờ mình thuê một căn phòng nhỏ với chi phí 3 triệu đồng/tháng giúp mình cảm thấy dễ thở hơn nhiều. Nhớ lại khoảng thời gian trước, sáng mình bận chuyện công ty còn khi về nhà thì áp lực nhân đôi vì lo tiền thuê nhà” – Trang nói thêm.

Tương tự, Hải Anh (quê Yên Bái) cũng cho hay, hiện cô đang thuê một phòng trọ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Với mức lương 12 triệu/tháng, tiền thuê trọ 5,5 triệu (đã bao gồm điện nước) cũng khiến cuộc sống của cô luôn “ngộp”.

“Mức này khá cao so với thu nhập của mình nhưng cũng không còn cách nào khác, vì phòng trọ đắt đỏ mà mình muốn một chỗ ở sạch sẽ, thông thoáng chút. Vì vậy đành cắt giảm chi tiêu khác. Hiện tại, mình cũng chưa tính sẽ về quê làm hay mua nhà ở đây vì việc này không thể nói trong ngày một ngày hai được”- Hải Anh bày tỏ.

Được biết, căn hộ dịch vụ với đầy đủ các tiện nghi như thang máy, máy lạnh và các nội thất khác tại các quận nội thành luôn hút khách thuê. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, phân khúc có giá trên 6 triệu đồng mỗi tháng dường như ít được tìm kiếm so với những phân khúc thấp hơn. 

Anh Trần Trung Hiếu, hiện đang là chủ của một số căn hộ dịch vụ ở tại quận Ba Đình, chia sẻ căn hộ cho thuê hơn 6 triệu đồng/tháng của anh đã đăng tin hơn 5 tháng trời mà vẫn chưa tìm được khách thuê. Anh chia sẻ, trước đây với đầy đủ những tiện nghi mà anh trang bị cùng nội thất được bài trí, căn hộ của anh rất hút khách, tỉ lệ kín phòng luôn ở mức cao. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tỉ lệ khách trả phòng có xu hướng tăng, trong khi khách thuê lại “vắng bóng”.

Vậy chi phí thuê nhà nên là bao nhiêu thì hợp lý? 

Dành số tiền bao nhiêu cho việc thuê nhà có lẽ là điều nhiều bạn trẻ còn chưa có câu trả lời rõ ràng nhất. Nhiều người lựa chọn một nơi ở đẹp vì nghĩ sau khi đi làm mệt mỏi ở bên ngoài thì tổ ấm là nơi họ muốn dành nhiều tiền nhất để đầu tư, tìm cảm giác thư thái. Hoặc cũng có người thích chọn một nơi ở thuê có giá rẻ để tiết kiệm chi phí, dành tiền của mình cho các việc khác quan trọng hơn trong cuộc sống.

50/20/30 là quy tắc quản lý tài chính đơn giản và ứng dụng hiệu quả

50/20/30 là quy tắc quản lý tài chính đơn giản và ứng dụng hiệu quả

Dù mục tiêu và suy nghĩ của bạn là gì, đó đều là điều đúng đắn, một quyết định của riêng bạn để phù hợp nhất với tài chính và cảm xúc. Tuy nhiên, vẫn có những công thức tính % cụ thể mà các chuyên gia tài chính hướng dẫn cho mọi người nên tuân theo trong việc dùng tiền để thuê nhà.

Bởi đứng ở góc độ tài chính cá nhân thì một căn nhà đắt hơn so với thu nhập là không tốt còn rẻ hơn thì khi sống lâu dài sẽ giảm đi chất lượng sống, khiến tinh thần bạn mệt mỏi và kiệt quệ hơn.

Theo chị Kim Liên – Chuyên gia tài chính cá nhân thì người trẻ hay các gia đình chỉ nên chi từ 20% đến 30% thu nhập của mình dành cho việc thuê nhà.

“Công thức trên dựa trên quy tắc tài chính 50/20/30. Đây là quy tắc từng được đề cập trong cuốn sách: "All your worth: The ultimate lifetime money plan" năm 2005 do Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts giới thiệu. 50/20/30 là quy tắc quản lý tài chính đơn giản, dễ hiểu nhất mà bất cứ ai cũng có thể thực hành để tối ưu sử dụng tiền hiệu quả” – chuyên gia trẻ lưu ý.

Quy tắc 50/20/30 sẽ phân chia thu nhập của bạn vào 3 nhóm chính, với tỷ lệ 50% - 20% - 30%. Các nhóm ngân sách được chia dựa trên nhu cầu cơ bản, thực tế mà bất cứ ai cũng gặp trong vấn đề quản lý sử dụng tiền. Do vậy, 50/20/30 sẽ tạo nên kế hoạch quản lý tiền đơn giản nhưng dễ hiểu để thực hiện.

Trong đó 50% cho nhu cầu thiết yếu, 20% cho tiết kiệm - đầu tư và 30% còn lại dành cho mong muốn cùng sở thích cá nhân. Việc thuê nhà sẽ nằm trong nhóm 50% cho nhu cầu thiết yếu. Cụ thể, trong nhóm chi tiêu thiết yếu thì nhà ở chiếm 1 nửa, còn 1 nửa là ăn uống sinh hoạt phí.

Như vậy, với một người độc thân thu nhập 20 triệu/tháng thì thuê nhà trong khoảng 4 triệu - 6 triệu là vừa phải, ăn uống 5 triệu thành 10 triệu. Còn lại 6 triệu để chi tiêu thiết yếu bao gồm đi chơi, học học, mua sắm. Và 4 triệu còn lại để đầu tư lâu dài.

“Áp dụng công thức % đơn giản này sẽ giúp mọi người biết ngay số tiền mình có thể chi cho việc thuê nhà tính dựa trên thu nhập mỗi tháng. Căn chỉnh sao cho phù hợp để vừa có nơi ở thoải mái, lại không làm ảnh hưởng tới tài chính cá nhân” – chị Liên nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì một lỗi hy hữu, doanh nghiệp này đã đưa ra kế hoạch doanh thu tới gần 6.6 triệu tỷ đồng theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong khi đó, GDP cả nước năm 2023 khoảng 11 triệu tỷ đồng (433.7 tỷ USD).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN