Thu nhập mỗi tháng vài chỉ vàng, gen Z vẫn luôn "cháy túi": Vì sao?
Dù kiếm tiền giỏi hơn thế hệ bố mẹ với thu nhập trung bình hàng tháng từ 30 triệu tương đương 4 – 5 chỉ vàng, song nhiều bạn trẻ gen Z vẫn phải nhờ bố mẹ trợ giúp, thậm chí có tháng phải vay mượn bạn bè để sinh hoạt.
Ngọc Hân (24 tuổi), nhân viên tại một công ty thiết kế nội thất (Hà Nội) cho hay, hàng tháng thu nhập trung bình của cô khoảng 30 - 40 triệu tương đương 4 – 5 chỉ vàng, tuy nhiên do chi tiêu không có kế hoạch nên hầu như tháng nào cô cũng chật vật thậm chí có tháng phải vay mượn bạn bè để sinh hoạt.
“Thu nhập cố định mỗi tháng của em là 30 triệu, nếu tính các khoản phụ thu có thể lên tới 40 – 50 triệu/tháng. Tuy nhiên, cuối tháng em vẫn trong tình trạng thiếu tiền và phải nhờ trợ giúp từ bạn bè.
Thay vì tiết kiệm tiền mua nhà, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi cả chục triệu đồng mỗi tháng để thuê nhà ở
Hàng tháng, ở xa nhà trong khi công việc của em có các đồ nghề thiết kế cồng kềnh nên em thuê trọ một mình một căn hộ chung cư 10 triệu/m2 chưa kể các chi phí sinh hoạt kèm theo như tiền điện nước, tiền ăn, xăng xe,... Ngoài ra, thi thoảng em đi công tác và các buổi tiệc tụ tập bạn bè khiến chi phí đội lên khá nhiều. Nếu tháng đó em không có khoản thu nhập phụ thì lại bị thiếu tiền và phải vay mượn bạn bè”, Ngọc Hân cho hay.
Tương tự, Hà Anh – chuyên viên tư vấn dự án tại một công ty quảng cáo (TP HCM) cũng chia sẻ, trung bình thu nhập mỗi tháng của cô là 1.000 USD, chưa kể thu nhập khi cô tham gia tại các dự án bên ngoài. Song do thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát, một phần do các chi phí sinh hoạt tại thành phố khá đắt đỏ, nên Hà Anh thường mắc phải các khoản nợ tín dụng, có khi phải cầu cứu hỗ trợ từ gia đình.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, việc tiết kiệm tiền của giới trẻ khó khăn hơn nhiều so với cha mẹ của họ.
Báo cáo Sức khỏe ngành Tài chính và Ngân hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Back base thực hiện đầu năm 2021, cho thấy có đến 67% người trẻ Việt được khảo sát đang cảm thấy căng thẳng về tình trạng tài chính. Tỷ lệ không biết kiểm soát tiền của các bạn trẻ tại Việt Nam cũng cao nhất trong 10 nước được khảo sát.
Có những bạn thu nhập hàng tháng từ 30 - 50 triệu nhưng vẫn "cháy túi" vì không biết kiểm soát thu chi
Ông Ngô Thành Huấn – Giám đốc vận hành công ty tư vấn tài chính cá nhân cho biết, thói quen tiêu tiền của giới trẻ hiện nay hoang phí hơn nhiều các thế hệ trước, trong đó tính cả chi tiêu thiết yếu và chi tiêu hưởng thụ.
“Nếu như ngày trước, các thế hệ 7x – 8x từ tiền thu nhập họ có thể tiết kiệm được từ 30 – 50%, nhưng ngày nay việc tiết kiệm với họ là rất khó khăn. Ví dụ, với các bạn trẻ dưới 30 tuổi có thu nhập khoảng 40 triệu/tháng nhưng chỉ một số ít có thể tiết kiệm được 20%.
Sở dĩ vậy, bởi đa số họ được sinh ra trong gia đình có 2 – 3 anh chị em, ngay từ nhỏ họ được bố mẹ đáp ứng các điều kiện sống khá tốt. Khi có thể kiếm được tiền họ vốn đã quen với cách sống đủ đầy, một phần họ cũng không quá bị áp lực về việc phải tiết kiệm; hơn nữa, ngày nay các bạn trẻ phải đối diện quá nhiều cám dỗ khiến phát sinh các khoản chi phí, như mua sắm, du lịch, tiệc tùng, ca nhạc, xem phim,... với chi phí đội lên bằng cả tháng lương. Do đó, việc các bạn trẻ khó có thể tiết kiệm được tiền cũng là điều dễ hiểu.
Cafe, trà sữa, tiệc sinh nhật, ca nhạc, phim ảnh,... là những chi phí không hề nhỏ của nhiều bạn gen Z
Góp ý thêm về câu chuyện này, anh Nguyễn Hữu Bằng (45 tuổi) – một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực quản lý nhân sự, cho hay: “Đồng ý là các bạn Gen Z lớn lên trong thời điểm hội nhập kinh tế toàn cầu, các bạn tiếp cận sớm với các xu hướng và nền tảng MXH nên phải đối diện nhiều "cám dỗ" chi tiêu hơn so với các thế hệ trước. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như kinh tế khó khăn, lạm phát, giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn và các bạn khó có thể tiết kiệm tiền. Song, tôi thiết nghĩ việc đầu tư cho những trải nghiệm của bản thân là tốt, nhưng các bạn Gen Z cũng nên cân đối giữa thu nhập và chi tiêu cho phù hợp; nên có cho mình một kế hoạch quản lý tài chính cá nhân cụ thể, tích lũy một khoản tiết kiệm vừa phải để đầu tư cho tương lai”.
Đồng quan điểm, chị Hoàng Yến (36 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng cho rằng, ngoài các khoản chi phí cố định như tiền nhà, tiền ăn và sinh hoạt phí thì rất nhiều bạn trẻ dành khoản tiền không hề nhỏ cho các chi phí cafe, trà sữa, thẻ tập gym, ca nhạc, phim ảnh,... “Nếu các bạn thường xuyên giữ lối sống sang chảnh như vậy thì đa số thu không thể đủ bù chi và sẽ cần người thân hỗ trợ cả đời” – chị Yến nói thêm.
“Sau nghỉ Tết, hiện em đang có sẵn một khoản tiền nhàn rỗi nho nhỏ, khoảng 220 triệu. Các chị có kinh nghiệm tư vấn giúp em nên làm gì với số tiền đó ạ?”
Nguồn: [Link nguồn]