Thu nhập hai vợ chồng 60 triệu, vẫn “sống khổ” vì áp lực… mua nhà
“Tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn 60 triệu mỗi tháng, nhưng vì chưa có nhà riêng nên chúng tôi phải tính toán, tích góp từng đồng để hoàn thành mục tiêu mua nhà trong năm sau. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật áp lực và tẻ nhạt”.
Đó là những dòng chia sẻ của chị Phạm Minh, trên một trang diễn đàn về tài chính cá nhân mới đây. Câu chuyện của chị Minh đã thu hút hàng trăm lượt quan tâm bình luận. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng cảm, nhiều người thì để lại góp ý và những chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tài chính, chuyện mua nhà…
Cụ thể, chị Phạm Minh chia sẻ: “Tôi là nữ, 30 tuổi, đang làm bác sĩ tại Hà Nội. Chồng tôi làm kỹ sư. Hàng tháng, thu nhập của chồng thường thấp hơn tôi, nhưng tổng thu nhập mỗi tháng của hai người khoảng hơn 60 triệu đồng.
Nếu chỉ để chi tiêu cơ bản cho cuộc sống thì với mức thu nhập trên chúng tôi có thể hoàn toàn sống thoải mái. Tuy nhiên, vì chưa có nhà riêng nên vợ chồng tôi lại phải tiết kiệm tối đa để dành tiền mua nhà.
Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng hơn 60 triệu đồng, nhiều người cảm thấy áp lực vì chuyện mua nhà
Hai vợ chồng tôi đều xuất thân từ gia đình nghèo, tỉnh lẻ, mọi thứ đều phải tự thân phấn đấu, hai bên gia đình không hỗ trợ được gì. Vì vậy, chúng tôi không dám hoang phí mà chỉ còn cách là chi tiêu những thứ cần thiết nhất. Mỗi tháng, chi tiêu sinh hoạt của hai vợ chồng gồm tiền ăn và tiền thuê nhà cũng hết gần 20 triệu. Số tiền còn lại để dành cho kế hoạch mua nhà.
Tôi ít đi mua sắm quần áo, mỹ phẩm, mà nếu mua cũng đều giới hạn. Chúng tôi cũng không đi du lịch ở đâu xa, không ăn ngoài, ít tụ tập bạn bè. Cuộc sống của tôi mỗi ngày chỉ từ nhà đến cơ quan, rồi lại từ cơ quan về nhà.
Có những tháng, tôi dùng khoản tiền 40 triệu bỏ hết vào tài khoản tích lũy mà không dám tiêu đồng nào. Dường như điều đó đã trở thành một thói quen, thậm chí đôi khi tôi cũng không biết sẽ tiêu gì ngoài việc dùng tiền để tiết kiệm.
Đôi lúc, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt khi suốt ngày phải tính toán, tích góp từng đồng chỉ để hoàn thành mục tiêu mua được căn nhà trong năm sau. Thời gian gần đây, giá nhà ngày một leo thang, tôi lại thấy thêm áp lực vì với khoản tiền tích lũy hằng tháng, chưa biết khi nào có thể mua được nhà.
Có những lúc, tôi nghĩ ở thuê như thế này cũng tốt, một tháng chỉ mất 5 triệu tiền thuê nhà mà vẫn được ở nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, không gian đẹp, chi tiêu trong tháng lại thoải mái hơn nhiều. Chúng tôi có thể tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, hay đi du lịch thư giãn thay vì suốt ngày phải cố gắng tiết kiệm để đạt mục tiêu tích lũy.
Là bác sĩ, hằng ngày chứng kiến những chuyện sinh tử, đôi lúc tôi ngẫm, chúng ta cứ cố gắng làm rồi tích lũy để mua tài sản. Phấn đấu được cái nhà rồi lại phấn đấu mua cái xe, rồi có khi lại phấn đấu để đổi cái nhà đẹp hơn, mua cái xe xịn hơn. Cứ thế tạo thành một vòng lặp bất tận, vậy bao lâu nữa chúng ta mới được sống cho mình?”.
Ngoài tiết kiệm, các bạn trẻ nên tìm kiếm các cơ hội để tăng thu nhập
Câu chuyện Phạm Minh chia sẻ dường như khá quen thuộc với nhiều gia đình trẻ khi lập nghiệp tại các thành phố lớn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi giá nhà đất ngày một tăng cao, “mua nhà” trở thành bài toán khó với nhiều người. Người thì cho rằng để làm việc lớn, bạn cần kiên trì “tích tiểu thành đại”; tác giả nên cảm thấy vui vì 2 bạn đang có việc làm và đang có mục tiêu rất rõ ràng; Tuy nhiên, cũng theo góp ý của nhiều người từng có kinh nghiệm, để sở hữu nhà riêng, ngoài việc chăm làm và tiết kiệm thì mỗi người còn cần học cách quản lý tài chính để tiền đẻ ra tiền,… Cụ thể:
Tài khoản Oanh Dương bình luận: “Khi bạn có mục tiêu, hãy cứ làm rồi sẽ có lúc bạn sẽ thầm cảm ơn bạn của quá khứ đã nỗ lực thế nào để đạt được mục tiêu. Bạn từng dành nhiều năm đèn sách để trở thành bác sĩ và có được mức thu nhập như hiện nay. Nếu những năm đó bạn cũng nghĩ như bây giờ, tại sao phải phấn đấu, cứ chơi đi thì liệu có được như ngày hôm nay? Cuộc sống là những lựa chọn, được cái này thì phải chấp nhận cái khác, không có đúng sai tuyệt đối”.
Tương tự, tài khoản Ninh Giang góp ý: “Mua nhà là một trong những việc chính và lớn nhất đối với những người từ quê ra TP lập nghiệp, bạn nên tập trung cho mục tiêu đó, khổ trước sướng sau. 6 năm trước tôi 28 tuổi cũng như bạn lúc này. Khi mới kết hôn vợ tôi cũng lên kế hoạch tiết kiệm để mua nhà. Tuy nhiên, mình có quan điểm trái ngược hoàn toàn, thay vì chỉ tiết kiệm thì hãy dùng số tiền đó để phát triển bản thân, thử sức với các kiến thức mới về đầu tư, chứng khoán, bất động sản,.... Đến nay, sau hơn 6 năm kết hôn, mình đã mua được nhà và có 1 số dư tương đối trong tài khoản. Chúc bạn thành công!”.
Bên cạnh đó, một số người thì cho rằng “để khỏi phải sống khổ như tác giả chia sẻ, thì hãy “liệu cơm gắp mắm” mua nhà vừa túi tiền hoặc cứ vui vẻ ở thuê. Mình vẫn dành tiền cho mục tiêu mua nhà nhưng vẫn cần sống tốt mỗi ngày”; “Đúng là giá nhà đất ở các thành phố lớn quá đắt đỏ. Các cặp vợ chồng trẻ nếu tự làm và tiết kiệm để mua đất mua nhà sẽ là quá khó khăn. Thu nhập của bạn, thay vì chỉ tiết kệm, bạn nên vay ngân hàng mua nhà và trả dần. Chứ đợi tích cóp đủ tiền thì sẽ rất khó”...
Góp ý thêm về chủ đề mua nhà, chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn An Huy, cho rằng, tổng thu nhập mỗi tháng 60 triệu của hai bạn không phải là thấp. Các bạn nên dành một khoản cố định để chi tiêu sinh hoạt, đồng thời sử dụng đòn bẩy tại thời điểm này để mua căn hộ mong muốn. Trong đó, có thể xem xét ưu tiên phương án mượn tiền từ người thân để mua nhà (nếu có thể) hoặc vay ngân hàng.
“Nếu phải vay ngân hàng, lời khuyên của tôi dành cho các bạn là nên tiếp cận các ngân hàng lớn hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài để được vay với lãi suất thấp hơn các ngân hàng vừa và nhỏ. Ngoài ra, để đỡ áp lực, bạn nên cố gắng vay với kỳ hạn dài nhất có thể và nên lựa chọn phương án vay với lãi suất cố định trong khoản thời gian ưu đãi dài nhất" – chuyên gia Huy lưu ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 6 năm kết hôn, cặp vợ chồng trẻ đã đạt được ước mơ của mình, đó là mua nhà và mua xe. Điều đáng nói, tổng thu nhập của hai người khi mới cưới chỉ 13-14 triệu đồng/tháng...