Thu nhập cao nhưng vẫn "nghèo bền vững" do đâu?
Nhiều người trẻ thành thị hiện có mức thu nhập khá cao, có thể lên tới vài chục triệu một tháng. Tuy nhiên có một nghịch lý là một phần lớn trong số đó cũng không khác nhiều so với những người thu nhập thấp: cứ đên cuối tháng là hết tiền.
Câu chuyện một cặp vợ chồng ở thành phố lớn có thu nhập hàng chục triệu nhưng vẫn than hết tiền đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Trong khi một số người góp ý cho cặp vợ chồng trẻ tiết kiệm bớt một số khoản chưa hợp lý thì một số khác lại cho rằng không cần thiết phải than vãn hết tiền mà nên bằng lòng với những gì đang có, tự cảm thấy vui và hạnh phúc.
Cặp vợ chồng thu nhập 30 triệu một tháng nhưng vẫn hết tiền
Không biết cắt giảm chỗ nào
Kiếm nhiều, tiêu nhiều tiền là câu chuyện phổ biến ở các thành phố lớn. Như gia đình anh Minh, tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 50 triệu/tháng. Trừ đi 17 triệu tiền trả góp mua nhà, còn hơn 30 triệu, tháng nào gia đình cũng tiêu hết nhẵn. Anh chị nhìn mà không biết cắt giảm chỗ nào vì tất cả đều là thiết yếu như tiền học cho con, ăn uống, xăng xe điện nước hay bảo hiểm sức khoẻ. “Từ khi mua nhà là 2 vợ chồng tôi cũng phải tính toán chi li hơn, bớt đi ăn hàng quán hay mua sắm không cần thiết. Còn chi cho các con thì chắc chắn không giảm được.” Anh Minh cho biết
Độc thân cũng hết tiền
Tuy nhiên đây không chỉ là tình trạng với những người đã lập gia đình, có con nhỏ. Có lương tháng 20 triệu tháng và sống độc thân nhưng chị Mai cũng thường xuyên rơi vào tình trạng đến cuối tháng là hết tiền, thậm chí còn nợ thẻ tín dụng. Có lần, mở thống kê trên app điện thoại, chị mới giật mình khi biết tháng qua mình đã mua tới 18 triệu tiền quần áo. “Những lúc như vậy tôi cũng tự quyết tâm là sẽ mua sắm ít lại. Tuy nhiên đến tháng sau lại phát sinh những nhu cầu khác như làm đẹp hay du lịch nên vẫn là không để ra được gì.”chị Mai cho biết.
Nhiều người để dành một phần lớn thu nhập của mình cho nhu cầu làm đẹp, giải trí
Đối với một số người độc thân như chị, tiêu tiền, đầu tư cho chính mình khiến cuộc sống vui vẻ cũng là điều xứng đáng. Thực tế, theo khảo sát năm 2021 của PermataBank, một trong những lý do lớn nhất khiến giới trẻ (millennials) không thể tiết kiệm tiền chính là quan điểm “Bạn chỉ sống một lần trong đời”.
Người trẻ Việt còn yếu về quản lý tài chính cá nhân
Tuy nhiên vui vẻ trong hiện tại không đồng nghĩa để lại gánh nặng hay không kiểm soát được tương lai. Khái niệm quản lý tài chính cá nhân ở nước ta đến nay vẫn còn khá xa lạ. Trong khi đó ở các nước phát triển và ngay cả tại một số nước Đông Nam Á, đây là môn học được đưa vào chương trình phổ thông.
Theo khảo sát của MasterCard, Việt Nam đứng thứ 16/17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về chỉ số am hiểu tài chính. Trong đó kỹ năng quản lý tiền cơ bản có điểm số thấp nhất, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi. Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP cũng có xu hướng giảm dần trong những năm qua, đạt 29,11% vào năm 2020.
Các chuyên gia đã chỉ ra có 4 sai lầm về tiết kiệm mà người trẻ thường phạm phải, đó là:
Bắt đầu tiết kiệm quá muộn: Ví dụ nếu lãi suất tiết kiệm là 5%, nếu bắt đầu tiết kiệm hàng tháng vào năm 25 tuổi, bạn sẽ có số tiền gấp đôi vào năm 65 tuổi so với việc đợi đến năm 35 tuổi mới tiết kiệm.
Lạm phát lối sống: Xảy ra khi bạn coi hàng hoá xa xỉ là đồ thiết yếu. Điều này ngày càng phổ biến với sự phát triển của mạng xã hội khiến người trẻ có tâm lý “phải bằng bạn bằng bè”.
Không có quỹ tiết kiệm khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp rất cần thiết trong trường hợp đau ốm hay công việc có biến động. Tuy nhiên nhiều người lại quá tự tin mình có thể xoay sở và lờ đi những rủi ro này.
Để quá nhiều tiền vào các tài sản rủi ro cao: Cũng do mạng xã hội mà nhiều người có tâm lý làm giàu nhanh. Họ không quan tâm đến các hình thức truyền thống như tiết kiệm ngân hàng mà rót toàn bộ tiền vào các tài sản rủi ro cao như NFT hay tiền số.
Sau những lần tăng lãi suất tiết kiệm, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân cũng đã lên mức 13-14%/năm và doanh nghiệp tầm 10%/năm, tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm.
Nguồn: [Link nguồn]