Thu nhập 14 triệu/tháng, tôi vẫn không tiết kiệm được đồng nào
Mai Nguyễn (28 tuổi - nhân viên kế toán tại Hà Nội), đã kết hôn và chuẩn bị sinh con chia sẻ, hiện vợ chồng cô đang thuê căn hộ chung cư mini. Với thu nhập 14 triệu đồng/tháng, chị Mai lo lắng sẽ không đủ chi tiêu, đặc biệt khi có thêm em bé.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có cuộc tranh luận về câu chuyện thu nhập tối thiểu ở thành phố bao nhiêu là đủ, đã thu hút sự tham gia nhiều góp ý, bình luận.
Chị Mai Nguyễn (28 tuổi) chia sẻ, khoảng 3 năm trước khi vừa kết hôn, chị quyết định bám trụ lại Hà Nội. Lúc đó mức thu nhập của 2 vợ chồng rơi vào khoảng 25 triệu đồng, thuê 1 căn phòng 4 triệu, những khoản chi tiêu khác khá thoải mái. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại khi tính toán đến việc sinh con, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ lo ngại, khi sinh con chi phí tăng cao sẽ không thể tiết kiệm được
“Thật ra, theo mình thấy ăn uống ở thành phố không quá đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần tự nấu ăn, chi phí ăn uống sẽ giảm xuống rất nhiều. Song, khi đã kết hôn và chuẩn bị có con, nhà cửa trở thành vấn đề lớn. Hiện tại, thu nhập hai vợ chồng khoảng 28 triệu/tháng, nếu tiếp tục thuê nhà, bọn mình cần thuê nguyên căn hộ mini hoặc phòng lớn hơn rơi vào khoảng 6 triệu/tháng, chiếm đến 1/5 tổng thu nhập. Ngoài chi phí ăn uống sinh hoạt khoảng 12 triệu/tháng, khi có em bé, tiền sữa bỉm hàng tháng cần tối thiểu 5 triệu nữa. Như vậy, nếu muốn vừa sinh con vừa tiết kiệm mua nhà ở Hà Nội thì khá vô vọng”.
Tương tự, chị Trịnh Thị Minh Hoài (29 tuổi, sống ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết - nếu chỉ dựa vào thu nhập 14 - 15 triệu đồng/tháng sẽ rất khó sống ở thủ đô.
Lúc mới ra trường, lương khởi điểm của chị Hoài 6 triệu đồng/tháng, sau 5 năm gắn bó với công việc, hiện lương của chị khoảng 14 triệu đồng/tháng. Để có được mức lương như vậy, chị Hoài phải "ôm" cả việc vào cuối tuần.
Chị Hoài đã lập gia đình được 3 năm và có một bé trai 1 tuổi. Chồng chị Hoài làm nhân viên IT, thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Muốn an cư lạc nghiệp sớm, chị Hoài vay ngân hàng 800 triệu đồng để mua chung cư. Hằng tháng, vợ chồng trẻ phải trả hơn 8 triệu đồng tiền gốc và lãi.
Tính toán các khoản chi tiêu hàng tháng, chị Hoài liệt kê mỗi tháng: Con đi học 3,5 triệu đồng, sữa 3,5 triệu đồng, thực phẩm 9 triệu đồng, phát sinh khác 3 triệu đồng. "Tính ra, các khoản phải chi hàng tháng chúng tôi không thể để dư được nhiều. May mắn gia đình khoẻ mạnh nên không tốn thêm thuốc men, khám bệnh" - chị Hoài nói.
Câu chuyện chi tiêu và tiết kiệm tiền đang là trăn trở của phần lớn các gia đình trẻ đang “bám trụ” tại các thành phố lớn
Chia sẻ của chị Mai và chị Hoài ở trên, thực tế là trăn trở của phần lớn các gia đình trẻ đang “bám trụ” tại các thành phố lớn.
Góp ý về câu chuyện mặt bằng thu nhập và chi tiêu sao cho hợp lý, anh Nguyễn Duy Hưng – một nhân viên văn phòng bày tỏ: “Theo tôi ước tính nếu sống ở thành phố, lương của nhân viên phải đảm bảo đủ cho bản thân họ trang trải, gồm sinh hoạt (6 triệu đồng), nuôi một đứa con (3 triệu đồng), thuê nhà (3 triệu đồng), cùng một phần tích lũy phòng ốm đau, công việc phát sinh (2 triệu). Như vậy, mức 14 triệu đồng mỗi tháng mới đạt được mức tối thiếu đủ sống. Nếu chỉ được 10 triệu là khó khăn, nếu chỉ 7 triệu là quá khó khăn."
Còn với tài khoản có tên Minh Lan thì cho rằng, thu nhập 14 triệu/ tháng với người có gia đình thực sự rất khó sống nhưng lại là con số thoải mái với những người độc thân. Thậm chí, đối với người trẻ độc thân như cô, có thể chấp nhận ở nhà thuê cả đời, lối sống tối giản thì chỉ cần 10 triệu/ tháng cũng là mức thu nhập đủ sống rồi.
Bên cạnh đó, tài khoản này đồng thời cho rằng sau mỗi lựa chọn, mọi người cần phải tính toán cụ thể để tuyệt đối tránh cảnh vay nợ chỉ để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày. “Điều này có thể khiến mọi người rơi vào vòng xoáy nợ nần, đầu óc túng quẫn khó có thể dứt ra” - Minh Lan nhấn mạnh.
Có kinh nghiệm và cái nhìn thực tế hơn, tài khoản Hương Nguyễn bình luận: "Mình làm việc ở TP. HCM từ thời còn sinh viên vì ngại cảnh tốt nghiệp xong xách bằng đi xin việc. Do đó, lúc 27 tuổi đã làm quản lý và đạt mức lương 20tr/tháng. Song, 20 triệu cũng chẳng là gì ở đất Sài Gòn, chỉ là với mình nó ý nghĩa và đúng lộ trình.
Sau đó, để giảm bớt áp lực, mình thay đổi thành phố sống bằng cách chuyển về quê làm việc. Giờ về quê giờ hành chính vẫn đi làm thuê, vẫn làm quản lý, vẫn mức lương 20 triệu/tháng "theo quy trình cuộc đời", và quan trọng là mình làm chủ được một doanh nghiệp kinh doanh nhỏ của cá nhân và đã chủ động về tài chính.
Sau tuổi 30 mình nghiệm ra một điều, đó là ở đâu ko quan trọng, ko nhất thiết phải ở đô thị lớn, miễn mình biết mình muốn gì và có hành động cụ thể cho lộ trình cuộc đời là quá ổn rồi. Nhiều tiền cũng chẳng để làm gì, chỉ cần chủ động cuộc đời mình, được tự do tài chính theo mức sống và hạnh phúc với gia đình là quá ổn."
Cơ quan thuế đề xuất bắt buộc các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức...
Nguồn: [Link nguồn]