Thu nhập 10 triệu đồng/tháng ở Hà Nội: Cả tháng không dám ăn bát phở ngoài quán
Cho rằng, bỏ ra 45 nghìn đồng để ăn một bát phở vào buổi sáng là quá “sang” và tốn kém với mức thu nhập 10 triệu đồng của mình, để tiết kiệm chi phí, chị Quỳnh có thói quen ăn sáng bằng mì tôm, tự rang cơm ăn hoặc mua gói xôi 10 nghìn đồng.
Chị Thu Quỳnh (33 tuổi), trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chị làm công việc hành chính văn phòng với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù đang độc thân nhưng với chi phí đắt đỏ ở thành phố, từ đầu năm đến nay chị vẫn không để ra được đồng nào.
Nhận lương xong, tôi để ra luôn 2 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, khoảng 300 nghìn đồng tiền điện, 70 nghìn đồng tiền nước. Tiền ăn mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng, một tháng là 3 triệu đồng. Mới nhẩm sơ qua những khoản cố định này, chị Quỳnh đã tiêu hết hơn nửa số lương.
Ngoài tiền nhà, tiền ăn, chị Quỳnh cho biết, số tiền còn lại chỉ vài đám cưới hoặc sinh nhật bạn, đi thăm đẻ hoặc một chuyến về quê là hết.
“Chia đều cho mỗi tháng 30 ngày thì mỗi ngày tôi nhận được 300 nghìn đồng tiền lương nhưng mở mắt ra là tôi đã mất 70 nghìn đồng tiền thuê nhà, chưa kể điện, nước. Ăn chính 2 bữa/ngày, mỗi bữa ít nhất cũng 40-50 nghìn đồng, nếu ăn thêm bát phở vào buổi sáng thì riêng tiền ăn đã hết nửa tiền lương, thế nào cuối tháng cũng âm”, chị Quỳnh nói.
Bát phở tăng giá 115% trong khi thu nhập chỉ tăng 25%.
Theo chị Quỳnh, cách đây 6 năm, khi mức lương của chị là 8 triệu đồng/tháng thì quán phở đầu ngõ nhà chị chỉ có giá 20 nghìn đồng/bát. Tuy nhiên, hiện tại một bát phở đã có giá 45 nghìn đồng, tăng hơn 115% nhưng lương của chị chỉ tăng khoảng 25%.
Không chỉ giá một bát phở tăng mà mọi chi phí sinh hoạt khác cũng tăng lên nhanh chóng. Đơn cử như giá xăng năm 2017 chưa đến 20 nghìn đồng/lít nhưng hiện tại đã tăng lên 24 nghìn đồng/lít, giá gạo Bắc Hương từ 13 nghìn đồng/kg cũng lên 19 nghìn đồng/kg, bột canh hay gói mì tôm cũng tăng với tốc độ nhanh hơn thu nhập của chị.
Vì vậy, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, chị Quỳnh coi phở là món ăn sáng xa xỉ, chỉ dành cho những dịp đặc biệt, khi có bạn từ xa về Hà Nội chơi hoặc để “thưởng” cho mình nhân sự kiện nào đó.
Không mất tiền thuê nhà nhưng không còn độc thân, chị Ngô Hạnh (30 tuổi), trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chị làm kế toán cho một công ty vận tải với mức lương 10 triệu đồng/tháng nhưng từ đầu năm đến nay, số lần gia đình chị đi ăn phở buổi sáng cũng đếm trên đầu ngón tay.
“Nhà tôi 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con. Thu nhập của chồng tôi để riêng trả nợ tiền mua nhà trả góp còn thu nhập của tôi lo sinh hoạt cho cả nhà. Nếu buổi sáng đi ăn phở, mỗi bát phở 40 nghìn thì bữa sáng cũng hết 160 nghìn đồng rồi nên nhà tôi chỉ ăn sáng qua loa ở nhà”, chị Hạnh nói.
Chị Hạnh phân bổ bữa sáng với chi phí chỉ khoảng 10 nghìn đồng/người/ngày để tiết kiệm chi tiêu. (Ảnh minh hoạ).
Bữa sáng nhà chị Hạnh khi thì là bánh mì nướng mật ong với chi phí 15 nghìn đồng/cọc bánh mì lát, thêm ít bơ, mật ong và một cốc sữa tươi, tổng tiền khoảng 50 nghìn đồng cho 4 người. Hoặc sang hơn, chị làm bánh mì trứng, bánh mì xúc xích, cơm rang, bánh bột mì rán, mì tôm trứng…
“Tôi ước lượng bữa sáng chỉ khoảng 10 nghìn đồng/người, bữa chính khoảng 100 nghìn đồng cho 4 người. Chưa kể tiền mua hoa quả, trái cây theo mùa, sữa tươi hàng ngày cho các con nữa nên tiền ăn một tháng cho gia đình 4 người cũng hết khoảng 5 triệu đồng”, chị Hạnh phân tích.
Theo chị Hạnh, hai đứa con chị học trường công, ăn bán trú, mỗi tháng mỗi bạn chi phí hết khoảng 1,2 triệu đồng/tháng; tiền điện, nước hết khoảng 1 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại khoảng 1-2 triệu đồng là chi phí phát sinh như đi đám cưới, sinh nhật, hoặc về quê là cũng vừa hết, có tháng còn âm tiền.
“Chỉ cần chi quá tay một cái là “âm lương” luôn, vậy nên cả tháng nhà tôi không dám ăn phở buổi sáng là vì thế”, chị Hạnh bộc bạch.
Chị Hạnh cho rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tuỳ vào mức thu nhập của mỗi gia đình mà có mức chi tiêu làm sao cho hiệu quả nhất, để cuối tháng không gặp tình trạng thu không đủ chi hoặc “ăn đong từng bữa”.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội đạt 9,9 triệu đồng/người/tháng trong khi tại TP. Hồ Chí Minh là 9,3 triệu đồng. Trong khi đó, Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức giá đắt đỏ nhất cả nước năm 2022. |
“Bây giờ phải nhặt từng nghìn một. Cuốc xe 15 nghìn thì tài xế nhận về 8,9 nghìn, cuốc xe 12 nghìn nhận về 8,8 nghìn đồng. Để có tiền lo cho gia đình, tôi phải chạy xe 13-14...
Nguồn: [Link nguồn]